Diễn đàn thu hút nhiều diễn giả đến từ Bộ Khoa học & Công nghệ, Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch TP.HCM, các chuyên gia, các CEO, các quỹ đầu tư đến từ các quốc gia khu vực Tiểu vùng sông Mekong. Được biết, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam bắt đầu được hình thành và phát triển mạnh mẽ sau quyết định 844/QĐ-CP ngày 15/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Đến nay, Nhà nước đã có 2 luật ban hành, 4 nghị định, 6 thông tư, 3 đề án và nhiều văn bản ban hành liên quan đến lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các startup đã gọi vốn đầu tư tăng trưởng rất lớn và liên tục (năm 2018 tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ USD). Nhiều tập đoàn đã đầu tư mạnh mẽ vào khởi nghiệp sáng tạo như Vingroup, Vinacapital, FOT, CMC… với mạng lưới các nhà đầu tư thiên thần và trên 1.000 cố vấn trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, theo ông Lý Đình Quân - Giám đốc Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (Shi) thì: Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam vẫn còn non trẻ với nhiều tồn tại và khó khăn ở tất cả các giai đoạn hỗ trợ khởi nghiệp từ ý tưởng đến DN và từng thành tố của hệ sinh thái khởi nghiệp trong DN. Đặc biệt đối với hệ sinh thái khởi nghiệp du lịch còn rất mới lạ, nguồn lực rời rạc, chưa có sự nhiều hợp tác và kết nối. Giải pháp cho vấn đề này cần tập trung vào các nhóm nội dung cơ bản: Cần có một đề án tổng thể cấp quốc gia về thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp du lịch với sự chủ trì của Bộ văn hóa thể thao du lịch và sự hợp tác, hỗ trợ từ Bộ KH&CN, Bộ KH&ĐT, Bộ GD&ĐT... cùng các hiệp hội, trường đại học, tập đoàn và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp quy mô lớn; tổ chức nhiều hội thảo, diễn đàn, đối thoại, tư vấn, các cuộc thi khởi nghiệp du lịch trong giai đoạn đầu để hình thành nhận thức, tư duy về khởi nghiệp du lịch thông minh nhằm kết nối các nguồn lực trong hệ sinh thái khởi nghiệp; tăng cường sự hợp tác của Tổng cục du lịch, các Sở du lịch trong những hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp du lịch, từng bước đưa DN du lịch thông minh vào đối tác hỗ trợ chính trong cơ chế, chính sách của địa phương; tạo điều kiện tối ưu cho các hoạt động hỗ trợ, kết nối khởi nghiệp du lịch trong các trường đại học (đặc biệt cho sinh viên ngành du lịch tiếp cận với chương trình đào tạo doanh nhân, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo); khuyến khích hợp tác, liên kết trong đầu tư khởi nghiệp du lịch thông minh, tăng cường cạnh tranh về sản phẩm, dịch vụ và phát triển bền vững.
Dù còn nhiều ý kiến tranh luận chưa thống nhất nhưng hầu hết diễn giả tham dự diễn đàn đều cho rằng: Khởi nghiệp du lịch thông minh thực sự là công cụ hiệu quả để tạo ra thế hệ doanh nhân du lịch mới, sáng tạo với công nghệ có sức đột lớn cho phát triển kinh tế ở từng địa phương và từng quốc gia. Đặc biệt đối với Việt Nam, nền tảng tri thức và công cụ công nghệ để khai thác tài nguyên bản địa là rất lớn. Nếu có sự vào cuộc đồng bộ và đầu tư đúng mức, trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ tạo ra lớp doanh nhân du lịch chất lượng cao với hàng ngàn DN du lịch thông minh sẽ ra đời.
Được biết, ITE HCMC 2019 sẽ khai mạc vào sáng 5/9/2019 với sự góp mặt của 300 gian hàng trong lĩnh vực dịch vụ du lịch và lữ hành đến từ nhiều tỉnh thành trên cả nước cùng đại diện cho ngành du lịch các quốc gia Đức, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Singapore, Hà Lan, Thái Lan, Brunei, Campuchia, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất... Đây là cơ hội hợp tác vô cùng thuận lợi cho các nhà kinh doanh đến từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Có thể nói rằng, ITE HCMC 2019 là diễn đàn thương mại lý tưởng để DN du lịch phát triển thị trường khách inbound và outbound cùng các hoạt động chiều sâu về văn hóa du lịch của các quốc gia.