Cần giảm thuế xuống 10% với tất cả các loại hình báo chí
Sáng 28/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).
Theo đó, Chính phủ đề xuất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo điện tử, truyền hình, phát thanh giảm 5% so với hiện nay, về mức 15%. Riêng báo in vẫn tiếp tục áp dụng mức thuế ưu đãi 10% như quy định hiện hành.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng mức giảm này chưa phù hợp do đa số các cơ quan báo chí đang gặp khó khăn về doanh thu. Trong bối cảnh cạnh tranh với các nền tảng số, nguồn thu từ quảng cáo ngày càng giảm khiến nhiều cơ quan báo chí khó khăn.
Theo Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh), các cơ quan báo chí hoạt động với mục tiêu phi lợi nhuận, phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền, giáo dục thay vì kinh doanh. Do đó, áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông 20% cho các khoản thu ngoài nhiệm vụ chính như quảng cáo, tổ chức sự kiện tạo áp lực lớn lên tài chính của báo chí.
Theo ông Bình, các khoản thu nhập không ổn định như tài trợ, hợp đồng quảng cáo nhỏ lẻ vẫn bị tính thuế thu nhập doanh nghiệp mà không xét đến tính đặc thù làm suy yếu khả năng tài chính của báo chí.
Vì vậy, ông đề xuất áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10% hoặc có thể thấp hơn đối với phần thu nhập từ hoạt động ngoài nhiệm vụ chính trị như quảng cáo, tổ chức sự kiện; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản tài trợ, viện trợ cho cơ quan báo chí để tạo nguồn lực hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ chính trị, truyền thông.
Bên cạnh đo, cần hỗ trợ gián tiếp thông qua các biện pháp như thành quỹ hỗ trợ tài chính từ ngân sách Nhà nước, xã hội hóa để tài trợ một phần cho hoạt động báo chí. Cũng theo ông Bình, cần cây dựng cơ chế thu thuế từ Google, Facebook... sử dụng nguồn thu này hỗ trợ báo chí trong nước.
Đồng quan điểm với ông Bình, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) nhấn mạnh, báo chí đang hết sức khó khăn, đời sống, thu nhập của cán bộ, phóng viên giảm sút rất nhiều và hoạt động của các cơ quan với nhiều bài toán phải giải quyết.
Ông Nghĩa nêu thực tế, đặc thù cơ quan báo chí là lao động đêm hôm, sớm tối nhất là phóng viên nữ rất khó khăn, chỉ giảm thu một chút thôi là ảnh hưởng đến tinh thần, nỗ lực của anh chị em. "Anh chị em rất yêu nghề, say sưa với nghề nhưng những áp lực này dội vào không nhỏ trong đời sống hàng ngày, phóng viên cũng phải lo cho gia đình, con cái đi học và nhiều nhu cầu khác nữa", ông Nghĩa nói.
Từ thực tế này, ông Nghĩa đề xuất cần giảm thuế xuống 10% với tất cả các loại hình báo chí, ngân sách nhà nước cũng không mất đi bao nhiêu nhưng là sự động viên rất quan trọng với báo chí.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) thì khác. Dù xem báo chí là loại hình doanh nghiệp đặc biệt và cần có những ưu đãi thuế để khuyến khích các cơ quan truyền thông, nhưng theo ông, việc sử dụng nguồn thu từ các nền tảng quốc tế như Facebook, Google để tài trợ cho báo chí trong nước không phù hợp với tinh thần của nền kinh tế thị trường.
Giải trình sau đó, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết nếu Quốc hội đồng ý, Chính phủ sẽ thu thuế Thu nhập doanh nghiệp 10% với báo in và các loại hình báo chí khác, giúp cho cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Bên cạnh đó, theo ông các cơ quan báo chí có nhiều hình thức hỗ trợ như đặt hàng, quảng cáo. Với cơ quan báo chí chưa tự chủ Nhà nước vẫn cấp kinh phí bình thường.
Qua thảo luận, các đại biểu nhất trí cao về sự cần thiết sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, khắc phục những bất cập của luật hiện hành, thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước phải cải cách hệ thống chính sách thuế, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và yêu cầu đổi mới trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với xu hướng cải cách thuế trên thế giới.