Gỡ điểm nghẽn chuyển đổi kinh tế xanh
Nhiều chuyên gia cho rằng TP.HCM cần tận dụng Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù để thực thi mục tiêu tăng trưởng xanh. “Tuy nhiên, phát triển kinh tế xanh vẫn còn rất nhiều điểm nghẽn”, theo góc nhìn của KTS. Ngô Viết Nam Sơn.
Ông Sơn nói, phát triển kinh tế xanh là một phần phát triển đô thị bền vững, đặc biệt TP.HCM là một siêu đô thị. Gần đây, Thủ tướng cũng cam kết Việt Nam tham gia COP26, phát triển kinh tế xanh tuần hoàn - Net Zero.
Nhưng hiện nay, tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội việc chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh không đơn giản vì đang phải đối mặt với nhiều điểm nghẽn.
* Cụ thể điểm nghẽn mà TP.HCM đang phải đối mặt là gì, thưa ông?
- Điểm nghẽn vốn: Để hiện thực hóa mục tiêu hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cũng như thực thi cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam sẽ cần tới 380 tỷ USD, thực sự đòi hỏi một nguồn lực rất lớn.
Do đó, nếu chỉ trông chờ vào vốn tự có của doanh nghiệp sẽ rất khó khăn. Trong khi đó, đa số doanh nghiệp đều phải hướng đến lợi nhuận, nhưng theo hướng sản xuất xanh thì phải chi thêm nhiều kinh phí dù biết lợi ích lâu dài.
Điểm nghẽn pháp lý: Hiện chúng ta cũng chưa có khung pháp lý rõ ràng. Nhiều doanh nghiệp, người dân chưa rõ kinh tế xanh phát triển bền vững dựa trên tiêu chí nào, cần thời gian chuẩn bị ra sao và pháp lý thế nào. Ví dụ, tiêu chí trong công trình xanh vẫn mang tính tự phát, hiện ngành xây dựng chỉ dựa vào Lotus - là hệ thống tiêu chí đánh giá công trình xanh dành riêng cho thị trường xây dựng tại Việt Nam.
Các chính sách và quy định của thành phố thiếu sự đồng bộ cho phát triển kinh tế xanh, gây rào cản cho các doanh nghiệp và tổ chức muốn tham gia vào lĩnh vực này.
Điểm nghẽn chưa có chính sách khuyến khích hỗ trợ và ưu đãi đáng kể để đẩy mạnh đầu tư vào các ngành công nghiệp tái tạo và công nghệ xanh.
Việc cam kết phát triển kinh tế xanh phải dựa vào nguồn gốc sản phẩm, kể cả nhập khẩu, xuất khẩu cũng phải đảm bảo tiêu chí xanh khiến tăng chi phí rất nhiều. Đến nay, Bộ Công Thương cũng đã đánh giá mặc dù các doanh nghiệp Việt Nam đã có những chuyển đổi tích cực, nhưng vẫn chưa thích ứng kịp thời những yêu cầu, quy định mới của các thị trường lớn. Vì vậy, cần chính sách hỗ trợ như hỗ trợ thuế, chính sách.
* Với những điểm nghẽn trên, theo ông cần có sự trợ giúp cụ thể nào?
- Việt Nam đang là một nước phát triển, vì thế yêu cầu phát triển tăng nhanh. Do vậy, vấn đề ảnh hưởng môi trường, rác thải là khó tránh. Câu chuyện nhà kính ở Đà Lạt là một ví dụ tác động môi trường, làm nóng khí hậu, nhưng để bỏ nhà kính cũng không dễ. Ở các quốc gia tiên tiến, họ cũng đã đi qua giai đoạn phát triển mạnh để tăng trưởng GDP và cũng đang đối mặt với rác thải.
Vậy nên, cần phải có chiến lược truyền thông dài hơi chứ không phải chiến dịch truyền thông. Bên cạnh đó, Việt Nam cần sự hỗ trợ quốc tế về chính sách kinh nghiệm. Cần có sự vận động mạnh hơn nữa của chính quyền để nhận được nhiều hỗ trợ của các nước và các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp.
* Ông có thể cho một vài đề xuất hướng giải quyết?
- Muốn chủ trương đi vào thực tiễn hiệu quả thì phải có chính sách đồng bộ từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên. Đặc biệt, sớm có chính sách hỗ trợ cho các địa phương. Ví dụ, Trung ương cần có chính sách ưu đãi cho TP.HCM như cho phép thành phố giữ lại một vài phần trăm số tiền nộp ngân sách để chi cho kinh tế xanh.
Ngoài việc vận động quốc tế hỗ trợ, cần khuyến khích dự án của các doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm xã hội. Khuyến khích các dự án hợp tác minh bạch.
Cần học kinh nghiệm các nước. Bài học gần giống Việt Nam nhất là Trung Quốc, bởi đây cũng là quốc gia có xuất phát điểm gần giống Việt Nam.
Về tăng trưởng GDP cũng phải cân nhắc tăng, giảm mức nào là hợp lý vì phát triển kinh tế xanh thường mâu thuẫn với phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Bài toán này không dễ giải. Vì thế, để hạn chế cần định hướng phát triển các ngành sản xuất ít rác thải như công nghệ cao, du lịch... để cân bằng, điều hướng lại cơ cấu nền kinh tế mang lại lợi nhuận cao.
Đối với doanh nghiệp, một mặt hỗ trợ ngân sách, nếu không hỗ trợ vốn thì cần vinh danh họ là những người vừa đóng góp cho kinh tế, vừa bảo vệ môi trường.
Thật ra, việc cân bằng bài toán này không dễ vì các nước đã phát triển rồi, họ hướng sản xuất theo kinh tế xanh thì cũng sẽ bán lại dây chuyền sản xuất cũ, vì vậy chúng ta đừng mua dây chuyền rẻ, lỗi thời vì không phù hợp kinh tế xanh và đó chính là nguồn rác ô nhiễm. Vì vậy, phải tỉnh táo để không mua lại các thiết bị rác thải đi ngược lại xu hướng kinh tế bền vững.
* Theo lộ trình, thị trường carbon trong nước sẽ thí điểm từ năm 2025, vận hành chính thức từ năm 2028. Việc sớm thực hiện thị trường này đem lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp như thế nào và đang khó khăn gì?
- Việc phát triển thị trường carbon tại Việt Nam sẽ góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp. Góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, hướng tới phát triển nền kinh tế carbon thấp, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Dù thị trường carbon quan trọng nhưng cũng là gánh nặng vì tiêu chí rác thải bằng 0 là không dễ. Bởi muốn sản xuất phải có nguồn năng lượng sạch nhưng lại không đủ. Chúng ta vẫn cần nhiệt điện. Ngoài ra, còn có vấn đề mới phát sinh, ví dụ xe xăng chuyển sang xe điện thì nguy cơ cháy nhiều hơn nên ảnh hưởng đời sống người dân. Như vậy, cần có chiến lược phát triển kinh tế xanh, phải đảm bảo đời sống người dân, giáo dục người tiêu dùng. Tóm lại, đây là xu hướng mới cam kết chứ chưa thực hiện được ngay, nếu không có sự chung tay của xã hội.
* Xin cảm ơn ông.