Trong nước

Giải Báo chí Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024: “Lan tỏa tác động tích cực lên mọi mặt của đời sống”

Lyn Na 24/05/2024 14:37

Đó là nhận định của bà Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng Ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Giải Báo chí Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VIII năm 2024 tại Lễ trao giải diễn ra sáng ngày 24/5 do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh Hậu Giang tổ chức.

Năm nay, Ban tổ chức nhận được 350 tác phẩm dự giải với 4 loại hình báo chí. Hội đồng Sơ khảo chọn được 140 tác phẩm xuất sắc vào vòng Chung khảo. Trong 140 tác phẩm xuất sắc, Hội đồng Chung khảo đã lựa chọn 22 tác phẩm đoạt giải, gồm: 2 giải Nhất, 4 giải Nhì, 6 giải Ba và 10 giải Khuyến khích.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng Ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Giải, cho biết, năm nay, số lượng tác phẩm tham dự nhiều hơn năm ngoái; chất lượng nội dung được nâng lên rõ rệt với kết cấu logic, hợp lý... tạo hiệu ứng lan tỏa tác động tích cực lên mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội.

1-3(1).jpg
Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM Nguyễn Tấn Phong trao giải cho tác giả Thanh Nga (thứ 2, từ trái sang) của Báo Long An đoạt giải nhì với tác phẩm "Bên những dòng kênh đào huyền thoại"

Qua các tác phẩm dự giải có thể thấy, báo chí đóng vai trò ngày càng quan trọng trong giải quyết các vấn đề của Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần nâng cao nhận thức, cung cấp thông tin về tình hình môi trường, biến đổi khí hậu, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn và các vấn đề khác, giúp các nhà hoạch định chính sách kiến tạo lộ trình phát triển cho khu vực nói chung và từng địa phương nói riêng.

Phát biểu tại buổi lễ, nhà báo Trần Trọng Dũng - Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo Giải báo chí Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, Giải được tổ chức nhằm góp phần nâng cao chất lượng và số lượng tác phẩm báo chí tuyên truyền, giới thiệu tiềm năng phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch, an sinh xã hội; những giải pháp mới phát triển nông nghiệp, công nghiệp, cũng như phản ánh đời sống của người dân; đồng thời ghi nhận, động viên, khen thưởng những người làm báo có những tác phẩm chất lượng về miền Tây Nam bộ.

Ông Trần Trọng Dũng đề nghị Hội Nhà báo địa phương, các cơ quan báo chí Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục chỉ đạo, tuyên truyền sâu rộng các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện các tác phẩm, các tuyến bài trọng điểm, với hình thức thể hiện đa dạng, phong phú, hiện đại, có thêm được nhiều tác phẩm mang được sức lan tỏa tích cực, cũng như phản ánh kịp thời khó khăn, vướng mắc phát sinh từ địa phương…

baochi.jpg_851716526801.jpg
Ban tổ chức cùng hội đồng giám khảo và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại lễ trao giải

Tiếp nối thành công của giải năm nay, Ban tổ chức phát động Giải Báo chí Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ IX năm 2025 với 4 loại hình báo chí (báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình).

Tại lễ trao giải, nhân dịp Tháng hành động An toàn giao thông, Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nhà báo Hậu Giang phối hợp với Hội An toàn giao thông Việt Nam trao tặng 300 mũ bảo hiểm cho các em học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, ấp Thạnh Phú, xã Hỏa Lựu, TP.Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.

Hưởng ứng Tuần lễ Chuyển đổi số và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Mekong Delta 2024 do tỉnh Hậu Giang tổ chức trong các ngày từ 23- 24/5, Hội Tin học TP.HCM trao tặng Hội Nhà báo tỉnh Hậu Giang bộ máy vi tính và máy in nhằm phục vụ cho hoạt động của Hội.

Giải Báo chí Đồng bằng sông Cửu Long được tổ chức thường niên kể từ năm 2016 dành cho hội viên nhà báo, phóng viên công tác tại Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và phóng viên thường trú tại các tỉnh, thành phố trong khu vực. Sau 7 năm tổ chức, giải ngày càng thu hút được nhiều nhà báo, phóng viên, cộng tác viên tham gia ở nhiều loại hình báo chí khác nhau, được người làm báo và công chúng báo chí quan tâm, ủng hộ.

Nổi bật
Đọc nhiều
Giải Báo chí Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024: “Lan tỏa tác động tích cực lên mọi mặt của đời sống”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO