"Mây pha lê chỉ là vật vô tri nhưng tạo ra được nhiều cảm xúc khác nhau khi có sự thay đổi ánh sáng, màu sắc từ môi trường", theo nghệ sĩ thiết kế cảnh quan Andy Cao. |
Nghệ sĩ cảnh quan Andy Cao và Xavier Perrot đã cùng nhau đem "đám mây pha lê lang thang" từ thung lũng nước Áo sang thung lũng Mù Cang Chải ở tỉnh Yên Bái, Việt Nam. Triển lãm đã diễn ra trong vòng 2 tuần, từ ngày 19/5/2018.
Vì sao Mây pha lê “đậu lại” Đồi mâm xôi ở Mù Cang Chải?
Hơn 20 năm làm việc trong ngành thiết kế cảnh quan, 2 nghệ sĩ cảnh quan Andy Cao (người Mỹ gốc Việt) và Xavier Perrot (người Pháp) từng thực hiện nhiều tác phẩm nghệ thuật cảnh quan ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng chưa có cơ hội làm việc ở Việt Nam.
Hai nghệ sĩ chia sẻ, họ đã từng đến đây, đi thăm nhiều làng nghề, và nhận thấy Việt Nam rất "giàu có" với nhiều loại vật liệu phong phú, còn người dân thì rất khéo léo. Một lần có dịp đến thăm Đồi mâm xôi vào mùa nước đổ tuyệt đẹp, họ càng cảm phục sự khéo léo của những người chủ đất nhiều thế hệ của Đồi mâm xôi. Họ ví những nông dân ở đây giống như những nhà điêu khắc với loại vật liệu đặc biệt là đất, đã tạo nên một “tác phẩm nghệ thuật” Đồi mâm xôi mà khó có một kiến trúc sư nào có thể vẽ ra được.
Cách đây 8 năm, Andy Cao và Xavier Perrot đã thực hiện thử nghiệm Mây pha lê với quy mô nhỏ và sau đó triển lãm ở nhiều nơi tại Mỹ, Áo, Pháp.
“Khi nhắc đến kiến trúc cảnh quan, người ta thường chỉ nghĩ nhiều đến việc sắp đặt cỏ cây, hoa lá dưới mặt đất. Chúng tôi lại nghĩ khoảng không gian phía trên, cụ thể là những đám mây, cũng góp phần lớn tạo nên nét đẹp cho cảnh quan. Vì vậy, tôi cùng cộng sự Xavier đã thực hiện Mây pha lê để chứng minh cho mọi người biết nghệ thuật cảnh quan có thể được mở rộng ra như thế nào”, nghệ sĩ cảnh quan Andy Cao chia sẻ về hoàn cảnh cho ra đời ý tưởng về “đám mây pha lê” tại buổi nói chuyện và giao lưu về chủ đề “Nghệ thuật cộng đồng – Mây pha lê – Mù Cang Chải” do Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) tổ chức vào ngày 7/6 vừa qua, nhân dịp nghệ sĩ Andy Cao vừa từ Mù Cang Chải trở về TP.HCM sau khi hoàn tất tháo gỡ Mây pha lê để trả lại vẻ đẹp nguyên trạng cho Đồi mâm xôi.
Andy Cao (trái) và Xavier Perrot. Ảnh: Stephen Jerrome |
Hành trình đưa một tác phẩm nghệ thuật cộng đồng về quê hương
Cùng vận hành Cao Perrot Studio với 2 văn phòng ở Pháp và Mỹ, nghệ sĩ Andy Cao và Xavier Perrot vẫn quyết định tạm đóng cửa Công ty một tháng rưỡi để về Việt Nam thực hiện dự án Mây pha lê. Trong suốt khoảng thời gian đó, họ đã cùng sinh sống và làm việc với người dân bản địa - những người dân tộc H’mong, Thái, Dao… tại Mù Cang Chải, sau khi nhận được sự đồng ý của chính quyền tỉnh Yên Bái, huyện Mù Cang Chải, xã La Pán Tẩn, và quan trọng nhất là những chủ ruộng của Đồi mâm xôi.
