FTA không phải là cao tốc

Chính Trực| 12/01/2021 06:00

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành, nhưng năm 2020 Việt Nam vẫn ghi dấu ấn trong đàm phán, ký kết các FTA thu được kết quả quan trọng. Đây là năm Hiệp định EVFTA có hiệu lực, chính thức ký kết Hiệp định RCEP, ngày cuối cùng của năm chúng ta có thêm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA). Đường biên thế giới đang mở toang đối với hàng hóa Việt Nam, nhưng chắc chắn đó không phải là những cao tốc bằng phẳng...

FTA không phải là cao tốc

Trong bài phỏng vấn dành riêng cho Doanh Nhân Sài Gòn về những tác động các cuộc điều tra của Mỹ đối với hàng hóa Việt Nam, ông Vũ Tú Thành - Phó giám đốc Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN thông tin, từ cuối năm ngoái doanh nghiệp trong ngành gỗ đã mất nhiều hợp đồng ở thị trường này do nhà nhập khẩu không tiếp tục đàm phán, ký kết. Bên cạnh gỗ, hàng dệt may, giày dép và lốp ô tô cũng đang đối mặt với tiến trình điều tra thương mại của Mỹ.

Đây chỉ là ví dụ phản ánh tảng băng nổi khi Việt Nam tham gia vào nhiều FTA, đồng nghĩa với việc chúng ta phải chấp nhận luật chơi sòng phẳng về các quy định tiêu chuẩn, chất lượng, hàng rào kỹ thuật và rào cản thương mại mà các nước dựng lên. 

Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ (BTA) có hiệu lực trong những ngày đầu tuần thứ hai cuối năm 2001, cũng được đánh giá mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa Việt Nam xâm nhập thị trường hơn 285 triệu dân khi đó. Và thực tế, trong suốt chiều dài 20 năm BTA thực thi, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam tăng trưởng vượt bậc ở thị trường này, đạt con số thặng dư kỷ lục 70 tỷ USD vào năm ngoái.

Tuy nhiên, để có được quả ngọt đó, cộng đồng doanh nghiệp Việt phải "trầy da tróc vảy", đối mặt với rất nhiều vụ điều tra, kiện tụng chống gian lận thương mại, chống trợ cấp và bán phá giá từ phía các cơ quan thực thi pháp luật Hoa Kỳ. Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nói, hàng chục năm nay thị trường Mỹ luôn duy trì doanh số xuất khẩu tốp đầu cho ngành thủy sản Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp cũng phải trả giá rất đắt cho các vụ kiện tôm, cá tra (năm 2003 và 2004) mà Mỹ khởi xướng, kéo dài cho đến tận ngày hôm nay. Từ hai vụ kiện này, hằng năm doanh nghiệp thủy sản bỏ ra hàng chục triệu USD trả cho các khoản chi phí rà soát hành chính thuế, trong khi giá bán sản phẩm giảm tối đa mới có thể cạnh tranh với hàng hóa của các quốc gia khác. 

Tính đến cuối năm 2020, Việt Nam ký 15 FTA, trong đó 14 FTA có hiệu lực và đang đàm phán thêm 2 FTA khác. Hội nhập quốc tế cũng là một điểm nhấn quan trọng của ngành công thương trong năm 2020. Trong lịch sử quan hệ đa biên, đây cũng là năm duy nhất Việt Nam tham gia ba hiệp định thương mại, mở ra thị trường rộng lớn chưa từng có, gồm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA). 

Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc cắt giảm thuế quan sâu rộng, liên tục, các hiệp định thương mại với cam kết mở cửa thị trường cho sản phẩm, dịch vụ hàng hóa Việt Nam theo hướng minh bạch, công khai, đã mở ra triển vọng tương lai theo hướng có lợi cho Việt Nam khi tham gia vào một khu vực kinh tế có giá trị GDP chiếm tới 60% tổng GDP toàn cầu. Nhưng nói như ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các FTA mà Việt Nam đã ký không phải là những con đường cao tốc miễn phí, đó là cung đường gập ghềnh, nhiều chông gai cộng với vô số rào cản. Để doanh nghiệp và đất nước tận dụng được, nhất thiết chúng ta phải đầu tư. 

Với doanh nghiệp, ông Lộc cho rằng trước hết họ phải bỏ thời gian và công sức để tìm hiểu về các cơ hội, thách thức từ các hiệp định. Còn Nhà nước, cần phải đầu tư cho ba công trình trụ cột - nền tảng quốc gia cho năng lực cạnh tranh, hoàn thiện thể chế, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Hồi cuối năm ngoái khi EVFTA ký kết, Doanh Nhân Sài Gòn từng hỏi ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước về cơ hội xuất khẩu thủy hải sản vào thị trường 27 nước EU với thuế suất nhiều mặt hàng về 0%. Ông khẳng định lợi thế thuế quan không quan trọng bằng các chính sách, thể chế nội tại mà Việt Nam phải thay đổi cho phù hợp với cam kết. Cụ thể, ông nói đó là các thủ tục hành chính phải giảm tới mức tối đa, bỏ giấy phép con gây bất lợi cho doanh nghiệp, các quy định về tiêu chuẩn phải liên thông với quốc tế chứ không thể tách rời. Ngoài ra, các rào cản thương mại không phù hợp, môi trường đầu tư, đặc biệt là chúng ta phải thực thi nghiêm chỉnh quy định bảo vệ môi trường nuôi, môi trường đánh bắt, chính sách người lao động và cộng đồng đúng theo quy định của EVFTA. 

“Ngành thủy sản đã hội nhập quốc tế hàng chục năm qua, chúng tôi gần như đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, chất lượng của EU qua việc đầu tư nâng cấp vùng nuôi, nhà máy chế biến nên sản phẩm đã có tính cạnh tranh tốt với các nước. Do đó, thuế quan chỉ là một phần nhỏ lợi thế, doanh nghiệp chỉ mong muốn những yếu tố thể chế, môi trường đầu tư nội tại của đất nước thay đổi để an tâm đầu tư, kinh doanh lâu dài”, ông Lĩnh bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
FTA không phải là cao tốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO