Sự cấm đoán có hiệu quả đến đâu?

BÍCH TRÂM| 23/04/2017 06:49

Những biện pháp cấm đoán có ảnh hưởng ngày càng tăng đối với cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

Sự cấm đoán có hiệu quả đến đâu?

Những biện pháp cấm đoán có ảnh hưởng ngày càng tăng đối với cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Ở Mỹ, việc cấm một số loại thuốc gây nghiện, kể cả tiến hành “chiến tranh” chống lại chúng, đã trở thành một trong những vấn đề quốc gia được tranh luận nhiều nhất.

Cuốn sách Kinh tế học cấm đoán là một trong những công trình nghiên cứu mang tính lý thuyết đầu tiên về cấm đoán. Mục đích của tác giả - GS-nhà kinh tế học Mark Thornton (giáo sư nghiên cứu cao cấp của Viện Ludwig on Mises tại Alabama kiêm giáo sư nghiên cứu của Viện Độc lập) - là nâng cao hiểu biết của độc giả về cội nguồn và kết quả của chính sách cấm đoán, và từ đó gián tiếp đóng góp vào việc hoạch định chính sách trong tương lai, làm cho quá trình này trở nên hữu lý hơn.

Trọng tâm của cuốn sách là lý thuyết kinh tế học về cấm đoán. Lý thuyết này định nghĩa cấm đoán là một nghị định của chính phủ nhằm ngăn chặn việc trao đổi một món hàng hoặc một dịch vụ nào đó.

GS. Thornton khẳng định, giải pháp dài hạn duy nhất nhằm giải quyết những vấn đề do “việc lạm dụng” sản phẩm gây ra là... hợp pháp hóa sản phẩm đó.

Dẫn chứng tầm quan trọng của những biện pháp cấm đoán trong lịch sử nước Mỹ và vai trò của nó trong các vấn đề xã hội, cuốn sách này có thể được coi là một lời thách thức đối với những người ủng hộ cấm đoán, khuyến khích họ trình bày một lý thuyết nói về những lợi ích của cấm đoán.

"Cuốn sách có thể gây ra những chấn thương đáng kể về nhận thức, và nên dành cho những độc giá có thói quen suy xét vấn đề một cách cẩn trọng, đa chiều, cởi mở, và qua đó, nhìn nhận các vấn đề dưới con mắt của một trí tuệ tự do – điều mà những người trong ngành kinh tế luôn tự nhủ phải giữ gìn", TS. Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận xét.

Kinh tế học cấm đoán nói với độc giả rằng, về cơ bản những cấm đoán, ngăn cản trong xã hội mà họ vẫn cho là thật hợp lý về đạo đức, được luật pháp hay các phương tiện gần như luật pháp bảo hộ, hầu hết đều không có tác dụng, nếu không muốn nói là phản tác dụng. Tức là chúng thường tạo thêm những điều tồi tệ hơn cho nhiều thành phần trong xã hội, hoặc làm phát sinh thêm những vấn nạn mới như tội ác khốc liệt hơn, dung dưỡng tham nhũng, đặc quyền và hình thành thêm các băng đảng.

>>Tâm lý học hài hước: Khoa học về những điều kỳ quặc

Các bậc thầy của chủ nghĩa tự do, trong đó có Milton Friedman (đoạt giải Nobel Kinh tế 1976) đã chỉ ra, cấm đoán đã giúp tạo ra một thị trường thực sự của các chất gây nghiện. Cụ thể, các băng nhóm sẽ hình thành và phân chia thị trường ngầm, và trong mỗi thị trường đó, họ cố gắng mồi chài những thanh thiếu niên ngây thơ bằng cách phát không ma túy để dùng lúc đầu. Đó là một động lực trực tiếp cám dỗ và hủy hoại cuộc đời những đứa trẻ vô tội. Nhưng nếu không có cấm đoán, như ma túy có thể bán ở các tiệm thuốc như thuốc lá hay rượu bia (cho những người trên một độ tuổi nhất định), sẽ không băng nhóm nào còn động lực mồi chài các thanh thiếu niên, vì khi mồi chài được, họ cũng sẽ không phải là khách hàng trung thành của chúng, vì ma túy có thể mua được ở bất cứ đâu. Do đó, những nhà kinh tế cũng như tác giả cuốn sách này lập luận rằng, số người nghiện hút vì bị dẫn dụ lúc còn thơ bé sẽ giảm xuống. Sẽ chỉ còn những người tự tìm đến ma túy khi đã trưởng thành, với lý trí đầy đủ, như người ta đã lựa chọn hút thuốc và uống rượu vậy.

Trong Kinh tế học cấm đoán còn nhiều phân tích và thảo luận thú vị khác, dựa trên các công cụ thuần lý trí và suy luận logic của kinh tế học, cho độc giả thấy những cấm đoán có thể bóp méo hành vi và thị trường thế nào, tạo nên những kết quả hoàn toàn ngược với mong đợi, đồng thời hình thành một tầng lớp tham nhũng đặc quyền ăn bám trên sự duy trì cấm đoán đó, cũng như tạo nền tảng kinh tế và tài chính cho các băng nhóm phi pháp tồn tại và phát triển.

Ngoài việc dịch thuật, dịch giả Phạm Nguyên Trường còn chọn lọc thêm 5 tiểu luận của các tác giả khác cùng xoay quanh chủ đề này (liên quan đến sự cấm đoán ma túy, thuốc lá và mại dâm) để đưa vào phần Phụ lục, giúp cuốn sách trở thành một tác phẩm dày dặn hơn.

>>Khi nào cướp nhà băng: Tầm phào và đáng kinh ngạc

Nhà nghiên cứu Doug Bandow (thuộc Viện Cato) nhận định, GS. Mark Thornton đã can đảm nhận lời thách đấu mà những người vận động cho cuộc chiến chống ma túy tung ra. Trong cuộc tranh luận mà cảm xúc thường xuyên được viện dẫn hơn là sự kiện, GS. Thornton đã xem xét cách thức thị trường ma túy bất hợp pháp (trước đây là rượu, nay là ma túy) hoạt động như thế nào. Và đây là kết luận của ông: Những vấn đề như tội phạm và tham nhũng là kết quả tự nhiên của những biện pháp cấm đoán ma túy chứ không phải là do sử dụng ma túy.

Nhiều độc giả có thể không đồng ý với những luận điểm và kết luận của tác giả Kinh tế học cấm đoán. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Đức Thành thì "cuốn sách này sẽ là thứ mang đến cho bạn đọc những điều mới mẻ" và ông khuyến nghị người đọc "Hãy đọc nó với một tư duy rộng mở, vị tha, và một cái nhìn không thành kiến của lý trí".

Kinh tế học cấm đoán do Nhà xuất bản thế giới ấn hành, bản quyền tiếng Việt thuộc Thái Hà Books . Sách dày 325 trang, giá bìa 95.000đ.

>>Kho ebook Doanh Nhân Sài Gòn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sự cấm đoán có hiệu quả đến đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO