Hồi tố lỗ và chiêu trò của doanh nghiệp niêm yết trên sàn

Gia Lê| 04/03/2022 06:00

Chuyện một doanh nghiệp trên sàn niêm yết mới đây bất ngờ điều chỉnh hồi tố lỗ lên tới hàng nghìn tỷ đồng vào các năm trước trong báo cáo tài chính năm 2021, nhằm tránh hủy niêm yết bắt buộc theo quy định đã thu hút sự chú ý của thị trường.

Hồi tố lỗ và chiêu trò của doanh nghiệp niêm yết trên sàn

Chuyện doanh nghiệp bốc hơi lợi nhuận sau kiểm toán, thậm chí chuyển từ lãi sang lỗ, không phải là điều hiếm hoi trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Quá khứ cho thấy, không ít doanh nghiệp ban đầu công bố lãi lớn và giá cổ phiếu tăng vọt, nhưng báo cáo kiểm toán sau đó đưa ra những ý kiến loại trừ hoặc yêu cầu điều chỉnh bút toán khiến lợi nhuận suy giảm mạnh, kéo giá cổ phiếu lao dốc gây biết bao thiệt hại cho các nhà đầu tư.

Theo hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS), chuẩn mực số 29 - thay đổi chính sách kế toán, ước tính kế toán, có giải thích rằng: "Điều chỉnh hồi tố là việc điều chỉnh những ghi nhận, xác định giá trị và trình bày các khoản mục của báo cáo tài chính như thể các sai sót của kỳ trước chưa hề xảy ra. Trong đó, các sai sót bao gồm sai sót do tính toán, áp dụng sai các chính sách kế toán, bỏ quên, hiểu hoặc diễn giải sai các sự việc và gian lận".

Quy định cũng có nêu rõ, doanh nghiệp phải điều chỉnh hồi tố những sai sót trọng yếu liên quan đến các kỳ trước vào báo cáo tài chính phát hành ngay sau thời điểm phát hiện ra sai sót bằng cách: (a) Điều chỉnh lại số liệu so sánh nếu sai sót thuộc kỳ lấy số liệu so sánh; hoặc (b) Điều chỉnh số dư đầu kỳ của tài sản, nợ phải trả và các khoản mục thuộc vốn chủ sở hữu của kỳ lấy số liệu so sánh, nếu sai sót thuộc kỳ trước kỳ lấy số liệu so sánh. 

Chính vì vậy, việc một doanh nghiệp điều chỉnh hồi tố cho một thời gian dài và sự biến động quá lớn như vậy khiến nhà đầu tư có lý do để nghi ngờ doanh nghiệp đã không phản ánh trung thực kết quả báo cáo tài chính của những năm trước đây. Đáng lưu ý là trong những trường hợp như vậy, phía các công ty kiểm toán chỉ đơn thuần đưa ra ý kiến loại trừ với lý do chưa thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp liên quan đến các ước tính của doanh nghiệp, khiến không ít nhà đầu tư bối rối.

Về cơ bản, các doanh nghiệp thường sử dụng các bút toán xử lý trích lập dự phòng hoặc hoàn nhập dự phòng để tác động đến lợi nhuận của doanh nghiệp trong năm tài khóa hoặc điều chỉnh hồi tố cho những năm trước đó. Theo nguyên tắc kế toán, trích lập dự phòng là một khoản chi phí không bằng tiền (tiền đã ra khỏi doanh nghiệp từ lúc cho khách hàng/đối tác vay), đó chỉ đơn thuần là một bút toán làm ảnh hưởng đến tài sản và nguồn vốn của doanh nghiệp 

Cụ thể, khi công ty trích lập thì trên bảng cân đối kế toán, tài sản trích lập giảm dẫn tới tổng tài sản giảm, tổng nguồn vốn giảm tương ứng. Trên báo cáo thu nhập sẽ ghi nhận tăng chi phí trích lập tương ứng và làm giảm lợi nhuận. Ngược lại, hoàn nhập dự phòng sẽ làm tăng tài sản - nguồn vốn và tăng lợi nhuận. 

Có nhiều khoản mục tài sản có thể trích lập dự phòng, đó có thể là các khoản đầu tư, cho vay, khoản phải thu, hàng tồn kho... Thông thường, các doanh nghiệp sẽ xử lý trích lập/hoàn nhập dự phòng ở các khoản phải thu, vì đây là khoản mục đánh giá có tính chất định tính nhiều hơn và không có nhiều cơ sở vững chắc để xem xét, còn hàng tồn kho và các khoản đầu tư dễ xác định con số dự phòng hơn từ phía các công ty kiểm toán.

Như vậy, khi doanh nghiệp muốn giảm lợi nhuận sẽ tìm cách tăng dự phòng khoản phải thu và ngược lại. Chính các khoản dự phòng này cũng là nguồn lợi nhuận để dành nếu doanh nghiệp thu được, hoặc thậm chí doanh nghiệp chỉ cần đánh giá có khả năng thu hồi trở lại thì cũng sẽ giúp được hoàn nhập dự phòng, tức con số phải trích sẽ thấp hơn số đã trích lập trước đây. Tất nhiên là việc trích lập hay hoàn nhập sẽ phải theo những chuẩn mực, tuy nhiên chuẩn gì thì cũng phụ thuộc vào con người và có kẽ hở để lách.

Với trường hợp doanh nghiệp kể trên, doanh nghiệp này lẽ ra đã phải trích lập dự phòng cho các khoản phải thu từ những năm trước, nhưng doanh nghiệp đã không trích lập để vẫn có thể báo lãi và né án hủy niêm yết trước đây, bất chấp công ty kiểm toán nêu ý kiến ngoại trừ ba năm liên tiếp về các khoản phải thu. Rồi giờ đây doanh nghiệp mới quay lại điều chỉnh hồi tố báo cáo những năm trước theo hướng phải trích lập dự phòng lớn và ghi nhận lỗ lớn. Và chính nguồn dự phòng lớn này có thể giúp doanh nghiệp báo lãi trở lại cho những năm sau này khi được hoàn nhập trở lại, còn về thực chất hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp vẫn có thể đang chìm trong khó khăn. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hồi tố lỗ và chiêu trò của doanh nghiệp niêm yết trên sàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO