Đón rồng

Du Xuân Tây Nam bộ

Nguyễn Văn Mỹ (*) 10/02/2024 09:00

Tây Nam bộ đang là “vùng trũng” về đầu tư du lịch. Sản phẩm du lịch trùng lắp, dịch vụ khập khiễng, thiếu sự liên kết, doanh thu đầu khách thấp nhất so với các vùng khác. Nhưng giữa đủ thứ khó khăn, du lịch vùng sông nước này vẫn có những nét mới không ngờ…

108-du-xuan-5.jpg

Từ Bến Tre…

Bảo tàng Bến Tre vốn là dinh tỉnh trưởng Kiến Hòa, kiến trúc kiểu châu Âu cổ với những câu chuyện kỳ thú về đại tá tình báo Phạm Ngọc Thảo (1922 - 1965). Bảo tàng có nhiều hiện vật quý, đặc biệt là bộ sưu tập 102 nhạc cụ được chế tác từ những cây dừa trăm tuổi của nghệ nhân Võ Văn Bá. Có những cây đàn không lồ. Có những cây đàn bé tẹo. Có cây đàn đa năng 5 trong 1.

Trong không gian đậm đặc văn hóa Bến Tre của Phòng Trưng bày Bảo tàng Bến Tre, nghệ nhân vừa kể chuyện vừa chế tác nhạc cụ bẳng cây dừa để du khách “mục sở thị”. Ngồi chiếu hoa, nhâm nhi đặc sản xứ dừa, nghe những lão nông chân chất bước ra từ đồng ruộng giới thiệu đất và người Bến Tre qua đàn ca tài tử, hát sắc bùa, hò Nam bộ, thật là thú vị.

Dinh tỉnh trưởng Kiến Hòa còn ghi dấu cuộc gặp của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm và giáo chủ đạo Dừa (Vừa) Nguyễn Thành Nam (1910 - 1990) do Tỉnh trưởng Phạm Ngọc Thảo sắp xếp. Trước đó, Phạm Ngọc Thảo tay không “đơn thương độc mã” vào gặp Nguyễn Thành Nam tại bản doanh, mời giáo chủ đạo Dừa vi hành đến dinh tỉnh trưởng hội kiến Ngô Đình Diệm.

Trong buổi gặp, Nguyễn Thành Nam đề nghị Ngô Đình Diệm tìm cách tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh để tránh chiến tranh, nếu không, gia đình tổng thống sẽ gặp đại họa. Sau đó ông bị giam lỏng cho đến khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ. Nguyễn Thành Nam là người duy nhất ở miền Nam tổ chức công khai lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 5/9/1969 mà chính quyền Sài Gòn không dám cản trở.

Khu di tích mộ Ông đạo Dừa (xã Tân Thạnh, Châu Thành) còn lưu giữ nhiều bức ảnh và hiện vật quí, trong đó có hoàng bào vua Minh Mạng. Em ruột và các đệ tử của ông kể: “Năm 1964, sau khi được vua Minh Mạng hiện về báo mộng, người giữ hoàng bào đã rước áo vua vào Bến Tre, trang trọng gởi trực tiếp cho ông đạo Dừa và được lưu giữ cẩn trọng”.

Tòa thánh Châu Minh Cao Đài Tiên Thiên (xã Tiên Thủy, Châu Thành) là điểm đến lý thú với kiến trúc đặc trưng, sống động, hoành tráng. Nếu báo trước, các chánh, phó chánh phối sư sẽ mời du khách dự lễ Chính Ngọ, tham quan tòa thánh và dùng cơm chay.

Gặp gỡ và trò chuyện với Lê Văn Thức - cựu sĩ quan điệp báo, tử tù Côn Đảo, nhân vật trong bức ảnh lịch sử “Mẹ con ngày gặp lại” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long chụp tại Vũng Tàu sáng ngày 4/5/1975, lần nào cũng ấm cúng, vỡ òa cảm xúc.

Đến Vĩnh Long…

Bến Tre là thủ phủ dừa nhưng nhà dừa (CocoHome, cù lao An Bình) Vĩnh Long mới là đỉnh cao sáng tạo từ cây dừa. CocoHome của ông bà Dương Văn Thưởng - Nguyễn Ngọc Giác làm bằng cây dừa bề thế, kiểu truyền thống Nam bộ, tận dụng tất cả thành phần của hơn 4.000 cây dừa cổ thụ từ cột, kèo, rui, mè, mái, tường đến nền nhà, bàn ghế, giường tủ, từ đồ vật trang trí, tranh tường, đèn ngủ đến chén, dĩa, đũa, muỗng. Không gian đặm đặc dừa, kể cả không khí.

108-du-xuan-3.jpg
108-du-xuan-4(1).jpg


Không gian yên tĩnh và thoáng mát tại Nhà dừa Cocohome Vĩnh Long

Sau 10 năm trăn trở, ấp ủ, năm 2009, gia đình ông bà Dương Văn Thưởng - Nguyễn Ngọc Giác mua đất, trồng dừa theo qui hoạch. Năm 2017, dừa cho trái, ông bà bắt đầu lên bản vẽ nhà và tiến hành xây dựng. Tháng 9/2019, CocoHome khai trương, mấy tháng sau là đụng dịch Covid-19, phải hoạt động cầm chừng kiểu đóng mở nửa vời theo tình hình chung.

Dừa - cây của sự sống có thể làm ra hàng trăm vật dụng bền vững, từ cây cầu, ngôi nhà đến chổi quét nhà. CocoHome là quần thể dừa, tập họp tất cả “đại gia đình” vật dụng sáng tạo từ dừa. Qua “bàn tay phù thủy” Nguyễn Thị Kim Thanh, dân Củ Chi, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam, dừa Bến Tre khó tính bỗng ngoan ngoãn hóa thành vô số sản phẩm độc lạ, cao cấp. Khu Du lịch CocoHome còn cho du khách nhiều trải nghiệm với lò kẹo dừa, lò cốm, lò bánh tráng, khu nông nghiệp organic, đi xe đạp, chèo xuồng, cookingclass bánh dân gian và nhiều món ngon từ dừa.

Nhà gốm Tư Buôi (phường 5, TP. Vĩnh Long) là ‘cặp đôi hoàn hảo” của du lịch Vĩnh Long vì sự độc lạ. Gọi là nhà gốm vì toàn bộ làm bằng gốm đỏ, từ cột, kèo, tường, mái, phù điêu, tranh đến vật dụng. Ngôi nhà ba gian hai chái, kiểu truyền thống Nam bộ đỏ diệu trong nắng, thay đổi màu theo thời khắc. Những đêm trăng, màu gốm càng hư ảo.

108-du-xuan-2.jpg
Nhà gốm Tư Buôi (phường 5, TP. Vĩnh Long)

Vĩnh Long được xem là thủ phủ lò gốm, lò gạch. Lò gạch tuổi đời hàng trăm năm. Lò gốm chỉ hơn 40 năm. Thời hưng thịnh, nửa cuối thập niên 1990, Vĩnh Long ước tính có hơn 3.000 lò gạch, lò gốm. Vì nhiều lý do, nghề gạch, nghề gốm ngày càng mai một, hiện chỉ còn chừng 10%. Sau hơn 10 năm mày mò chuẩn bị, nghệ nhân Nguyễn Văn Buôi khởi dựng nhà gốm đỏ để không lãng quên làng nghề.

Nhà gốm đỏ không chỉ độc lạ về vật liệu, hoa văn mà còn ngồn ngộn hàng ngàn cổ vật, bài trí lớp lang như bảo tàng. Chủ nhân của ngôi nhà vẫn chung thủy với nghề gốm của cha ông, bền chí duy trì 12 lò gốm. Nhà gốm thường đãi khách các loại bánh dân gian, mời khách qua Khu Du lịch Gốm trải nghiệm hoạt động sông nước, sáng tạo gốm từ đất sét và thưởng thức ẩm thực đặc sản Vĩnh Long.

108-du-xuan-1(1).jpg

…Qua Cần Thơ

Chứng kiến đàn cá lóc bay, bú bình, ăn cháo, cá trê săn mối trên cạn, ếch nhảy qua vòng, du khách rất bất ngờ, thích thú. Những nông dân ở cù lao Cồn Sơn (phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ) đang tạo sự độc đáo, khác lạ cho du lịch miền sông nước Cửu Long.

Nông dân Lê Văn Càng - xã viên Hợp tác xã Du lịch nông nghiệp Cồn Sơn - được nhiều người gọi là nghệ nhân bởi ông là “cha đẻ” của những màn xiếc ếch, xiếc cá. Gắn bó cả đời với vườn, ao, nông dân Cồn Sơn hiểu rõ tập tính từng loài cây, loại con trên cồn. Dựa vào tập tính cá lóc, người nuôi kiên trì luyện cá từ nhỏ, rèn thói quen nghe âm thanh. Khi nghe “hiệu lệnh”, cá đang đói, háu ăn nhảy búng lên như làm xiếc để giành mồi. Riết thành nếp, nghe “tiếng gọi” là chúng búng vọt lên, không cần thức ăn.

Nông dân Nguyễn Thành Tâm tách những con cá không còn sức búng ra riêng, tập trò mới: bú bình, ăn cháo. Ban đầu, dùng âm thanh dẫn dụ, tạo sự gần gũi rồi dùng muỗng đút ăn hoặc dùng bình bú sữa cho cá bú thức ăn công nghiệp. Có con hiếu động, tham lam, giật luôn bình lặn xuống ao. Cá trê sống tầng đáy, khá nhát, phải tập ăn gần bờ để quen dần, sau đó rải thức ăn ra xa và cao hơn, dùng mồi ngon và âm thanh dụ cá họp đàn, tập trườn lên cạn, tăng dần độ dốc. Nghe tiếng thức ăn rải, đàn cá tranh nhau trườn, phóng đến tấm phao săn mồi.

Người Cồn Sơn luyện ếch làm xiếc từ nhỏ. Khi cho ăn, tập cho ếch nghe âm thanh, nhìn màu sắc, từ đơn giản đến phức tạp, mỗi ngày một chút. Tiết mục nhảy ếch đang được hoàn chỉnh, nâng độ cao và độ khó, như nhảy qua nhiều vòng, nhảy thấp đến cao theo điệu nhạc. Chủ nhân còn tăng dần hạng cân ếch, tìm ếch nhiều màu để “làm xiếc”.

Du khách mê tít “đại gia đình” hơn 50 loại của bè cá Bảy Bon. Khách đến, đàn cá thác lác cườm rộn ràng hơn pháo Tết với màn “vỗ tay” chào khách. Cá măng rổ (mang rổ) là những cung thủ “bách phát bách trúng”. Dù dài chưa tới gang tay, chúng có thể nhảy cao gần một mét và dùng miệng bắn nước xa tới hai mét để hạ con mồi.

Bè cá Bảy Bon “chơi sang” khi đãi khách “massage” bằng cá bảy màu hoặc cá koi Nhật. Cả thảm cá rực rỡ giành nhau massage cho “khách VIP”.

Bảy Bon còn thuần dưỡng được cá hô, vốn là loài du cư, chịu về Cồn Sơn an cư, sinh sôi cùng họ nhà cá đủ loại. Người Cồn Sơn biến cái bình thường thành sản phẩm du lịch khác biệt, hấp dẫn. Từ vườn cây đến vèo cá, vèo ếch đều có sự bố trí, phân công hợp lý, mang tính cộng đồng đúng nghĩa.

Nhiều nhà vườn xoay tua để có hoa trái quanh năm đãi khách. Các điểm ăn uống, dịch vụ, như xe đạp, chèo xuồng cũng vậy, không giành giật, phá giá. Khi không còn sức diễn, “diễn viên“ cá, ếch được chăm sóc riêng, làm quen môi trường sống tự nhiên, rồi phóng sinh với nghi thức cảm ơn cảm động. “Diễn viên” được yêu thương, chăm sóc như thú cưng, diễn hay là được thưởng.

Hợp tác xã Du lịch nông nghiệp Cồn Sơn hoạt động theo mô hình “ba không”: không bộ máy - không ngân sách - không cơ sở vật chất; “ba tự”: tự nguyện - tự quản - tự chịu trách nhiệm; “ba cùng”: cùng nghĩ - cùng làm - cùng thụ hưởng.

* Nhà dừa (CocoHome, cù lao An Binh) Vĩnh Long
* Vườn Quốc gia Tràm Chim (Tam Nông, Đồng Tháp)
* Cồn Chim (Trà Vinh)
* Làng cổ Đông Hòa Hiệp (Cái Bè, Tiền Giang)
* Nhà Gốm Tư Buôi (phường 5, TP. Vĩnh Long)

Và tới những thứ khác

Du lịch Tây Nam bộ còn nhiều nét lạ. Vườn Quốc gia Tràm Chim (Tam Nông - Đồng Tháp) vừa khai trương khách sạn mới để khách đón bình minh, tiễn hoàng hôn và xem chim kiếm ăn; hay thu hoạch lúa ma (lúa trời). Ghé cà phê Chủ tịch trong khuôn viên trụ sở UBND tỉnh Đồng Tháp, được chủ tịch tỉnh mời trà, cà phê, bánh dân gian. Có khi còn được tặng khăn rằn của làng nghề dệt Long Khánh và “linh vật bé Sen” vui tính, ngộ nghĩnh.

Đạp xe khám phá làng cổ Đông Hòa Hiệp (Cái Bè, Tiền Giang), trải nghiệm những vườn sâm bố chính hoàng ngọc, còn gọi là sâm tiến vua, sâm quốc dân (Đức Huệ, Long An), ngồi xe lôi tham quan Châu Đốc (An Giang), tới đồng hồ Thái Dương ở Bạc Liêu xem giờ bằng ánh nắng của bác vật Lưu Văn Lang (1880-1969) chế tác từ 1913.

Hoặc ghé Cồn Chim “người nhà quê chỉ có tấm lòng” (Châu Thành, Trà Vinh); thưởng thức các món ngon từ củ hủ khóm (Vị Thanh, Hâu Giang), cá kèo nướng ống sậy (Sóc Trăng), đi “ăn ong” và nếm thử ong non chấm mật, nướng, gỏi (U Minh Hạ, Cà Mau), tìm hiểu về “quốc khuyển”, xem chó leo rào, lượm rác, đua chó ở Trung tâm Bảo tồn chó Thanh Nga (Phú Quốc, Kiên Giang)...

(*) Lửa Việt Tours

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Du Xuân Tây Nam bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO