Doanh nghiệp da giày, may mặc tìm cách vượt khó

Thanh Tâm| 30/08/2022 06:00

Dù dịch Covid-19 đã được khống chế, nhưng nhiều doanh nghiệp ngành da giày, may mặc vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi sức mua giảm mạnh và thiếu lao động.

Đã có 25 năm tạo được chỗ đứng vững chắc tại thị trường trong nước, tuy nhiên ông Nguyễn Trí Kiên - Giám đốc Công ty TNHH May Minh Tiến (Miti) cho biết: “Chưa bao giờ Miti phải chịu nhiều khó khăn như hiện nay. Người dân đã quá đuối sau hai năm bị dịch Covid-19, cộng thêm giá cả tăng cao khiến họ không dám chi tiêu nhiều, nên doanh thu bán lẻ các mặt hàng túi xách của chúng tôi rất thấp”.

-8558-1661765697.jpg

Ông Nguyễn Trí Kiên - Giám đốc Công ty May Minh Tiến

Bên cạnh vấn đề doanh thu đi xuống,  ngành da giày còn gặp khó khăn khác đó là nhân sự. Trong thời gian dịch bệnh, doanh nghiệp da giày chỉ hoạt động từ 50-80% công suất vì thiếu lao động, đồng thời phát sinh nhiều chi phí do đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, chi phí xét nghiệm, chi phí “ba tại chỗ” cho người lao động. Khi dịch bệnh được kiểm soát, doanh nghiệp lại mất khá nhiều tiền để tuyển dụng, đào tạo lại lao động sau thời gian họ bỏ về quê.

Nhưng sau khi đào tạo được một thời gian, công nhân lại “đứng núi này trông núi nọ”, so sánh thu nhập giữa các công ty để chuyển việc, khiến dây chuyển sản xuất bị ảnh hưởng. “Công nhân cứ thấy nơi nào lương cao hơn là tìm đến, có người “nhảy cóc” từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác chỉ trong mấy tháng. Có những người vừa được đào tạo xong thì rời doanh nghiệp khiến tình trạng “chảy máu nhân sự” ở các doanh nghiệp da giày rất phổ biến”, ông Hoàng Huy Thông - Tổng giám đốc Công ty Giày Khải Hoàn cho biết.

Đứng trước việc khó tìm “đầu ra” cho  giày, túi xách, theo ông Nguyễn Trí Kiên: “Việc quan trọng nhất là phải tìm  kênh bán lẻ, siêu thị để giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Tôi mong muốn có nhiều kênh bán lẻ hơn nữa để các mặt hàng của Miti đến tay người tiêu dùng. Có nhiều mặt hàng có chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng, phù hợp nhu cầu của khách hàng, tuy nhiên lại không có kênh phân phối nên khó có thể tiếp cận người mua”.

-1918-1661765697.jpg

Ông Hoàng Huy Thông - Tổng giám đốc Công ty Giày Khải Hoàn

Cũng theo ông Kiên, việc phát triển thị trường nội địa khó hơn nhiều so với xuất khẩu do phải thực hiện tốt, lâu dài các chính sách chăm sóc khách hàng, bảo đảm hình ảnh, thương hiệu và quản lý chuỗi sản xuất, phân phối. Những năm gần đây, xu hướng lựa chọn sản phẩm nội địa giá rẻ, có thương hiệu của người tiêu dùng trong nước là điều kiện tốt để doanh nghiệp da giày phát triển thị trường nội địa. “Chúng tôi tích cực tham gia các hội chợ, xúc tiến thương mại như “Hội chợ Tôn vinh hàng Việt”, “Hội chợ Hưởng ứng tháng khuyến mãi”, “Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao”; tham gia hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP.HCM  và các tỉnh, thành, tham gia chương trình kích cầu tiêu dùng, chương trình “Chắp cánh hàng Việt” để đưa hàng hóa tiếp cận sâu hơn với người tiêu dùng. Tôi mong rằng sẽ có nhiều chương trình, biện pháp của Nhà nước, của các hiệp hội ngành hàng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Kiên tâm sự.

Để giữ chân người lao động tại các doanh nghiệp da giày, theo các chuyên gia kinh tế, cần cải thiện môi trường làm việc, nơi sinh hoạt, tích cực kết nối với tổ chức công đoàn, chính quyền và các đoàn thể ở địa phương nơi cư trú của công nhân để phối hợp cung cấp thông tin về bảo đảm an toàn sức khỏe, cũng như cam kết của doanh nghiệp và địa phương nơi làm việc để người lao động, gia đình của họ an tâm; thực hiện tốt các chế độ tiền lương, tiền thưởng, làm thêm giờ, phúc lợi, an toàn vệ sinh lao động; có chính sách khuyến khích đặc biệt đối với người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp da giày, may mặc tìm cách vượt khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO