Mô hình kinh tế chia sẻ: Các vấn đề quản lý ở Việt Nam

TS. Phạm Khánh Nam (*)| 17/01/2022 06:00

Công nghệ số giúp kết nối nhu cầu chia sẻ nguồn lực nhàn rỗi và nhu cầu sử dụng nguồn lực đó một cách chính xác, hiệu quả, nhanh chóng và chi phí thấp.

Mô hình kinh tế chia sẻ: Các vấn đề quản lý ở Việt Nam

Loại hình kinh tế chia sẻ

Các loại hình kinh tế chia sẻ phổ biến bao gồm: cho thuê tài sản đang sở hữu - nền tảng công nghệ tạo ra thị trường cung cấp dịch vụ dựa trên tài sản sẵn có của nhà cung cấp; cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp - nền tảng công nghệ cho phép cá nhân có tay nghề đang làm trong tổ chức truyền thống tách thành nhà cung cấp dịch vụ riêng lẻ nhờ vào công nghệ kết nối với khách hàng tiềm năng; cung cấp lao động tự do - nền tảng công nghệ tạo ra thị trường mới cho lao động tự do bằng cách kết nối nhiều người cung cấp lao động với người sử dụng lao động, kèm theo hệ thống đánh giá kết quả hoạt động của các bên tham gia; bán hàng hóa trực tiếp, ngang hàng - nền tảng công nghệ tạo ra thị trường cho phép người bán bán hàng hóa trực tiếp cho người tiêu dùng.

Mô hình kinh tế chia sẻ giúp tăng năng suất của tài sản, tăng nhu cầu và mở rộng tiêu thụ, thúc đẩy sự sáng tạo đổi mới ở cấp độ cá nhân. Mô hình kinh tế chia sẻ loại bỏ hoặc giảm các rào cản gia nhập thị trường như đầu tư nguồn lực sản xuất, mạng lưới phân phối phức tạp và do đó cho phép nhiều cá nhân riêng lẻ có thể khởi nghiệp tham gia thị trường từ nguồn lực sẵn có của mình. Kinh tế chia sẻ cũng giúp thúc đẩy sử dụng tài nguyên bền vững.

Thực tiễn mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam

Mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam hiện nay chưa phát triển mạnh nhưng có rất nhiều tiềm năng phát triển. Kinh doanh mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam hiện nay khá đa dạng.

Trong 15 khu vực dịch vụ phổ biến trên thế giới có mô hình kinh tế chia sẻ, ở Việt Nam đã xuất hiện 12 khu vực, trong đó tập trung vào 4 lĩnh vực: vận chuyển hành khách với chia sẻ phương tiện giao thông như Grab,  Be hay Gojek; du lịch với dịch vụ lưu trú như Airbnb hay Luxstay; tài chính với dịch vụ cho vay ngang hàng như các nền tảng Fiin.vn hay Tima; lao động với dịch vụ chia sẻ kỹ năng, sức lao động hoặc không gian làm việc chung như bTaskee hay Designcrowd.

Thực tiễn vận hành mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam đặt ra một số vấn đề quản lý như điều kiện kinh doanh và cạnh tranh thị trường. Quy định gia nhập thị trường và điều kiện kinh doanh của mô hình kinh tế chia sẻ được cho là thấp hơn so với quy định và điều kiện trong mô hình kinh tế truyền thống, dẫn đến các cáo buộc cạnh tranh không công bằng; quản lý thuế với mô hình kinh tế chia sẻ chưa hiệu quả do quy định luật pháp chưa xác định rõ mô hình kinh doanh; bảo vệ quyền lợi khách hàng cũng là vấn đề cần giải quyết do chưa có quy định quản lý cụ thể; quyền lợi người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ là vấn đề quan trọng cần có sự can thiệp của Nhà nước; và các vấn đề về bảo mật thông tin người dùng.

Kiến nghị chính sách quản lý nền kinh tế chia sẻ ở Việt Nam

Thứ nhất, ban hành các quy định về gia nhập thị trường. Cơ quan quản lý nhà nước ban hành giấy phép đóng vai trò điều kiện tiên quyết gia nhập thị trường. Giấy phép có thể bao gồm những yêu cầu chung, cơ bản và cho phép địa phương bổ sung các yêu cầu đặc thù.

Thứ hai, quy định quan hệ hợp đồng cho mô hình kinh tế chia sẻ. Quy định vị trí pháp lý với chủ sở hữu nguồn lực trong mô hình kinh tế chia sẻ không thể cứng nhắc và đơn tuyến. Xây dựng quy định có thể xem xét các yếu tố sau: quy định cần phù hợp với đặc tính của nguồn lực, là tài sản vật chất hay sức lao động; để quyết định đối tượng nào trong hoạt động kinh tế chia sẻ cần hợp đồng lao động, cần phải có thông tin về mức độ phụ thuộc kinh tế của đối tượng đó với doanh nghiệp nền tảng công nghệ. Cơ quan quản lý cần xác định mức ngưỡng về phụ thuộc kinh tế. Mức ngưỡng này là nền tảng để xác định việc ký hợp đồng lao động. Cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương chỉ nên đặt ra các nguyên tắc chung. Cơ quan quản lý cấp địa phương đưa ra các quy định cụ thể.

Thứ ba, cải tiến chính sách thuế. Để có chính sách thuế hiệu quả cho mô hình kinh tế chia sẻ, điểm mấu chốt đầu tiên phải xác định loại hình kinh doanh của doanh nghiệp mô hình kinh tế chia sẻ.

Thứ tư, cần có quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và bảo mật thông tin cá nhân. Nhà nước cần sửa đổi luật bảo vệ người tiêu dùng để cập nhật tác động của mô hình kinh tế mới. Quy định về bảo mật dữ liệu phải đảm bảo đạt sự cân bằng giữa việc tạo điều kiện đổi mới sáng tạo trong mô hình kinh tế chia sẻ và bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Xu hướng phát triển tất yếu của mô hình kinh tế chia sẻ đòi hỏi tư duy lập pháp mở và linh động, tạo sân chơi công bằng, khuyến khích đổi mới sáng tạo và cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế. Điều này đòi hỏi nhà lập pháp, quản lý nhà nước phải cùng đồng hành với doanh nghiệp nền tảng, bên sở hữu nguồn lực chia sẻ và bên sử dụng nguồn lực.

(*) Khoa Kinh tế Trường Đại học Kinh tế TP.HCM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mô hình kinh tế chia sẻ: Các vấn đề quản lý ở Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO