Theo thông báo, việc nâng giới hạn vay sẽ được áp dụng cả với các khoản vay theo năm và tích lũy. Cụ thể, tổng mức vay sẽ được tăng lên tối đa 600% mức đóng góp của quốc gia đó trong IMF, thay vì 435% như hiện nay. Các khoản vay 12 tháng có thể có giá trị lên tới 200% mức đóng góp nói trên, tăng từ mức 145% hiện nay.
Những thay đổi này sẽ giúp các quốc gia thành viên, đặc biệt là các thị trường đang nổi và các nền kinh tế đang phát triển, vốn đang phải đối mặt với nhiều áp lực tài chính và các rủi ro, được tiếp cận nhiều hơn các hỗ trợ tài chính từ IMF. Tổng ngân sách cho vay của IMF hiện vào khoảng 1.000 tỷ USD.
Ban giám đốc IMF cũng đang thảo luận về khả năng thay đổi giới hạn tiếp cận Quỹ Tín thác Tăng trưởng và Giảm nghèo (PRGT), dành cho các nước có thu nhập thấp. Thông báo của IMF nêu rõ sẽ đánh giá lại hạn mức tín dụng trong khuôn khổ PRGT khi nhận được đủ cam kết hỗ trợ thêm tài chính từ các nước thành viên giàu hơn. Mức trần này đã được nâng lên 45% hồi năm 2021.
Hồi tuần cuối tháng 2/2023, IMF cho biết các quốc gia thuộc nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) có một số bất đồng về việc tái cơ cấu nợ cho các nền kinh tế đang gặp khó khăn, đồng thời cho biết thêm rằng việc cấm tiền kỹ thuật số tư nhân nên là một lựa chọn.
Nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Ấn Độ diễn ra trong bối cảnh các nước láng giềng Nam Á là Sri Lanka, Bangladesh và Pakistan đang tìm kiếm các quỹ khẩn cấp từ IMF do suy thoái kinh tế gây ra bởi đại dịch Covid-19 và căng thẳng Nga - Ukraine gây ra.
Trung Quốc - chủ nợ song phương lớn nhất thế giới - đã kêu gọi nhóm các nền kinh tế lớn tiến hành phân tích công bằng, khách quan và chuyên sâu về nguyên nhân của các vấn đề nợ toàn cầu khi ngày càng có nhiều lời kêu gọi các bên cho vay giảm hoặc chấp nhận mất các khoản vay.
Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cho hay: "Về tái cơ cấu nợ, mặc dù vẫn còn một số bất đồng, nhưng chúng tôi hiện có hội nghị bàn tròn về nợ công toàn cầu với sự cân nhắc của tất cả các chủ nợ công và tư. Chúng tôi vừa kết thúc một phiên họp trong đó rõ ràng là có cam kết khắc phục sự khác biệt vì lợi ích của các quốc gia". Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, không có kết quả nào có thể được đưa ra từ cuộc họp, mà chủ yếu là về mặt tổ chức.
Các cuộc thảo luận tiếp theo của ban hội thẩm, bao gồm các chủ nợ song phương lớn bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và các nước G7, một số quốc gia mắc nợ, được lên kế hoạch vào khoảng thời gian diễn ra các cuộc họp mùa Xuân của IMF và Ngân hàng Thế giới vào tháng 4/2023.
Ngoài việc tái cấu trúc nợ, việc điều chỉnh tiền kỹ thuật số là một lĩnh vực ưu tiên khác của Ấn Độ. Bà Georgieva cho biết, phải phân biệt sự khác nhau giữa các loại tiền kỹ thuật số do các ngân hàng trung ương hỗ trợ và tiền ổn định, cũng như tài sản tiền kỹ thuật số được tư nhân phát hành.
Theo bà Georgieva, cần phải có sự thúc đẩy rất mạnh mẽ đối với quy định... Nếu chưa đưa ra được quy định, thì không loại trừ khả năng sẽ phải cấm những tài sản đó, bởi chúng có thể tạo ra rủi ro về ổn định tài chính. Về phần mình, bà Yellen không đề xuất "việc cấm hoàn toàn các hoạt động tiền kỹ thuật số nhưng điều quan trọng là phải đưa ra một khuôn khổ pháp lý mạnh mẽ".