Hút mạnh vốn ngoại vào ngành công nghệ cao
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM liên tục tăng trưởng bất chấp đại dịch Covid-19. Ngay trong năm 2022, mặc dù TP.HCM là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch nhưng thu hút vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài vẫn tăng và dẫn đầu cả nước. Cụ thể, trong gần 27,7 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, thì vốn vào TP.HCM đạt 3,94 tỷ USD, chiếm 14,2% tống vốn và tăng 5,41% so với cùng kỳ.
Ngay trong tháng đầu tiên của năm 2023, TP.HCM đã cấp giấy chứng nhận cho 50 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn hơn 179 triệu USD, tăng hơn 73% so cùng kỳ năm 2022. Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM nhận định, nếu tình hình kinh tế - xã hội ổn định hơn, lạm phát tiếp tục được kiềm chế thì số vốn FDI thu hút được của TP.HCM trong năm 2023 sẽ đạt 4,1-4,5 tỷ USD.
Đóng góp kinh tế của khối FDI vào sự phát triển của TP.HCM khá lớn. Thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho thấy, năm 2022, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm hơn 13% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, thu ngân sách khu vực FDI đạt hơn 78.000 tỷ đồng, chiếm hơn 17% và kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 25 tỷ USD, chiếm 61% kim ngạch xuất nhập khẩu của thành phố. Đáng chú ý là dòng vốn FDI đã có chuyển biến theo hướng giảm tỷ lệ đầu tư cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản, thương mại, dịch vụ, bán buôn, bán lẻ và đang tăng tỷ trọng vào khoa học công nghệ, công nghệ chế biến, chế tạo...
Trong tất cả các cuộc hội nghị, gặp gỡ nhà đầu tư nước ngoài, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đều khẳng định, thành phố đánh giá cao sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp (DN) nước ngoài trong việc giúp TP.HCM đạt được mục tiêu hồi phục, phát triển kinh tế sau đại dịch. TP.HCM xác định chiến lược sắp tới là tập trung thu hút các chuỗi cung ứng, trong đó TP.HCM sẽ là trụ sở chính, trung tâm nghiên cứu phát triển, trung tâm logistics, trung tâm đào tạo, kết nối, hỗ trợ... để thúc đẩy hoạt động sản xuất trực tiếp tại các tỉnh, thành. Thành phố cũng đang chuẩn bị hệ sinh thái để đón dòng vốn FDI mới theo hướng "xanh", phục vụ phát triển bền vững.
Theo đánh giá của ông Sivert Skarn - đại diện Hiệp hội DN Bắc Âu tại Việt Nam, việc khuyến khích và kêu gọi đầu tư vào phát triển bền vững, hay công nghệ cao của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng là hướng đi đúng. Điều này thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và hiện có rất nhiều công ty Bắc Âu quan tâm đầu tư vào khu vực phía Nam với các dự án xanh.
Điểm đến hấp dẫn của DN FDI
Việt Nam nói chung và TP.HCM đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trên thế giới. Theo khảo sát của Ngân hàng HSBC trong năm 2022 với 1.500 công ty đến từ 6 nền kinh tế lớn nhất thế giới (gồm Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Anh và Mỹ) đang hoạt động hoặc có kế hoạch hoạt động ở Đông Nam Á trong tương lai cho thấy, có tới 49% DN muốn tận dụng EVFTA để tăng cường hoạt động giao thương của họ với khu vực này. Và triển vọng kinh tế lạc quan của Việt Nam như giá nhân công rẻ, lực lượng lao động dồi dào... là những lợi thế hấp dẫn với những nhà đầu tư nước ngoài.
Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Tim Evans cho rằng, vị thế của Việt Nam có được nhờ những chính sách ưu đãi của Chính phủ, đặc biệt trong việc ký kết các hiệp định thương mại tự do. Với vị thế là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất với các nhà đầu tư quốc tế, Việt Nam đang vươn lên trở thành một trung tâm sản xuất trên thế giới. Ngày càng nhiều DN toàn cầu chuyển hướng đầu tư đến Việt Nam và đây không phải là điều tạm thời, mà là xu hướng mang tính chiến lược và lâu dài.
Với các DN Nhật Bản, trước đây họ từng xem Việt Nam là điểm sản xuất có nguồn lao động dồi dào và chi phí nhân công giá rẻ, nhưng trong khảo sát mới đây của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), điểm hấp dẫn trong môi trường đầu tư của Việt Nam là tiềm năng tăng trưởng kinh tế và quy mô thị trường. Trong đó, TP.HCM đang và sẽ là tâm điểm thu hút vốn đầu tư của các DN FDI.
Trưởng Tiểu ban Pháp luật Hiệp hội Các DN châu Âu tại Việt Nam (Eurocham Việt Nam) Leif Schneider cũng cho rằng, TP.HCM liên tục đứng đầu về số liệu đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và nhiều DN châu Âu đang muốn đến Việt Nam để tìm hiểu cơ hội, trong đó TP.HCM là lựa chọn ưu tiên. Theo các chuyên gia kinh tế, lợi thế rõ ràng nhất của đầu tàu kinh tế TP.HCM là chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng tương đối phát triển để thu hút các ngành nghề dịch vụ công nghệ cao. Thành phố còn có vị trí chiến lược thuận lợi, là trung tâm sản xuất và dịch vụ công nghệ cao lớn nhất cả nước, cũng là một đô thị đa văn hóa, thích hợp cho người nước ngoài tìm đến làm việc, sinh sống và du lịch.
Cần cải thiện môi trường đầu tư
Với các nhà đầu tư quốc tế, Việt Nam là môi trường đầu tư gần gũi, an toàn về xã hội và trật tự trị an. Tuy nhiên, để có thể đón làn sóng đầu tư mới, Việt Nam cần cải thiện rất nhiều vấn đề. Trong đó, đặc biệt là TP.HCM cần giải quyết những vướng mắc, trì trệ trong thủ tục, quy trình đầu tư, thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực mới như công nghệ. Mặc dù là đầu tàu kinh tế cả nước và dẫn đầu về thu hút vốn ngoại, nhưng tại TP.HCM, DN vẫn còn gặp nhiều vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính, cơ chế chính sách cũng như vấn đề về môi trường, hạ tầng giao thông...
Tại tọa đàm giữa lãnh đạo TP.HCM và các hiệp hội DN nước ngoài diễn ra ngày 22/2/2023, rất nhiều DN cho biết đang gặp nhiều vướng mắc khi đầu tư tại đây. Đại diện Hiệp hội DN Singapore tại TP.HCM cho hay, DN của họ đang gặp nhiều phiền hà trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính. Đơn cử, DN cho thuê trang thiết bị đang mất từ 9 tháng đến 1 năm để xin được giấy phép phụ từ Sở Công Thương, trong khi các DN khác muốn thay đổi chứng nhận đầu tư phải nộp rất nhiều hồ sơ, giấy tờ để được cập nhật, thay đổi...
Không chỉ vậy, các vấn đề về giao thông, sân bay, hạ tầng... cũng là trở ngại với DN. Ông James Ollen - Giám đốc Điều hành Hiệp hội DN Mỹ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) cho rằng, tình trạng cơ sở hạ tầng của TP.HCM là một hạn chế đáng kể đối với sản xuất và hoạt động du lịch. Các DN Mỹ xem trọng các kế hoạch đầu tư để cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông vận tải ở miền Nam. Theo ông, các kế hoạch này cần được triển khai và đẩy nhanh như một phần của hành lang chuỗi cung ứng tổng thể miền Nam để thúc đẩy kết nối các khu kinh tế. Trong đó, các khu công nghiệp cần phải được tiếp cận dễ dàng thông qua các đường cao tốc, tránh tình trạng tắc nghẽn đến sân bay Long Thành mới, cảng Cát Lái và cảng biển trung tâm logistics Cái Mép.
"Yếu tố quan trọng nhất của một môi trường đầu tư thuận lợi là môi trường pháp lý công bằng, minh bạch, có thể dự đoán và sắp xếp hợp lý. Vì thế, TP.HCM cần đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh giản các quy định, áp dụng nhiều quy trình phê duyệt điện tử hơn, chính sách có tính ổn định và nhất quán hơn. Việc cải thiện môi trường đầu tư không chỉ để thu hút nguồn đầu tư mới, mà còn duy trì và tăng trưởng nguồn đầu tư đang có sẵn", ông James Ollen khuyến nghị.
Các DN nước ngoài cũng kiến nghị Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng cần có chính sách thuế tương thích với thế giới, qua đó nâng cao năng lực của DN để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, Việt Nam nên áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về kế toán, kiểm toán và sử dụng quy trình thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế.