Trong nước

Gạo Việt vẫn là trụ cột cung ứng cho thị trường Philippines

Hùng Nguyễn 14/04/2025 17:00

Dù Philippines đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn nhập khẩu, gạo Việt Nam vẫn giữ vị thế dẫn đầu tại thị trường này, nhờ vào chất lượng ổn định, giá cả cạnh tranh và mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa các doanh nghiệp hai nước.

Trong những năm gần đây, Philippines luôn duy trì vị thế là một trong những quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới. Nhu cầu nội địa trung bình hàng năm lên tới gần 18 triệu tấn, trong khi sản lượng lúa trong nước thường không đạt mục tiêu kỳ vọng. Dù năm 2025, Chính phủ Philippines đặt mục tiêu sản xuất khoảng 20,46 triệu tấn lúa, nhưng giới chuyên gia nhận định mức tăng này vẫn chưa đủ để tự chủ nguồn cung, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thiên tai ngày càng bất định.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Philippines, Việt Nam là nhà cung cấp gạo lớn nhất cho thị trường này, chiếm 80 - 85% thị phần nhập khẩu gạo của Philippines trong những năm qua, vượt xa các đối thủ như Thái Lan (10%) và các quốc gia khác như Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh và Nhật Bản.

Từ năm 2022 đến nay, Việt Nam đều xuất khẩu trung bình 3 - 4 triệu tấn gạo mỗi năm sang Philippines. Năm 2024 đạt 4,15 triệu tấn và dự kiến năm 2025 sẽ đạt khoảng 4,35 triệu tấn.

Ông Phùng Văn Thành - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Philippines nhấn mạnh: “Gạo Việt Nam vẫn là lựa chọn ưu tiên của thị trường Philippines nhờ vào chất lượng ổn định, giá cả cạnh tranh và sự phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, đặc biệt là nhóm dân cư có thu nhập trung bình và thấp”.

Gạo Việt chiếm lĩnh thị trường gạo nhập khẩu của Philippines

Để đối phó với tình trạng giá gạo leo thang và kiểm soát lạm phát, Philippines đã có những điều chỉnh đáng chú ý về chính sách thuế. Theo Lệnh số 62 do Tổng thống Ferdinand R. Marcos ban hành ngày 20/6/2024, thuế nhập khẩu gạo từ tất cả các nguồn đã được cắt giảm từ 35% xuống còn 15%, áp dụng đến năm 2028.

Tuy nhiên, các biện pháp hành chính này vẫn chưa đem lại tác động rõ rệt trong việc giảm giá bán lẻ gạo. Mức trần giá gạo được Chính phủ đề xuất ở mức không quá 58 peso/kg (tương đương 1 USD) cũng không được thị trường đón nhận tích cực.

Tháng 2/2025, trước biến động giá và nguồn cung, Bộ Nông nghiệp Philippines đã tuyên bố tình trạng an ninh lương thực khẩn cấp. Theo đó, Cơ quan Lương thực Quốc gia (NFA) được phép tung nguồn dự trữ ra thị trường với mức giá trợ cấp, nhằm bình ổn giá gạo. Đồng thời, Chính phủ cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra dấu hiệu thao túng thị trường, cấu kết tăng giá bất hợp lý của một số doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu gạo.

Mặc dù thị trường Philippines vẫn cần nhập khẩu từ 4,92 đến hơn 5 triệu tấn gạo trong năm 2025, nhưng những biến động chính sách và áp lực kiểm soát giá từ Chính phủ có thể ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của các nhà nhập khẩu gián tiếp tác động đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Thương vụ Việt Nam tại Philippines, so với các đối thủ như Ấn Độ, Pakistan hay Thái Lan, gạo Việt vẫn giữ nhiều lợi thế: chất lượng ổn định, giá cả hợp lý, nguồn cung dồi dào, chi phí logistics cạnh tranh và đặc biệt là mối quan hệ thương mại truyền thống, uy tín lâu năm với các đối tác nhập khẩu Philippines.

Song song đó, không thể loại trừ khả năng Philippines sẽ tiếp tục đàm phán mở rộng nguồn cung từ các nước khác, nhằm tránh phụ thuộc vào một nguồn duy nhất. Thực tế, nước này đã từng ký kết thỏa thuận hợp tác thương mại gạo với Campuchia, dù hiệu quả không cao.

Trong bối cảnh cạnh tranh gia tăng và những chính sách không dễ đoán từ nước nhập khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hơn nữa trong việc củng cố vị thế tại thị trường Philippines. Ngoài việc duy trì chất lượng ổn định và giá cả hợp lý, doanh nghiệp cần đa dạng hóa danh mục sản phẩm, bao gồm cả các dòng gạo trung bình và phổ thông để phục vụ nhóm khách hàng thu nhập thấp.

Tăng cường phối hợp với Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại Philippines và các hiệp hội ngành hàng để tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu gạo Việt.

Cải thiện năng lực dự báo thị trường, nắm bắt kịp thời các thay đổi chính sách để điều chỉnh chiến lược giá và sản lượng hợp lý.

Đầu tư vào truy xuất nguồn gốc và chứng nhận chất lượng để nâng cao giá trị xuất khẩu và tiếp cận các phân khúc cao cấp hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gạo Việt vẫn là trụ cột cung ứng cho thị trường Philippines
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO