Cục Hải quan TP.HCM tái khẳng định cam kết hỗ trợ doanh nghiệp
Hiệp hội Logistics TP.HCM phản ánh tình trạng bãi kiểm hóa tại một số chi cục hải quan chật chội, không đáp ứng được tiến độ thông quan.
Tại Hội nghị Đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền TP.HCM lần thứ 254 về lĩnh vực hải quan ngày 27/11, ông Vương Tuấn Nam - Trưởng Phòng Giám sát Quản lý Cục Hải quan TP.HCM, tái khẳng định cam kết hỗ trợ doanh nghiệp.
Ông Nam nhấn mạnh, cơ quan hải quan sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thương mại, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay với nhiều thách thức liên quan đến cơ sở hạ tầng và quy trình kiểm tra hàng hóa.
Hải quan lắng nghe ý kiến từ doanh nghiệp, nhằm cải thiện hiệu quả quản lý và thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của TP.HCM trên thị trường quốc tế.
Tại Hội nghị, các doanh nghiệp phản ánh nhiều khó khăn trong hoạt động xuất khẩu, đặc biệt liên quan đến việc kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Do vậy, các doanh nghiệp kiến nghị cơ quan hải quan tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, giảm chi phí và thời gian thông quan, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Trước đó, các doanh nghiệp cho biết hoạt động xuất khẩu vẫn đang bị nghẽn do vướng mắc trong việc thực thi kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Đại diện Hiệp hội Logistics TP.HCM phản ánh tình trạng bãi kiểm hóa tại một số chi cục hải quan chật chội, không đáp ứng được tiến độ thông quan.
Từ những phản ánh của doanh nghiệp, ông Nam thừa nhận tình trạng quá tải tại các cảng lớn như Tân Cảng Cát Lái, nơi xử lý hơn 90% hàng hóa vận tải khu vực phía Nam. Với công suất lên đến 6,5 triệu TEU mỗi năm, tỷ lệ hàng hóa phải kiểm tra thực tế (luồng đỏ) tại đây cao hơn mức trung bình, gây áp lực lớn lên kho bãi, khu vực xếp dỡ và cả các thiết bị kiểm tra.
Ngoài áp lực tại Tân Cảng Cát Lái, ông Vương Tuấn Nam cũng chỉ ra vấn đề thiếu địa điểm kiểm tra hàng hóa là một điểm "nóng" kéo dài trong thời gian qua. Hiện nay, các khu chế xuất lớn như Tân Thuận, Linh Trung, và Khu Công nghệ cao TP. Thủ Đức đều không có địa điểm kiểm tra hàng hóa đạt chuẩn.
Điều này buộc các doanh nghiệp phải tiến hành kiểm tra ngay ngoài đường, không chỉ gây bất tiện mà còn làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ sản xuất và chất lượng vận hành chuỗi cung ứng. Ông Nam cho biết, tình trạng này đã được báo cáo để tìm hướng giải quyết, nhằm xây dựng các địa điểm kiểm tra hàng hóa phù hợp trong các khu vực trọng điểm, hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu hóa hoạt động xuất nhập khẩu và đảm bảo sự thuận lợi trong sản xuất kinh doanh.
Cũng theo ông Nam, doanh nghiệp nên chủ động, mạnh dạn liên hệ với các đơn vị liên quan để được giải quyết kịp thời. Cơ quan hải quan TP.HCM cũng sẽ quán triệt với các chi cục hải quan bộ phận và trao đổi với các chi cục hải quan địa phương khác để thống nhất quy trình, thủ tục, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp trong xuất, nhập khẩu.
Một số doanh nghiệp, đặc biệt là các đối tác Nhật Bản, đã phản ánh chất lượng hàng hóa bị ảnh hưởng khi kiểm tra ngoài trời. Họ cho rằng điều kiện kiểm tra ngoài trời này, có thể gây hư hại cho hàng hóa, đặc biệt là những lô hàng đòi hỏi bảo quản kỹ lưỡng như thực phẩm, linh kiện điện tử, hoặc thiết bị công nghệ cao.
Để giải quyết, đại diện hải quan Thành phố cho biết các cơ quan khi quy hoạch khu công nghiệp và khu chế xuất cần chú trọng hơn đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng hải quan ngay từ đầu, để giảm tải áp lực cho doanh nghiệp và cơ quan chức năng.
Theo ông Trần Phú Lữ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại - đầu tư TP.HCM, lĩnh vực hải quan luôn nhận được nhiều sự quan tâm khi đây được xem là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại quốc tế, đảm bảo an ninh kinh tế và góp phần phát triển đất nước.
Trong lĩnh vực logistics và thương mại, hải quan đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì dòng chảy hàng hóa, bảo đảm việc làm và tăng thu nhập.
Liên quan đến hoạt động kiểm hoá, đại diện Cục Hải quan TP.HCM cho biết, Cục sẽ trao đổi với đơn vị khai thác cảng Cát Lái về phương án cải thiện, mở rộng khu kiểm hoá tại chỗ; đồng thời, đề xuất Tổng Cục Hải quan cho phép sử dụng địa chỉ sản xuất, bảo quản hàng hoá của doanh nghiệp để thực hiện việc kiểm hoá để giảm bớt áp lực vận chuyển và thời gian chờ đợi của doanh nghiệp.