Daniel Ek - người sáng lập của Spotify Ảnh: Reuters |
Spotify - dịch vụ stream nhạc trực tuyến lớn nhất thế giới vừa chính thức ra mắt tại Việt Nam từ ngày 13/3. Nhưng câu chuyện dưới đây đề cập Spotify sắp phát hành cổ phiếu và các nhà đầu tư đang hy vọng dịch vụ này có thể phát triển lớn mạnh như Netflix.
Khi Spotify xuất hiện trong danh sách của Sở Giao dịch Chứng khoán New York vào những tuần tới, dịch vụ nghe nhạc trực tuyến này sẽ được định giá hơn 20 tỷ USD, cho thấy sự tin tưởng của các nhà đầu tư đối với người sáng lập Spotify là Daniel Ek đến từ Thụy Điển.
Nếu Netflix có thể làm đảo lộn Hollywood, thì Spotify có thể thay đổi nền công nghiệp âm nhạc. Ít nhất đó là hy vọng của quản lý các quỹ tại Mỹ. Có lý do để tin rằng Spotify sẽ ngang tầm với Netflix, dù âm nhạc là phạm trù rất khác so với phim ảnh và lĩnh vực đầy tính cạnh tranh mà Spotify đang dấn thân sẽ đem đến những thách thức mà Netflix chưa từng gặp phải.
Ra đời cách nay 10 năm, Spotify là dịch vụ truyền dữ liệu âm nhạc thương mại cung cấp quyền quản lý kỹ thuật số có hạn từ các hãng thu âm Sony, EMI, Warner Music Group và Universal. Dịch vụ này cung cấp cho người dùng các bản thu chất lượng và đưa ra nhiều gợi ý âm nhạc dựa trên sở thích, thói quen... Kho nhạc của Spotify có hơn 35 triệu bài hát và hơn 30.000 ca khúc mới được bổ sung hằng ngày, hơn 2 tỷ playlist có sẵn với 2 triệu playlist được tạo mới mỗi ngày.
Hiện dịch vụ này có 159 triệu người dùng và 71 triệu thuê bao trả tiền hằng tháng (trong khi Apple Music chỉ có 36 triệu lượt đăng ký). Những người dùng còn lại của Spotify thì phải xem quảng cáo để được nghe nhạc miễn phí. Trong một bức thư được đăng tải gần đây, Daniel Ek viết rằng Spotify có thể "kết nối mọi người trên khắp thế giới trong một nền văn hóa chia sẻ có thể mở rộng sự hiểu biết của chúng ta".
Tổng doanh thu của Spotify năm ngoái là gần 5 tỷ USD, nhưng Spotify vẫn thất thu 1,5 tỷ USD, cao hơn mức 650 triệu USD của năm 2016. Khoản thất thu của Spotify chủ yếu bắt nguồn từ việc trả tiền bản quyền. Theo Công ty Dịch vụ tài chính Hargreaves Lansdown, Spotify đã chi 10 tỷ USD tiền bản quyền cho các nghệ sĩ, các nhãn hiệu âm nhạc, các nhà phát hành và bắt buộc phải trả ít nhất 2 tỷ USD nữa trong 3 năm tới cho vấn đề này.
Ban nhạc Ailen Strypes trình diễn một bộ phim đặc biệt cho Spotify năm 2016 |
Nhà phân tích của Hargreaves là Laith Khalaf cho biết: "Chỉ có 4 công ty âm nhạc nắm giữ bản quyền của 87% các bài hát trên Spotify, điều này đem đến cho họ món hời béo bở hợp pháp nhưng có phần quá đáng từ doanh thu của Spotify".
Những thỏa thuận cấp phép được ký đến thời điểm hiện tại "đều nghiêng về phía những người sở hữu và chi phí phát sinh đều do Spotify chi trả”. Nhưng Par Jorgen Parson - thành viên của công ty liên doanh Northzone (Thụy Điển), một nhà đầu tư vào Spotify dự đoán rằng, vòng xoáy quyền lực đang dịch chuyển và có lý do để các điều khoản của các bản hợp đồng sẽ bớt nặng nề.
Trên thực tế, nếu Spotify có thể thương lượng hạ giá tiền bản quyền thì Công ty vẫn phải đối mặt với một khoảng thời gian dài tách ra khỏi các nhãn hiệu lớn, hoàn toàn khác với Netflix - một công ty đã giảm sự phụ thuộc vào các nội dung gốc của Hollywood bằng cách tự sản xuất chúng. Tuy nhiên, những người hâm mộ mong muốn có một thư viện âm nhạc đầy đủ gồm tất cả nhãn hiệu và các thể loại hơn.
Vậy nên có một cuộc thi đấu ở đây. 3 trong số "tứ đại công ty công nghệ" là Apple, Google và Amazon có đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Spotify của riêng họ. Trong đó, Apple Music hiện là sản phẩm thành công nhất, cung cấp dịch vụ với mức giá tương đương Spotify, nhưng Apple Music được cài sẵn trong các điện thoại thông minh, máy tính bảng và đồng hồ thông minh bán chạy của tập đoàn công nghệ này.
Apple Music có ít người đăng ký hơn nhưng có lợi thế lớn, vì Apple không cần phải có lợi nhuận từ dịch vụ nghe nhạc trực tuyến của Hãng, trong khi Spotify lại cần. Apple có thể chịu tổn thất trong Apple Music vô thời hạn để bán được nhiều iPhone hơn và thu về doanh thu tổng; Google có thể mở rộng sức ảnh hưởng của cả thị trường với Google Play Music All Access và Amazon có thể dùng Amazon Music để bán được mọi thứ nhiều hơn.
Par Jorgen Parson đồng ý rằng: "Apple là mối nguy hại đáng gờm. Nhưng Apple Music gắn liền với các điện thoại của Hãng. Và đừng quên Apple chỉ chiếm 20% thị trường, còn Spotify thì có ở mọi nơi".
Về phía các nghệ sĩ, với 46 triệu người nghe hằng tháng và hơn 1,5 tỷ lượt nghe bài hát Shape of You, Ed Sheeran đang là nghệ sĩ điển hình của thế hệ Spotify. Sự ra mắt album mới nhất Divide của Sheeran là cơ hội để chứng minh Spotify có sức ảnh hưởng lớn như thế nào.
Warner Music - công ty quản lý Sheeran đã từ chối các đề nghị độc quyền và hợp tác tiếp thị từ những dịch vụ nghe nhạc trực tuyến như Spotify, Tidal và Apple Music để có thể kiếm được lợi nhuận cao gấp đôi. Theo đó, album của Sheeran được ra mắt ở tất cả dịch vụ nghe nhạc cùng một lúc, nhưng ca sĩ này được hiển thị ngay ở trang chủ của Spotify và được thêm vào gần như tất cả danh sách nhạc pop có sức ảnh hưởng lớn.
Kết quả là tất cả bài hát trong Divide lọt vào top 20 tại Anh và 9 trong số đó còn đứng trong top 10. Tuy nhiên, trong khi sức ảnh hưởng khổng lồ của Spotify có thể giúp các nghệ sĩ tên tuổi nổi đình nổi đám thì những người ít nổi tiếng hơn như DJ Gareth Emery lại phàn nàn "nghệ sĩ chỉ nhận được vụn bánh mì”: "Thậm chí có hơn 1 triệu người nghe hằng tháng, tôi cũng không thể dựa vào Spotify để kiếm thu nhập".
(Nguồn: The Guardian)