Truyện tranh thể hiện chủ quyền biển đảo

QUÝ YÊN| 03/10/2013 04:19

Sau gần một năm triển khai, tập đầu tiên trong bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt: Hoàng Sa - Trường Sa đã xuất hiện trên các kệ sách.

Truyện tranh thể hiện chủ quyền biển đảo

Sau gần một năm triển khai, tập đầu tiên trong bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt: Hoàng Sa - Trường Sa đã xuất hiện trên các kệ sách. Vẫn chỉ là câu chuyện xung quanh “bộ tứ” đáng yêu Tí - Sửu - Dần - Mẹo quen thuộc với độc giả nhiều năm qua, điều đáng nói là tính đến thời điểm hiện tại, đây là bộ truyện tranh về lịch sử chủ quyền biển đảo đầu tiên của Việt Nam.

Đọc E-paper

>Triển lãm tư liệu chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam
>Triển lãm “Hoàng Sa của Việt Nam, những bằng chứng lịch sử”
>
Bộ sưu tập chứng cứ pháp lý chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa
>Cơ hội nào cho thị trường truyện tranh Việt Nam?
>
Truyện tranh nội - gia công ngoại

Truyền lửa cho thế hệ tương lai

Sơ phác ý tưởng tổng thể cho bộ truyện Thần đồng đất Việt: Hoàng Sa - Trường Sa bao gồm 10 tập, chia thành các chủ đề khác nhau như: Khẳng định chủ quyền; Lãnh thổ An Nam; Khám phá Hoàng Sa, Mộ gió Hoàng Sa... Mỗi tập đều có những bài học riêng về chủ quyền biển đảo.

Cụ thể như ở tập đầu tiên, đội ngũ biên tập đã cung cấp cho các độc giả nhí những tài liệu, chứng cứ khẳng định chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam từ vương triều nhà Nguyễn.

Thông qua câu chuyện hài hước giữa bốn đứa trẻ thông minh ở làng quê Phan Thị và công chúa Phương Thìn, hoạt động cụ thể của dân binh Hoàng Sa cũng được tái hiện đầy đủ để người đọc có thể hình dung rõ nét về đời sống và tư duy về biển đảo của ông cha.

Bà Phan Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Công ty Phan Thị, chia sẻ, để xây dựng những tập truyện tranh lồng ghép tuyên truyền lịch sử như thế, đội ngũ biên tập đã phải thực hiện quy trình khá chỉnh chu, từ việc tập hợp tài liệu, xây dựng kịch bản, họp hội đồng góp ý, chỉnh sửa... rồi mới đến khâu vẽ, làm hiệu ứng, sắp chữ... để có thể cho ra bản thảo.

“Chủ quyền là lĩnh vực cực kỳ nhạy cảm nên bản thảo được đưa đến tay người có nghiên cứu nhiều về Hoàng Sa – Trường Sa là TS. Nguyễn Nhã thẩm định và tư vấn để đảm bảo về nội dung”, bà Hạnh chia sẻ.

Theo bà Hạnh, dù khó khăn trong quá trình thực hiện bộ sách không ít, nhất là đòi hỏi làm thế nào phải “mềm hóa” các kiến thức lịch sử và duy trì được phong cách kể chuyện dí dỏm của các nhân vật, nhưng điều khích lệ đội ngũ biên tập là nguồn sử liệu về chủ quyền biển đảo Việt Nam cực kỳ phong phú và khả năng tập hợp chúng cũng rất dễ dàng.

Bà khẳng định: “Càng tiếp xúc nhiều với các sử liệu, chúng tôi càng tự tin hơn với con đường của mình. Người lớn đã hiểu về chủ quyền biển đảo thì phải làm cho trẻ nhỏ cũng biết và hiểu được những thông tin này”.

Đồng quan điểm, TS. sử học Nguyễn Nhã nhận xét, việc làm truyện tranh về chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa sẽ là bước khởi đầu cho phương thức truyền bá thông điệp yêu nước, kiến thức về chủ quyền biển đảo đến thế hệ trẻ mọt cách gần gũi, đơn giản nhưng không kém phần sâu sắc.

Thách thức ở khâu sử liệu

Tính đến nay, hai tập đầu của bộ truyện đã hoàn tất, hai tập tiếp theo cũng đã kết thúc khâu sưu tầm tài liệu, tiến đến xây dựng câu chuyện. Tuy nhiên, những tập tiếp theo như Chiến thuyền nhà Nguyễn, Đội tuần Dương Quân... vẫn còn trống ở khâu tài liệu.

Thách thức này quả thực là không nhỏ cho những người tâm huyến tuyên truyền chủ quyền biển đảo bằng truyện tranh. “Thực hiện một bộ sách 10 tập về chủ quyền biển đảo không đơn giản nhưng chỉ cần những người thực hiện tổ chức vận động theo hình thức cuộc thi chẳng hạn thì sẽ huy động được nguồn lực từ bạn đọc”, nhà thơ Lê Minh Quốc tư vấn. Dành thời gian không ít để nghiên cứu các tài liệu biển đảo Việt Nam, theo nhà thơ, vẫn còn rất nhiều tư liệu quý còn lẩn khuất, chưa được công bố.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Nhã cũng lưu ý, nguồn sử liệu quá rộng cũng là một thách thức bởi chỉ cần người xây dựng kịch bản chưa hiểu biết tường tận, cách kể chưa khéo cũng sẽ làm sai lệch lịch sử. Để khắc phục điều này, bộ sách cần có một đội ngũ tư vấn am tường về chủ quyền chứ không dừng lại ở một vài người.

Đón nhận những thùng sách đầu tiên trao tặng cho trẻ nhỏ đang sống trên hai quần đảo đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc, đại tá Nguyễn Hải Triều, Bộ tư lệnh Hải quân không khỏi xúc động.

Ông bảo, công tác tuyên truyền biển đảo những năm gần đây ở Việt Nam đang thực hiện khá tốt nhưng vẫn còn một điểm khuyết, chưa hướng đến đối tượng thiếu nhi. “Bộ sách đặc biệt này có khả năng tạo ấn tượng tốt với trẻ nhỏ. Nó là hướng đi mới trong công tác giáo dục lòng yêu nước đối với thế hệ tiếp theo”, đại tá Triều chia sẻ.

Tập đầu tiên của Thần đồng đất Việt: Hoàng Sa - Trường Sa đã được bạn đọc đón nhận khá nhiệt tình. Hy vọng, những người tâm huyết có thể bền lòng với dự án nhiều khó khăn này để thị trường sách có thêm một nguồn tham khảo tốt cho độc giả nhỏ, để lịch sử không khô khan và để chủ quyền biển đảo là câu chuyện mà cả trẻ con lẫn người lớn đều thông hiểu và tự hào.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Truyện tranh thể hiện chủ quyền biển đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO