Gọi vốn từ các nền tảng đầu tư: Cẩn trọng vướng "bẫy"

Mỹ Huyền| 29/04/2021 01:21

Khó khăn nhất của một dự án khởi nghiệp đó chính là vốn. Tuy nhiên, việc gọi vốn không hề dễ dàng. Nhiều startup đang dần quen với các nền tảng đầu tư như sàn gọi vốn cộng đồng nhưng có hiện tượng một số sàn lập ra chỉ để bẫy người dùng.

Giá trị thị trường gọi vốn cộng đồng (crowdfunding) được dự đoán sẽ đạt đến 114 tỷ USD trong năm nay trên toàn cầu. Tại Đông Nam Á, trung bình mỗi chiến dịch gọi vốn cộng đồng gọi được 122 nghìn USD, theo thống kê của Fintech Strategist. Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu với con số trung bình lên đến 1,3 triệu USD, giá trị thị trường tăng 16% trong năm nay.

Sáng lập và điều hành nền tảng Wiziin Nguyễn Ngọc Tiến cho hay, lợi dụng nhu cầu đầu tư và gọi vốn tăng, một số nền tảng gọi vốn trá hình đã tranh thủ mọc lên. Đích nhắm của những nền tảng này là tài sản của nhà đầu tư đổ tiền vào. Ông Tiến đã chia sẻ một số dấu hiệu để các nhà đầu tư nhận biết các nền tảng không đáng tin cậy.

Có 4 loại nền tảng đầu tư được biết đến tại Việt Nam là nền tảng quy tụ đầu tư từ nhà đầu tư chuyên nghiệp, sàn đầu tư cộng đồng là các nhà đầu tư không chuyên (crowdfunding), nền tảng cho vay ngang hàng (P2P Lending) và sàn huy động vốn dựa trên vốn góp.

Để hút vốn, các nền tảng đầu tư sẽ đưa ra tỷ suất hoàn vốn (ROI) khá cao. Nhưng lợi nhuận cao sẽ đi kèm rủi ro cao. Vì vậy, nhà đầu tư phải đủ tỉnh táo để đánh giá tính hợp lý của số liệu về lãi suất và rủi ro từ việc đầu tư. Mức lợi nhuận và rủi ro kèm theo phải dựa trên mặt bằng chung của lĩnh vực họ tham gia.

Thứ hai, không phải quốc gia nào cũng cho phép nền tảng đầu tư hoạt động. Một số nơi không chấp nhận nền tảng P2P Lending hoặc crowdfunding.

Hoặc nếu được chấp nhận thì các nền tảng này phải tuân thủ một số quy định. Để được bảo vệ khi đầu tư thông qua bên thứ ba, nhà đầu tư cần xem xét tính pháp lý của nền tảng. Liệu quốc gia đó công nhận hoạt động nhất định nào của nền tảng không?

Thứ ba, nhà đầu tư cần xem xét nền tảng đó có đưa thông tin đầy đủ về startup nhận đầu tư hay không. Thông tin về tư cách được nhận đầu tư phải được công nhận bởi các sở, ban, ngành như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Nhân dân.

Nhà đầu tư nên kiểm chứng về bên gọi vốn để tránh vô tình bị lôi vào những vụ việc liên quan đến pháp lý, hoặc đầu tư vào một đơn vị không có thật.

Thứ tư, nhà đầu tư cần thận trọng khi thành lập hợp đồng trong giai đoạn giải ngân. Hợp đồng phải minh bạch về cách thức, số tiền giải ngân và trách nhiệm về những khoản phí.

2-5322-1619595362.jpg

Nền tảng đầu tư phải quy định rõ ràng về chính sách liên quan đến giải ngân. Thời điểm nền tảng chuyển tiền cho bên nhận đầu tư nếu nhà đầu tư chuyển tiền cho nền tảng cũng phải ghi rõ.

Nhà đầu tư cũng nên xem xét liệu nền tảng có đủ các chức năng bảo mật cần thiết. Hợp đồng bảo mật thông tin phải được áp dụng chặt chẽ để tránh rủi ro về quyền cá nhân.

Đối với những nhà đầu tư không chuyên, các sàn crowdfunding có thể tận dụng để tự học đầu tư bằng số tiền chỉ vài chục nghìn đồng. Họ có thể học cách đọc bản báo cáo tài chính, đánh giá tính khả thi của dự án và sản phẩm để có kinh nghiệm cho những lần đầu tư lớn hơn về sau.

Còn về startup Việt, nếu muốn được gọi vốn từ các sàn crowdfunding nước ngoài thì phải mở thêm chi nhánh công ty ở Mỹ mới được nhận đầu tư. Nguyên nhân là những trường hợp đầu tư đổi cổ phần hay lợi nhuận ở nước ngoài chưa được cho phép.

Số startup khác muốn gọi vốn crowdfunding nhưng không đủ năng lực thì đành tìm đến hình thức cho vay ngang hàng. Tuy nhiên, ông Kendrick Nguyễn - Nhà sáng lập Republic cho rằng, việc vay vốn trả lãi không phù hợp với startup. Theo ông, startup chạy chi phí hằng tháng chưa nổi thì không nên đi vay vì phải tính đến khả năng trả lãi của mình.

Bên cạnh gánh nặng trả lãi, nhiều nền tảng P2P Lending còn có thể đẩy startup rơi vào vòng xoáy vay nợ. Trong năm qua, Bộ Công an cho hay đã phát hiện 41 đối tượng thiết lập 3 ứng dụng điện thoại di động để hoạt động cho vay lãi nặng tại TP.HCM, lãi suất lên đến 2,5%/ngày, tương đương 912,5%/năm.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước năm ngoái cho thấy có khoảng 100 công ty P2P Lending đang tồn tại. Trong số này, đang tồn tại hiện tượng phân phối khoản vay nặng lãi hay kiêm luôn dịch vụ cầm đồ.

Một số hành vi phạm pháp núp bóng P2P Lending khác cũng được chỉ ra như sàn tự huy động vốn cho mình, rửa tiền, tài chính đa cấp, lừa đảo người cho vay hay nhà đầu tư, mua bán thông tin cá nhân của người vay và đầu tư trái phép.

Trong khi đó, không ít trong số 4.000 nền tảng từ Trung Quốc bị chính phủ nước này dẹp bỏ đã di chuyển đến Việt Nam không chính thức.

Do đó, Ngân hàng Nhà nước đề xuất, trước mắt nên quản lý trong phạm vi P2P Lending kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay (nhà đầu tư). Chưa nên mở rộng cho các tổ chức tài chính tham gia và không cho phép các công ty P2P Lending được quyền huy động vốn để cho vay.

Ngoài ra, các hình thức gọi vốn trên nền tảng sử dụng các đồng tiền mã hóa làm phương tiện chuyển vốn hay nhận vốn sẽ không được xem là hợp pháp theo Khoản 6, Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gọi vốn từ các nền tảng đầu tư: Cẩn trọng vướng "bẫy"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO