Văn học thiếu nhi: Bổn cũ soạn lại

AN SƠN| 16/10/2013 03:49

Từ rất lâu rồi, nói đến văn học thiếu nhi, người ta lại một ngậm ngùi trước tình cảnh "xuân thu nhị kỳ” mới có một tác phẩm mới. Có ngồi vào "mâm cỗ” văn học của các em mới thấy chỉ toàn những "món ăn" cũ rích!

Văn học thiếu nhi: Bổn cũ soạn lại

Từ rất lâu rồi, nói đến văn học thiếu nhi, người ta lại một ngậm ngùi trước tình cảnh "xuân thu nhị kỳ” mới có một tác phẩm mới. Có ngồi vào "mâm cỗ” văn học của các em mới thấy chỉ toàn những "món ăn" cũ rích!

Đọc E-paper

Trong khi sách văn học nước ngoài dành cho trẻ em phong phú thì sách trong nước lại rất ít
>Kinh nghiệm xây dựng văn hóa đọc
>Định nghĩa lại "văn hóa đọc"
>
Văn hóa đọc và nhận thức của xã hội
>Văn hóa đọc ở Việt Nam: Bắt đầu từ đâu?
>
Văn hóa đọc đã được khơi thông

Có cũng như không

Dạo quanh các nhà sách, không khó để nhận ra một thực tế: trong khi các đầu sách nước ngoài dành cho thiếu nhi phong phú, đa dạng và được giới thiệu rộng rãi thì văn học thiếu nhi trong nước đang tồn tại một khoảng trống khá lớn. Và giải pháp hữu hiệu nhất để lấp khoảng trống này là khai thác nguồn sách đã có từ trước.

Trong hai năm trở lại đây, NXB Trẻ đã cho ra mắt hàng loạt tác phẩm dành cho thiếu nhi với tên gọi chung: "Tuyển truyện hay dành cho thiếu nhi", được đầu tư công phu về thiết kế, bìa sách.

Tuy nhiên, đa số các tập sách này đều được tái bản từ các tác phẩm đã được vào chung khảo và đoạt giải cuộc thi "Vì tương lai đất nước" những năm trước. Trong số đó, có những đầu sách đã ra đời cách đây 20 năm, như: Chuyện trường tôi, Chú bé Thất Sơn, Đường bong bóng bay, Cha con ông Mắt Mèo, Mùa cá linh...

Tương tự, NXB Kim Đồng cũng vừa ra mắt tủ sách "Những truyện ngắn hay viết cho thiếu nhi" của các nhà văn được xem là "cây đa, cây đề” trong "lãnh địa" văn học thiếu nhi như: Nguyễn Kiên, Ma Văn Kháng, Trần Đức Tiến, Nguyên Hồng, Vũ Tú Nam.

Không bàn về nội dung, chỉ xét ở góc độ "mới" thì tác phẩm của các nhà văn vừa nêu không hẳn là những tác phẩm mới, mà được tuyển chọn trong số những tác phẩm đã được viết từ rất lâu.

Tất nhiên, thực trạng "bổn cũ soạn lại" khó tránh được phản ứng tiêu cực của các em.

Đoạt giải nhì cuộc thi "Văn học tuổi 20" lần thứ nhất, truyện dài Lối đi ngay dưới chân mình của Nguyễn Lê My Hoàn từng được xem như một dấu ấn lạ của văn học dành cho tuổi mới lớn (một "nhánh" của văn học thiếu nhi), tuy nhiên, sau 18 năm, ở lần tái bản mới đây nhất, tác phẩm này lại nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều bạn đọc dù vẫn đang trong độ tuổi 17, 18 (bằng tuổi của cô gái Hòa Bình - nhân vật chính trong tác phẩm) đã không tìm được sự đồng cảm.

Trên một trang bán sách trực tuyến, một độc giả nhận xét: "Đọc xong thấy quá tiếc số tiền đã bỏ ra mua sách. Được biết sách viết để định hướng, chia sẻ trải nghiệm với người trẻ nhưng mình đọc thấy rất chán.

Nội dung sách cũng không hợp thời. Nhân vật nữ có vẻ là kiểu mẫu phổ biến khoảng 10 năm trước, lại có vẻ tự ti thái quá, mình thấy cô ta chả có vẻ gì mạnh mẽ, tự tin cả”.

Thiếu "đất", thiếu sự quan tâm

Tác phẩm Cô dâu trong thung của Viễn Dương (giải khuyến khích cuộc thi văn học thiếu nhi "Vì tương lai đất nước" lần 3) vừa được NXB Trẻ tái bản trong tủ sách "Tuyển truyện hay dành cho thiếu nhi" cũng không ngoại lệ.

Tác phẩm này trước đây cũng được nhiều bạn đọc yêu mến nhưng sau 10 năm, những câu chuyện nhuốm màu khổ đau, buồn thương trong sách có vẻ như không còn phù hợp để các em tiếp nhận khi tuổi còn nhỏ. Nhà văn Lê Phương Liên, người rất tâm huyết với văn học thiếu nhi, gọi vấn đề "bổn cũ soạn lại" là câu chuyện "không vui".

Nhà văn lý giải: "Văn học thiếu nhi phải đi sát với đời sống thiếu nhi hiện nay. Ngày xưa, thế hệ của tôi khi viết đều phải cập nhật đời sống thiếu nhi trong thời điểm đó. Còn bây giờ lại thiếu hẳn một giọng văn riêng của thế hệ mới".

Ở chiều ngược lại, nhà văn Nguyễn Trí Công, biên tập viên của NXB Trẻ, cho rằng, khác với các lĩnh vực khác, văn chương là bất biến. Như trường hợp Cô dâu trong thung của Viễn Dương, trẻ con cũng cần phải biết nỗi buồn mà văn chương phản ánh, vì những câu chuyện đó sẽ giúp các em nhìn cuộc sống với ánh mắt yêu thương và nhân văn hơn.

Tuy nhiên, khi nói về những người viết cho thiếu nhi hiện nay, nhà văn Nguyễn Trí Công cũng thừa nhận, những người này hiện chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Các nhà văn gạo cội người mất, người sức khỏe yếu, có người lại không viết nữa. Trong khi đó, những nhà văn trẻ hầu như không dám bước chân vào lĩnh vực văn học thiếu nhi.

"Cũng có những người thử viết cho thiếu nhi nhưng rồi không bao giờ viết nữa. So với văn học cho người lớn, văn học thiếu nhi rất thiệt thòi. Tất cả vẫn là do thiếu sự quan tâm của Nhà nước. Nếu không tích cực gieo giống thì thể loại văn học này sớm muộn gì cũng sẽ lụi tàn", nhà văn nhận xét.

Ở góc độ người cầm bút, nhà văn Nguyễn Thị Thanh Bình phải ngậm ngùi thừa nhận các nhà văn trẻ thế hệ chị đang thiếu "đất" và sự quan tâm khi "chơi" với văn học thiếu nhi. Chị khẳng định: "Không phải văn học thiếu nhi trong nước không hay, mà do nó không đến được với độc giả.

Độc giả nhí chỉ biết đến truyện tranh Nhật Bản, truyện tranh nhập ngoại. Lứa tuổi các em vẫn cần được bố mẹ, người lớn định hướng, thế nên có thể nói, phụ huynh cũng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của văn học thiếu nhi".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Văn học thiếu nhi: Bổn cũ soạn lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO