![]() |
Từ những ý tưởng được cho là "bất khả thi" những người còn rất trẻ đã đồng lòng chung tay lập nên Nét Việt, một dự án sưu tầm và quảng bá trang phục truyền thống của các dân tộc Việt Nam...
Từ ý tưởng của một cá nhân...
Người có ý tưởng sưu tập trang phục truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam là Lê Ngô Bảo Việt, biên đạo múa của vũ đoàn Phương Việt. "Chinh chiến" khắp các chương trình, lễ hội về văn hóa dân tộc cả trong Nam lẫn ngoài Bắc, Việt đắm say những đường nét và sắc màu của những hoa văn trên những bộ trang phục dân tộc khi tham gia dàn dựng các vở múa, rồi Việt bị những hoa văn ấy hớp hồn hồi nào không hay.
Anh nhận ra thực trạng, trung bình để dệt, may một bộ trang phục như vậy mất gần cả năm. Trong khi, có những dân tộc xấp xỉ 300 người nhưng chỉ còn lưu giữ khoảng 5, 6 bộ trang phục. Thế là Việt vét hết tiền túi, năn nỉ, thuyết phục, thậm chí nhờ cả chính quyền địa phương giúp sức để mua lại các bộ trang phục truyền thống.
Cho đến đầu năm 2014, khi Việt gặp những người trẻ khác: biên kịch Huỳnh Tuấn Anh, nhiếp ảnh gia Bảo Lê, chuyên viên trang điểm Trần Anh Vũ, nhạc sĩ Võ Hoài Phúc, hai đạo diễn Phan Ngọc Thức và Nguyễn Tấn Trực, thì ngọn lửa đam mê, như đụn than âm ỉ bấy lâu nay, bùng cháy trước cơn gió nhiệt huyết của sức trẻ và tình yêu văn hóa dân tộc.
Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện cũng là lúc Việt và ê-kíp đối mặt với thực trạng các bộ trang phục truyền thống đang mai một dần. "Cả ê-kíp rất đau đầu vì có những dân tộc thiểu số gần như không còn duy trì lối sản xuất thủ công theo từng công đoạn đúng với kỹ thuật dệt may gia truyền của dân tộc mình, có một số gần như thất truyền hoặc phải vay mượn kỹ thuật dệt may của dân tộc khác. Cái khó lớn nhất là phải có đủ kiến thức và hiểu biết về tập quán cũng những bản sắc riêng của từng dân tộc, phân biệt được sự giao thoa và dị bản của những tộc người có nguồn gốc lịch sử liên đới nhau về nhiều mặt", Bảo Việt trăn trở.
Hơn nữa, trang phục dân tộc nguyên mẫu chắc chắn không phải là đồ để thuê mướn và mua bán một cách dễ dàng, mà là những báu vật được trân quý và gìn giữ cẩn thận trong từng nếp nhà đâu đó dọc chiều dài đất nước.
Hành trình đi tìm đã khó, tổ chức chụp ảnh, kêu gọi sự góp mặt bất vụ lợi của những thành phần có sức ảnh hưởng trong xã hội càng khó hơn. "Thật không dễ thuyết phục chủ nhân giao lại những báu vật này cho một nhóm người trẻ không quen biết", Bảo Việt cho biết thêm.
![]() |
Người mẫu Quanh Đi (dân tộc Khmer) |
...Đến "cuộc chơi" ra tấm ra món
Với lòng kiên trì, nhiệt huyết trong những chuyến đi dọc chiều dài đất nước, cùng tính bất vụ lợi của dự án, những người trẻ đã tạo dựng được niềm tin và những cú hích tinh thần đối với đồng bào dân tộc thiểu số và cả những người yêu văn hóa dân tộc. Nét Việt ra đời và đã nhận được sự bảo trợ của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM.
Theo đó, chương trình sẽ sưu tầm và quảng bá trang phục truyền thống của các dân tộc Việt, thông qua tầm ảnh hưởng của các diễn viên, ca sĩ, doanh nhân, giáo viên, chính khách... để thế hệ trẻ tiếp cận những nét độc đáo, đặc trưng trong văn hóa các dân tộc.
Nét Việt còn nhận được sự ủng hộ và cố vấn của các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa truyền thống như GS-TS. Trần Văn Khê, nghệ sĩ múa Hà Thế Dũng, NSƯT Hoa Hạ, nhạc sĩ Hoài An.
Tính đến thời điểm này, Nét Việt đã có 10 bộ trang phục truyền thống của các dân tộc, với sự đồng thuận ủng hộ của 8 nghệ sĩ và 2 doanh nhân. Bạn bè của Việt hay tin về dự án cũng tích cực hưởng ứng và ủng hộ bằng cách chung sức đi tìm "báu vật" trên các rẻo cao.
Từ lúc khởi động cho đến nay, Nét Việt đã ngốn không ít kinh phí, thế nhưng các thành viên của dự án vẫn chấp nhận dốc toàn bộ tài lực cho một "cuộc chơi lớn". Bảo Việt hy vọng sẽ nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm của những người có tấm lòng với văn hóa dân tộc để dự án có thể hoàn thành đúng tiến độ.
"Còn không thì chúng tôi sẽ gắng làm rồi dành dụm, có thể 2 hoặc 3 năm nữa mới xong. Nhưng không sao, một khi đã quyết tâm thì nhất định chúng tôi sẽ làm tới nơi tới chốn", Bảo Việt khẳng định.