Tác phẩm Mây pha lê được tạo thành nhờ 58.000 hạt pha lê sang trọng được đính trên lưới mắt cáo – một loại vật liệu bình dị và quen thuộc với người Việt Nam. “Người Việt thường chỉ sử dụng lưới mắt cáo để làm… chuồng gà. Còn các hạt pha lê lại là loại vật liệu chỉ được dùng làm đèn chùm trong những ngôi nhà sang trọng hoặc được sử dụng trong lĩnh vực thời trang. Bây giờ, chúng tôi muốn đưa hạt pha lê ra thế giới bên ngoài, kết hợp với lưới mắt cáo để tạo nên điều bất ngờ”, nghệ sĩ Andy Cao cho biết.
Trong suốt thời gian thực hiện tác phẩm, Xavier và Andy Cao phải đi đi về về lên đồi cao 4 lần mỗi ngày bằng xe ôm. Với họ, khó khăn lớn nhất trong quá trình thi công là thời tiết, vì có những lúc trời mưa ròng rã suốt 2-3 ngày, đường đi lên đồi càng trở nên khó khăn, nếu sơ sẩy có thể rơi xuống thung lũng bất kỳ lúc nào.
Giải thích về ý nghĩa của một tác phẩm nghệ thuật cộng đồng, nghệ sĩ Andy Cao cho biết, ý tưởng sáng tạo ban đầu là của nghệ sĩ, nhưng những người thực hiện tác phẩm là người dân địa phương. Dù họ thường không biết gì về nghệ thuật nhưng dưới sự hướng dẫn của các nghệ sĩ, kết hợp với bàn tay khéo léo của chính mình, họ đã cùng tạo ra một tác phẩm nghệ thuật cộng đồng.
“Tác phẩm này không thuộc sở hữu của riêng ai mà là của cả cộng đồng. Cách tiếp cận này rất bình thường ở các nước khác, nhưng vẫn còn khá xa lạ ở Việt Nam. Dù biết là sẽ khó khăn nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm thử một lần đưa nghệ thuật cộng đồng về Việt Nam”, Andy Cao kể.
Theo đó, có khoảng 60 người dân bản địa đã hỗ trợ 2 nghệ sĩ thực hiện Mây pha lê và đều được trả lương trong thời gian làm việc. Trong khi thực hiện và sau khi hoàn thành tác phẩm, nhiều người dân nơi đây đã được nhìn Đồi mâm xôi với một góc nhìn khác. Bởi thực tế, với 80% những người giúp thi công tác phẩm, đó là lần đầu tiên họ bước chân lên Đồi mâm xôi. Và nếu như quanh năm suốt tháng Đồi mâm xôi chưa bao giờ thay đổi, lần này nó lại có một sự thay đổi lớn, mà chính họ còn được góp công sức vào sự thay đổi đó.
Nói về mối thân tình với người dân, Andy Cao bày tỏ: “Chúng tôi không thích làm việc theo kiểu vẽ ra ý tưởng rồi để một đội ngũ khác quản lý và thực hiện rồi đề tên mình vào. Chúng tôi chỉ muốn tự tay làm việc với những người hợp tác với mình từ đầu đến cuối quy trình. Lúc đầu, người dân chỉ làm theo hướng dẫn chứ hoàn toàn không biết mình đang làm gì, nhưng khi tác phẩm sắp hình thành, họ vô cùng bất ngờ với những gì mình đã làm được. Những người phụ nữ ở địa phương, ban ngày ra đồng, ban đêm đến đây phụ giúp chúng tôi. Bầu không khí lúc đó rất ấm áp, cảm giác giống như đang là đêm giao thừa vậy. Sự gắn kết giữa nghệ sĩ và người dân, cùng những ký ức đẹp đó là điều đáng quý nhất mà không tiền bạc nào có thể mua được”.
Mây pha lê - một giấc mơ ngắn mà đẹp
Giải thích về việc tác phẩm nghệ thuật cảnh quan Mây pha lê chỉ được lưu giữ trong vòng 2 tuần chứ không giữ lâu hơn, nghệ sĩ Andy Cao cho biết, vì sau mùa nước đổ, người dân sẽ bắt đầu cấy mạ, và họ không muốn gây xáo trộn cuộc sống người dân. “Sau khi tháo gỡ, cảnh quan đã được trả về nguyên vẹn lúc ban đầu, như thể chúng tôi chưa từng bước chân vào Đồi mâm xôi. Kỳ triển lãm này giống như một giấc mơ ngắn mà đẹp cho các nghệ sĩ và cả người dân nơi đây. Đơn giản là mây tụ rồi mây sẽ tan”, Andy Cao ví von.
Hơn 20 năm hoạt động trong ngành thiết kế cảnh quan, nghệ sĩ Andy Cao cho biết rõ quan điểm của mình luôn là: “nếu vì mục đích kinh doanh thì không làm nghệ thuật được”. Vì vậy, ông tự nhận mình “ấu trĩ” khi quyết định “đi đường nhỏ”, chưa bao giờ tham gia quảng cáo, đi tìm khách hàng, mà chú trọng và tin tưởng vào cơ duyên, xem nó như động cơ làm việc. “Nếu không có dự án nào thì… ăn mì gói thôi”, ông nói vui.
Bởi vậy, từ đầu đến cuối quá trình thực hiện Mây pha lê ở Mù Cang Chải, ông cho biết mình không tham gia vai trò nào trong việc xử lý vấn đề tài chính, mà chỉ tập trung vào việc thực hiện tác phẩm. Chi phí mua pha lê từ Áo sang Việt Nam do một đơn vị tài trợ thực hiện, còn việc bán vé vào tham quan là do UBND xã La Pán Tẩn triển khai, phần tiền thu được dành để trả cho các chủ ruộng, trả lương cho người dân hỗ trợ thi công và những người bảo vệ tác phẩm trong quá trình triển lãm.
Tác phẩm Mây pha lê có thể được lưu giữ lâu dài bất kể thời tiết |
“Trước khi rời khỏi Mù Cang Chải, tôi được địa phương trao tặng món quà là một chiếc phong bì, lúc đầu còn tưởng là giấy khen, sau đó mới nhận ra đó là một số tiền nhỏ. Cam kết không nhận tiền công, vì thực sự giá trị của tác phẩm này không thể đo đếm được, tôi đã nhờ họ chuyển lại cho các giáo viên trong một trường học gần chỗ mình ở trọ tại Mù Cang Chải. Vì tôi thiết nghĩ, trong các chương trình thiện nguyện, người ta vẫn thường tặng quà cho các em học sinh chứ ít người nhớ đến sự hy sinh thầm lặng của mấy mươi giáo viên nơi đây", Andy Cao kể.
Nghệ sĩ Andy Cao còn chia sẻ thêm một câu chuyện vui, đó là khi tổng hợp các viên pha lê để trả lại cho chủ sở hữu, họ phát hiện bị mất 2.000 viên. Nhưng cá nhân ông lại cảm thấy vui vui, vì nghĩ rằng có lẽ người dân bản địa trong quá trình thực hiện và tháo gỡ tác phẩm, nhiều người muốn giữ pha lê lại làm kỷ niệm, để sau này nhìn lại, họ nhớ rằng đã từng có một “đám mây pha lê” tại Đồi mâm xôi.
Cảm kích sự nhiệt huyết của các nghệ sĩ cảnh quan, trước khi các nghệ sĩ này rời đi, một gia đình người dân địa phương còn muốn Andy Cao nhận con trai họ làm con nuôi. Cậu bé này tâm sự với ông rằng trong quá trình đi làm thuê trước đây đều làm việc rất tốt nhưng không tiến bộ được vì người chủ thường… giấu nghề. Vì vậy bây giờ, cậu mong sẽ được học hỏi nghề thiết kế cảnh quan từ ông. Đáp lại tấm lòng và sự tin tưởng của họ, ông nhận cậu bé làm học trò và cam kết sẽ hết lòng truyền nghề vì “biết đâu sẽ đào tạo ra được một nghệ sĩ cảnh quan tài giỏi trong tương lai cho quê hương Việt Nam”.
Andy Cao là người Mỹ gốc Việt đầu tiên nhận các giải thưởng uy tín trong ngành thiết kế cảnh quan: Rome Prize Fellowship của Viện Hàn lâm Hoa Kỳ tại Roma và Loeb Fellowship tại Trường Cao học Thiết kế Harvard. Xavier Perrot (người Pháp) đã được Bộ Văn hóa Pháp trao tặng giải thưởng "Kiến trúc sư trẻ nổi tiếng và Nghệ sĩ có ảnh hưởng lớn về cảnh quan". Trong cuốn sách 60 nhà sáng tạo làm thay đổi cái nhìn và cảnh quan của thế giới được xuất bản bởi Thames & Hudson (Anh), Andy và Xavier là 2 trong số 60 nhà sáng tạo thuộc danh sách đó. |