"Đám mây" đang làm thay đổi doanh nghiệp

TUYẾT ÂN| 08/06/2017 03:43

Nhiều doanh nghiệp cho rằng việc tạo lập hệ sinh thái điện toán đám mây sẽ giúp khai thông nút thắt cổ chai giữa phát triển công nghệ mới và ứng dụng thực tiễn ...

Sự phát triển vũ bão của công nghệ tính toán, lưu trữ và truyền dẫn đã thúc đẩy các tài nguyên dữ liệu dịch chuyển lên nền tảng điện toán đám mây (cloud computing) và mở ra cơ hội phát triển ứng dụng IoT nhanh chóng, tiện dụng và có chi phí thấp hơn.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng việc tạo lập hệ sinh thái điện toán đám mây sẽ giúp khai thông nút thắt cổ chai giữa phát triển công nghệ mới và ứng dụng thực tiễn phù hợp để không bị đào thải trong xu thế phát triển cách mạng công nghiệp 4.0.

Cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ

Theo ông Hà Như Hải - Phó giám đốc CMC Telecom miền Nam, 5 yếu tố chính sẽ quyết định bước tiến của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 là băng rộng, trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây, dữ liệu lớn và IoT (internet of things - internet kết nối vạn vật).

Các doanh nghiệp buộc đứng trước lựa chọn: phải chuyển đổi hoặc bị bỏ lại phía sau, nếu đánh mất cơ hội rất dễ bị loại bỏ khỏi thị trường. Để tiến lên, doanh nghiệp cần sẵn sàng thay đổi về hệ thống IT, văn hóa làm việc và cách thức tiếp cận khách hàng.

Link bài viết

"Doanh nghiệp ứng dụng IT nhanh chóng có cơ hội vươn lên dẫn đầu, tạo ra các luật lệ mới. Cơ hội thay đổi nhanh hơn đang thuộc về các doanh nghiệp nhỏ, các công ty startup nhờ cơ chế linh hoạt và ứng dụng hạ tầng IT hiện đại", theo ông Hải.

Tương tự, theo ông Trần Anh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty Công nghệ Sao Bắc Đẩu, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là sự tích hợp giữa tin học, cơ khí và tự động hóa gắn kết chặt chẽ với IT. Làn sóng này là cơ hội mới cho tất cả các doanh nghiệp lớn nhỏ và cả giới trẻ có ý tưởng khởi nghiệp. "Do đó, cần sự liên kết với các doanh nghiệp lớn như những vệ tinh tạo thành hệ sinh thái cung ứng các giải pháp cho nền kinh tế”.

Các doanh nghiệp nhận định, nhu cầu cấp thiết hiện nay là cần đa dạng giải pháp phần mềm, ứng dụng trên nền đám mây để thúc đẩy tiến trình phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tại Việt Nam, hệ sinh thái đám mây đã đa dạng với các đơn vị làm phần cứng, phần mềm, trung tâm dữ liệu, hạ tầng lưu trữ, tính toán, truyền dẫn và bảo mật... "Tuy nhiên, để tất cả ứng dụng, phần mềm cùng nhau "lên mây" thì sức cộng hưởng giữa hạ tầng và giải pháp trở nên quan trọng, theo đó, các ứng dụng trong doanh nghiệp và của người dùng cá nhân dựa trên đám mây mới có thể hình thành, duy trì và phát triển".

Theo ông Giáp Hùng Cường - CEO của VinaCIS, hệ sinh thái đám mây phải là nền tảng cho việc cung cấp các ứng dụng quan trọng để giải quyết các vấn đề hàng ngày của từng doanh nghiệp, cá nhân hoặc hộ gia đình. Giúp huy động nguồn lực từ nhiều đơn vị nhỏ, đặc biệt phù hợp trong môi trường doanh nghiệp Việt đang còn thiếu các doanh nghiệp "khổng lồ”. Đây không chỉ là cơ hội cho các nhà cung cấp cạnh tranh mà còn hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí trên nguyên tắc tiết kiệm tài nguyên dư thừa, hiện thực hóa bài toán lớn với chi phí thấp hơn.

Thách thức những kỹ năng mới

Báo cáo của Microsoft năm 2016 cho thấy, các dịch vụ đám mây được doanh nghiệp ứng dụng tiên phong trong các ngành như dịch vụ y tế - chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp, thương mại điện tử, bán lẻ, dầu và khí gas. Các doanh nghiệp có xu hướng dựa vào các dịch vụ đám mây tích hợp như phân tích dữ liệu, IoT, giao thức nhận diện, bảo mật, di động, lưu trữ, web... để triển khai và quản trị những ứng dụng ngày càng sắc sảo hơn trong công ty. Chỉ trong vòng 10 tháng đầu năm 2016, nhu cầu ứng dụng mạnh mẽ trong các doanh nghiệp khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã đưa thị trường "đám mây" tăng trưởng ba con số so với cùng kỳ năm trước.

Theo IDC, 60% tổ chức hàng đầu khu vực này cho biết sẽ chuyển đổi kỹ thuật số vào cuối năm 2017, cho thấy đây sẽ là giai đoạn thiết yếu với các lãnh đạo IT khi chuyển đổi sang hạ tầng công nghệ dựa trên đám mây để phục vụ kinh doanh. Microsoft cũng thực hiện khảo sát với 1.200 lãnh đạo IT từ 12 thị trường khu vực này, cho thấy 48% lãnh đạo IT đang ưu tiên triển khai mô hình đám mây lai (hybrid cloud) so với Việt Nam là 39%, dự kiến tăng lên 43% trong 12 - 18 tháng tới. Các lãnh đạo IT Việt Nam cũng cho biết, 37% đang sử dụng đám mây riêng và 24% dùng đám mây công cộng.

Link bài viết

Tuy nhiên, họ đang đối mặt với các chiều hướng phức tạp đang gia tăng trong việc quản lý môi trường IT do khoảng cách về kỹ năng trong các tổ chức. 67% cho rằng kỹ năng thiết yếu thuộc lĩnh vực bảo mật; 64% lo ngại về kỹ năng quản trị ứng dụng đám mây và 58% gặp thách thức trong kỹ năng phân tích dữ liệu.

Hầu hết các lãnh đạo IT Việt Nam còn mang quan điểm truyền thống khi 87% cho biết để hỗ trợ cho việc lưu trữ ứng dụng kinh doanh; chỉ 34% sử dụng đám mây cho phát triển ứng dụng và vận hành. "Họ mong muốn mô hình đơn giản hóa theo cách vẫn quản trị các tài sản công nghệ truyền thống để hỗ trợ các ứng dụng cũ”, khảo sát cho biết.

Theo một khảo sát khác về nhu cầu và thực trạng ứng dụng Cloud của doanh nghiệp Việt Nam do HCA thực hiện trong 2 tháng gần đây nhất, 52% lãnh đạo cho rằng, nếu làm tốt công tác truyền thông thì sẽ quyết định sự thay đổi của xu hướng ứng dụng trên nền tảng điện toán đám mây. Trong khi 50% quan tâm về tính bảo mật, độ sẵn sàng của các trung tâm điện toán đám mây và hạ tầng mạng.

"Làm sao để người dùng yên tâm, tin tưởng là bài toán không đơn thuần ở sự cam kết của doanh nghiệp mà cần những giải pháp kỹ thuật, những tiêu chuẩn quy định, hành lang pháp lý đi cùng", theo ông Trần Anh Tuấn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Đám mây" đang làm thay đổi doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO