Đạo diễn Hầu Hiếu Hiền: 16 câu thoại và một tuyệt tác

TUYÊN ĐỖ| 06/06/2015 06:47

Đạo diễn xuất sắc của Liên hoan phim Cannes Hầu Hiếu Hiền là một trong những nhà làm phim sáng giá nhất Đại lục.

Đạo diễn Hầu Hiếu Hiền: 16 câu thoại và một tuyệt tác

Ở tuổi 68, giải thưởng Đạo diễn xuất sắc vừa nhận được tại Liên hoan phim Cannes góp phần củng cố thêm tinh thần lạc quan của Hầu Hiếu Hiền để thực hiện dự án kế tiếp. Ông là một trong những nhà làm phim sáng giá nhất Đại lục.

Đọc E-paper

Trữ tình bậc nhất

Những năm đầu của sự nghiệp, Hầu Hiếu Hiền tập trung khai thác những gì gần gũi với quá khứ, tuổi thơ và biến chuyển văn hóa tại Đài Loan, nơi ông lập nghiệp. A Time to Live, A Time to Die, Dust in the Wind, A City of Sadness, Millennium Mambo... đều chất chứa tâm sự của người con xa quê (ông sinh ra ở Quảng Đông), đồng thời là kẻ tha hương đi tìm vẻ đẹp thời gian chìm khuất sau những ảo vọng của thời đại.

Hiếm ai định mức thời gian xuất sắc và mang tính thẩm mỹ cao như Hầu Hiếu Hiền, chưa kể trong bao năm qua, ông đã tinh giản các thước phim như đang nhìn vào đời sống, sự chảy trôi của thời đại. Ưu điểm đó đã dần khẳng định tên tuổi của Hầu Hiếu Hiền không chỉ dọc chiều dài đất nước mà còn ở các lục địa, các quốc gia châu Âu.

Hầu Hiếu Hiền không phủ nhận ông chịu ảnh hưởng từ bậc thầy Yasujiro Ozu, và các bộ phim của ông đều mang tinh thần "thiền" để khơi gợi mọi cảm xúc, từ day dứt đến bi thương, từ nhẹ nhàng đến dữ dội. Hai mươi lăm năm trong sự nghiệp, chưa một lần Hầu Hiếu Hiền từ bỏ phong cách của mình để chạy theo thị hiếu, ngay cả với dự án để đời Nhiếp Ẩn Nương (The Assassin) theo trường phái võ thuật mà ông chưa một lần thử sức.

Nhiếp Ẩn Nương là câu chuyện Hầu Hiếu Hiền muốn thực hiện từ những ngày đầu bước chân vào làm phim. Thế nhưng, bản tính cầu toàn bất biến của ông đã buộc ông xếp lại dự án này do thiếu kinh phí, thiếu kinh nghiệm, thiếu sự tự tin cần có. Nhiếp Ẩn Nương sau 25 năm vẫn nguyên vẹn trong ký ức của ông, song Hầu Hiếu Hiền lại ca thán rằng giá như ông được sống trong đời nhà Đường thì bức tranh thủy mặc ấy ông sẽ tô vẽ lại trọn vẹn hơn, chân thật hơn.

"Tôi muốn quay ngược thời gian để xem thời đó người ta ăn mặc ra sao, thậm chí tắm rửa như thế nào...", bởi họ Hầu không mấy tin vào những hình ảnh xa xỉ được phục dựng trên màn ảnh bao năm qua. Ham muốn làm một bộ phim hoàn hảo khiến Hầu Hiếu Hiền mất tới 10 năm kể từ ngày khởi xướng dự án, và sau ba năm gián đoạn vì lý do tài chính bộ phim mới hoàn thành. Rất ít yếu tố kỹ thuật, cảnh nhào lộn hoặc bay nhảy, càng không có những cảnh quay hoành tráng..., bộ phim vẫn ngốn 15 triệu USD, con số chưa từng có trong sự nghiệp của ông.

Mưu cầu tuyệt tác

Suốt giai đoạn tiền kỳ, Hầu Hiếu Hiền dành nhiều thời gian để tham khảo tất cả những cuốn tiểu thuyết ngắn, dài hiếm hoi về thời kỳ nhà Đường: "Trong số đó có một quyển sách tên gọi Sử ký người xưa, câu chuyện trên phim của tôi đến từ những chi tiết chân thực dù nhỏ nhất trong quyển sách đó...". Để giữ quan điểm, Hầu Hiếu Hiền quyết định không cắt cảnh quá nhiều, kể cả với các pha hành động.

"Ống kính góc rộng có thể truyền tải thông điệp trong một khung hình với đầy đủ các yếu tố từ cảnh trí, diễn viên đến những đường kiếm... Tôi cho rằng, càng đi theo lối mòn trong các màn giao đấu thì càng làm mất đi nhịp điệu thật sự của võ thuật". Ông vẫn trung thành với những cú máy kéo dài, thường chỉ xê dịch qua lại rất chậm chạp, trong đó diễn viên di chuyển, thay đổi xiêm y, thay đổi biểu cảm...

Đạo diễn Hầu Hiếu Hiền doanhnhansaigon

Một tiết lộ chấn động khác là vai nữ chính, Nhiếp Ẩn Nương (do Thư Kỳ đảm nhận), chỉ thoại 16 câu. Thử thách lớn nhất của phim cũng chính là ngôn ngữ, bởi ông muốn nhân vật xuất thân thời xưa phải nói bằng chính giọng nói đó, ngữ điệu đó. Dù rất khó khăn để truyền tải, song Nhiếp Ẩn Nương là một ví dụ cho việc can đảm đi đến tận cùng nghệ thuật. Ông chia sẻ: "Tôi đưa cho diễn viên kịch bản, họ phải đọc. Chúng tôi không có cảnh quay nháp mà chỉ có quay thật, nếu không đạt thì quay lại...".

Nhà sản xuất cho biết Hầu Hiếu Hiền chỉ muốn quay mỗi ngày một cảnh, thậm chí cả tuần quay đi quay lại chỉ một cảnh. Trái ngược với mường tượng của tất thảy mọi người, Hầu Hiếu Hiền chọn nhạc Pháp và Nam Phi cho Nhiếp Ẩn Nương, ngoài ra còn có một, hai ca khúc ông tiết lộ là nhạc đương đại rất thịnh hành vài năm trước. Nói như Guillermo del Toro (giám khảo Liên hoan phim Cannes) thì họ Hầu đã mang đến những điều rất khó hòa nhập vào nhau trong một bộ phim một cách hoàn chỉnh.

Hầu Hiếu Hiền luôn gặp phải những tranh cãi trái chiều. Nếu khán giả chuộng phim Hollywood thường không kiên nhẫn xem hết bộ phim của ông dù không phủ nhận nó đẹp như một bài thơ thông qua góc máy đầy mê hoặc của nhà quay phim Mark Lee, thì các tay phê bình ở châu Âu và Mỹ, nơi pha trộn nhiều tầng lớp khán giả, gu thưởng thức nghệ thuật đa dạng, lại đề cao lòng quả cảm và sự mẫu mực trong Nhiếp Ẩn Nương, giúp nó trở thành một tuyệt tác mới của số ít nhà làm phim tài năng nhất châu Á.

>Điện ảnh Hoa ngữ: Hoa nở cuối mùa

>Đạo diễn Phan Đăng Di: “Chúng tôi bán đam mê”

>Đạo diễn Oliver Stone: Phản đối bạo lực, đề cao nụ cười

>Đạo diễn loay hoay tìm phong cách

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đạo diễn Hầu Hiếu Hiền: 16 câu thoại và một tuyệt tác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO