Các “sếp” muốn tìm gì ở ứng viên?

Ý Nhi| 16/09/2019 02:39

Đằng sau ghế nóng của chương trình truyền hình thực tế về việc làm “Cơ hội cho ai - Whose Chance”, với tư cách là nhà tuyển dụng, các “sếp” đã tiết lộ quan điểm tuyển dụng nhân sự.

Các “sếp” muốn tìm gì ở ứng viên?

Ông Phạm Thanh Hưng: Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thế kỷ - CenGroup: Ứng viên cần biết năng lực và giá trị của bản thân. Tôi rất không đồng ý khi sử dụng từ “xin việc” mà nên gọi là “ứng tuyển”. Tôi đã phỏng vấn hàng nghìn người trong suốt cuộc đời làm các vị trí quản lý. Tỷ lệ khá cao 70% các bạn tìm việc vì các bạn cần việc chứ không phải cần công việc đó. Tức là các bạn xin việc A nhưng tôi đưa việc B, C lương chỉ bằng một nửa nhưng các bạn vẫn nhận, miễn là có việc làm. Tất nhiên, hai việc đó không liên quan đến nhau. Khi đi phỏng vấn, rất nhiều bạn nói lý do ứng tuyển là hy vọng sẽ được học nhiều, có cơ hội thăng tiến, có thu nhập tốt nhưng hỏi bạn làm được gì cho doanh nghiệp thì bạn lại không biết. Bạn chỉ nghĩ thứ bạn muốn nhận được: lương cao, môi trường vui vẻ, văn hóa tốt nhưng bạn làm gì để đóng góp cho doanh nghiệp thì không biết. Nếu bạn không biết mình có gì thì đúng là bạn đi “xin việc”. Doanh nghiệp cần giá trị của bạn mang lại cho họ, và thậm chí công ty tôi còn cần cả sự hy sinh, cống hiến ở nhiều vị trí.

Chương trình “Cơ hội cho ai’ phát sóng trên VTV3 vào 11 giờ thứ bảy hàng tuần từ ngày 14/9/2019, mang đến cơ hội để người lao động được gặp trực tiếp lãnh đạo của các doanh nghiệp hàng đầu, trải qua màn thử thách hấp dẫn, kịch tính với phương châm phỏng vấn thật, thương lượng thật, việc làm thật. Lần đầu tiên, các doanh nghiệp sẽ công khai rộng rãi trên sóng truyền hình quốc gia về mức lương, chế độ đãi ngộ khi tuyển dụng người lao động và ký kết hợp đồng lao động.

Ông Phùng Tuấn Hà - Chủ tịch HĐQT Tổng công Ty CP Dịch Vụ Tổng Hợp Dầu Khí PETROSETCO: Tôi đề cao yếu tố “phù hợp” khi xem xét về năng lực của nhân sự, bởi sự phù hợp sẽ khiến sự gắn kết giữa doanh nghiệp và nhân sự lâu dài hơn. Do đó, để xây dựng được nguồn nhân lực hiệu quả, trước hết phải tuyển dụng được nguồn nhân sự có năng lực phù hợp, kế đến là tạo điều kiện để vừa phát huy được năng lực cá nhân, vừa gắn kết được các cá nhân thành đội ngũ mạnh. Nhưng để phát huy được hay không và gắn kết được hay không, đó lại là vai trò và bản lĩnh của người đứng đầu. Qua chương trình “Cơ hội cho ai - Whose Chance”, tôi mong các bạn trẻ xem truyền hình khi đi ứng tuyển nên biết mình là ai, mình làm được gì cho doanh nghiệp để đưa ra mức lương phù hợp chứ không chỉ đòi hỏi.

Ông Vũ Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT - TGĐ Tập đoàn Hùng Nhơn: Xuất thân từ nông dân nên tiêu chí tôi chọn ứng viên trước tiên là không đặt cao về trình độ, mà đặt cao về cái tâm, cái đức và sự nhân văn. Sau đó, chúng tôi có thể đưa các bạn đi đào tạo. Còn nếu để chọn và sàng lọc một người dựa trên tất cả các tiêu chuẩn có sẵn của DN thì không hề đơn giản. Chúng tôi sẽ chọn cái tâm, cái đức và phong cách làm việc thì sẽ chọn đầu tiên, kinh nghiệm thì chúng tôi có thể đào tạo được. Nhưng nếu như người không có đức ngay từ ban đầu thì không thể nào chúng tôi đào tạo. Thông qua cách giới thiệu, đề nghị mức lương, công việc, tôi có thể nhìn thấy những ứng viên có đáp ứng những điều đó hay không.

Ông Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch Công ty TNHH Phần mềm FPT: Tôi muốn nhìn thấy ở các bạn trẻ một sự máu lửa. Vì công ty chúng tôi làm ở thị trường toàn cầu, phải đến những quốc gia giàu nhất thế giới với nền công nghệ phát triển nhất thế giới nên cần các bạn phải “máu”. Hơn nữa, tôi muốn thấy được tinh thần học hỏi không ngừng. Bởi trong ngành công nghệ, cứ mỗi 6 tháng đến 1 năm sẽ thay đổi một lần nên tinh thần ham học hỏi và năng lực tiếp cận những cái mới rất quan trọng. Điều thứ ba là “trông các bạn phải đói”, có nghĩa các bạn phải chứng minh và thay đổi được bản thân bằng cách: lao động vất vả, học tập liên tục để thay đổi bản thân cũng như thay đổi cuộc sống của gia đình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Các “sếp” muốn tìm gì ở ứng viên?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO