Dòng người di trú vẫn đổ về châu Âu và châu Á

LÊ NGUYỄN tổng hợp/DNSGCT| 27/09/2013 01:05

Theo dữ liệu được Liên Hiệp Quốc công bố vào ngày 11/9 vừa qua, trên phạm vi toàn cầu, số người sống ở ngoài nước nhiều hơn bao giờ hết, lên tới khoảng 232 triệu người.

Dòng người di trú vẫn đổ về châu Âu và châu Á

Theo dữ liệu được Liên Hiệp Quốc công bố vào ngày 11/9 vừa qua, trên phạm vi toàn cầu, số người sống ở ngoài nước nhiều hơn bao giờ hết, lên tới khoảng 232 triệu người.

Đọc E-paper

Người dân Libya rời khỏi đất nước trong giai đoạn nội chiến căng thẳng.

Các số liệu được thu thập bởi Cục Kinh tế và Xã hội Liên Hiệp Quốc (DESA) cho thấy rằng dù kinh tế thế giới vừa thoát qua một cuộc khủng hoảng trầm trọng và nay mới bắt đầu hồi phục, thì tình trạng di trú quốc tế vẫn tăng cao.

Để có được những dữ liệu này, DESA đã dành bốn năm thu thập các số liệu thống kê cấp quốc gia, nhưng cũng gặp không ít khó khăn, như trường hợp Afghanistan, con số thống kê cuối cùng cách nay đã nhiều thập niên, hay ở Lebanon từ năm 1930 đến nay không có số liệu thống kê nào về tình trạng di trú của người trong nước.

Tính đến nay, Mỹ vẫn là quốc gia có số người nhập cư đông nhất, với 45,8 triệu người; từ năm 1990 đến nay bình quân mỗi năm nhận thêm khoảng 1 triệu người. Nước xếp thứ hai về số người nhập cư là Ả Rập Saudi, đã nhận 7 triệu người. Nếu tính về khu vực thì châu Âu và châu Á là hai châu lục có nhiều người nhập cư nhất, chiếm gần 2/3 tổng số người nhập cư toàn cầu. Hiện trên toàn lãnh thổ châu Âu có 72 triệu người nhập cư, châu Á có 71 triệu người.

Trong 10 nước có mật độ người nhập cư cao nhất, có Mỹ, Nga, Đức và Ả Rập Saudi. Riêng tại châu Á, khuynh hướng của người di trú hiện nay là đi từ Nam Á sang Tây Á, gây ra một cuộc chuyển dịch lớn từ những nước đang phát triển như Bangladesh, Sri Lanka, Nepal sang Tây Á, nhiều nhất tại Ả Rập Saudi, Qatar và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UEA).

Hiện có 2,9 triệu người Ấn Độ sống tại UEA, ở đó họ được hưởng nhiều quyền lợi, nhất là con cái họ được đến trường và chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, tại khu vực Tây Á, không phải là không có những vấn đề cần được thế giới quan tâm, tiêu biểu là tình trạng vi phạm quyền lợi của người lao động nhập cư, nhất là người lao động giúp việc nhà, phần lớn là phụ nữ.

Gần đây các cơ quan theo dõi nhân quyền bày tỏ sự quan ngại trước việc người lao động được đối xử không đúng mực tại một số nơi, đặc biệt tại Trung Đông. Thượng tuần tháng 9 này, đã có một chuyển biến quan trọng khi Công ước về người Giúp việc nhà do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) soạn thảo đã bắt đầu có hiệu lực.

Vấn đề còn lại thuộc về mỗi nước có sử dụng người lao động nhập cư và ý thức của chính người nhập cư về quyền lợi cơ bản của họ. Xét về độ tuổi thì khoảng 74% người nhập cư quốc tế trong khoảng từ 20-64 tuổi, trong khi tỷ lệ bình quân của độ tuổi này tính trên dân số toàn cầu chỉ có 58%.

Ở châu Âu, Đức, Pháp và Anh là ba nước có cộng đồng người nhập cư đông đúc, tuy nhiên nếu tính tỷ lệ người nhập cư trên tổng dân số cả nước thì lại ít hơn nhiều nước châu Âu khác. Trên bình diện thế giới, số người tỵ nạn chỉ chiếm một phần nhỏ trong cộng đồng người nhập cư.

Cơ quan DESA phối hợp chặt chẽ với Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc để cập nhật con số người tỵ nạn vì nhiều lý do khác nhau (chiến tranh, thiên tai, chính trị…), theo đó, châu Á là khu vực có nhiều người tỵ nạn nhất, với 10,4 triệu người, chủ yếu do những xung đột và bất ổn triền miên ở khu vực Trung Đông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dòng người di trú vẫn đổ về châu Âu và châu Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO