Hòa bình mong manh trên dải Gaza

LAM HỒNG| 05/12/2012 08:29

Suốt 60 năm qua, chưa bao giờ dải Gaza ngưng tiếng súng. Và ngay cả khi Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã biểu quyết công nhận tư cách "Nhà nước quan sát viên phi thành viên của LHQ" cho Palestine thì hòa bình vẫn còn là một tương lai xa vời. * Israel quyết định phong tỏa khoản tiền trợ giúp Chính phủ Palestine

Hòa bình mong manh trên dải Gaza

Suốt 60 năm qua, chưa bao giờ dải Gaza ngưng tiếng súng. Và ngay cả khi Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã biểu quyết công nhận tư cách "Nhà nước quan sát viên phi thành viên của LHQ" cho Palestine thì hòa bình vẫn còn là một tương lai xa vời.

Với 138 trong tổng số 193 phiếu, các nước thành viên LHQ đã biểu quyết thông qua nghị quyết tại Đại hội đồng về quy chế "Nhà nước quan sát viên" cho Palestine.

Người đứng đầu chính quyền Palestine ông Mahmoud Abbas gọi nghị quyết này là "giấy khai sinh" cho quốc gia Palestine mới sau nửa thế kỷ nỗ lực đòi sự công nhận nhà nước độc lập.

Bằng nghị quyết này, LHQ công nhận sự tồn tại của hai quốc gia: nhà nước Palestine trong ranh giới năm 1967 với thủ đô là Đông Jerusalem; và nhà nước Israel.

Nghị quyết kêu gọi hai nước thực hiện đàm phán về tất cả các vấn đề còn tồn tại, tiến tới ký kết thỏa thuận hòa bình, chấm dứt sự chiếm đóng của Israel từ năm 1967 và trao cho Palestine quyền trở thành một nhà nước độc lập.

Tuy nhiên, dư luận quốc tế nhận định, Palestine sẽ còn phải trải qua chặng đường rất dài phía trước để trở thành một thành viên đầy đủ của LHQ, một khi Mỹ còn nắm quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an.

Từ một "thực thể” quan sát viên, Palestine sẽ trở thành một "nhà nước" quan sát viên nhưng vẫn chưa phải là thành viên LHQ. Chín quốc gia bỏ phiếu chống, trong đó có Mỹ và Israel; 41 nước khác bỏ phiếu trắng. Mỹ cùng với Israel ngay từ đầu phản đối việc nâng cấp quy chế của Palestine tại LHQ. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố nghị quyết gây lên "sự đáng tiếc và phản tác dụng".

"Quan điểm của chúng tôi là chỉ có đàm phán trực tiếp giữa Israel và Palestine mới có thể dẫn đến sự hòa giải mà cả hai bên đều mong muốn. Khi một nước Palestine độc lập sẽ cùng tồn tại trong hòa bình và an ninh với quốc gia Israel dân chủ”, Ngoại trưởng Hillary Clinton nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, bằng nghị quyết này, LHQ công khai bày tỏ "sự mệt mỏi" trước các giải pháp mà Mỹ đã đưa ra trong hai thập kỷ qua để tìm kiếm giải pháp hòa bình giữa Israel và Palestine.

Cuộc xung đột giữa người Do Thái và người Palestine được coi là dai dẳng nhất thế giới. Căn nguyên của cuộc xung đột bắt nguồn từ sự tranh chấp dải đất nằm giữa Bờ đông Địa Trung Hải và sông Jordan với tranh chấp mảnh đất hiện nay của người Israel là của họ hay của người Ả rập Palestine? Đối với người Do Thái, sự trở lại miền đất của tổ tiên sau nhiều thế kỷ phiêu bạt và bị ngược đãi trên khắp thế giới không mang lại hoà bình, an ninh. Người Do Thái cũng đã phải đối mặt với vô số cuộc khủng hoảng, xung đột khi các nước lân bang muốn xoá bỏ mảnh đất của họ trên bản đồ thế giới.

Suốt thời gian này, Washington nắm vai trò độc quyền trung gian giữa Israel và các nước láng giềng Ả rập. Còn Israel lựa chọn trao đổi với người Ả rập thông qua Mỹ hoặc "mặt đối mặt".

Palestine vẫn không có quyền biểu quyết tại LHQ và sẽ không ai trông thấy lá cờ Palestine tại trụ sở LHQ ở New York.  Nhưng điều quan trọng hơn cả đây là lần đầu tiên quốc tế nhìn nhận quy chế "một nhà nước" của Palestine.

Ngoài ý nghĩa mang tính tượng trưng đó, với tư cách một nhà nước, từ nay trở đi, Palestine sẽ có thể được tham dự một số tổ chức quốc tế, chẳng hạn như là Tòa án Hình sự Quốc tế. Trên cơ sở này, đại diện Palestine tại LHQ cho biết có khả năng kiện Israel chiếm đóng các vùng lãnh thổ Palestine ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế.

Trước sự phản đối dữ dội của Mỹ, một số nhà quan sát lo ngại Palestine sẽ bị Mỹ trừng phạt. Quốc hội Mỹ dọa chặn lại kế hoạch viện trợ 200 triệu USD cho Palestine.

Trong khi đó, Israel đe dọa đưa ra một số biện pháp trừng phạt tài chính hay là hủy bỏ Hiệp ước Oslo quy định về quyền tự trị của Palestine đã được ký kết vào năm 1993.

Chính quyền Tel Aviv ngày 2/12 loan báo quyết định phong tỏa khoản tiền trợ giúp chính phủ Palestine trong tháng 12, sau khi Palestine được hưởng quy chế Nhà nước quan sát viên tại Liên Hiệp Quốc.

Đây là ngân khoản 90 triệu euro tiền thuế mà quốc gia Do Thái đã thu để hỗ trợ cho chính phủ Palestine. Trên nguyên tắc, số tiền này phải được chuyển qua cho chính quyền Palestine trong tháng này.

Các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine đã ngưng trệ từ tháng 9/2010. Tháng 1 năm nay, Israel và Palestine đã tổ chức các cuộc đàm phán song không đạt được bất kỳ sự tiến bộ nào.

Khu định cư Do Thái, là một trong những cản trở lớn nhất trong việc khôi phục các cuộc đàm phán trực tiếp Israel-Palestine, vẫn tiếp tục được xây dựng.

Khoảng 500.000 người Do Thái hiện đang sống ở hơn 100 khu định cư được xây kể từ khi Bờ Tây và Đông Jerusalem bị chiếm đóng. Các khu định cư này được xây không tuân theo luật pháp quốc tế. Và xung đột giữa Israel và Palestine vừa bùng phát trở lại với các vụ tấn công xuyên biên giới.

Một quan chức Israel xác nhận thông tin rằng Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã quyết định xây thêm 3.000 đơn vị nhà ở nữa ở Đông Jerusalem và Bờ Tây để đáp trả quy chế của Palestine tại LHQ. 

Biên giới giữa "hai nhà nước" trên dài Gaza này vẫn cách nhau một vực thẳm của xung đột chưa bao giờ dứt. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hòa bình mong manh trên dải Gaza
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO