Doanh nhân viết sách: Điều làm tôi tự hào nhất là cuốn sách Về quê lập nghiệp
Với tôi, vai trò, ý nghĩa của sách cũng giống như vai trò của chiếc la bàn trên toàn bộ chuyến hải trình vậy. Tôi tin rằng, dù mỗi doanh nhân, mỗi tính cách khác nhau nhưng hầu hết đều có chung sự trân quý và tình yêu với sách.
Sách không những chỉ dừng lại ở những câu nói, những bài viết được đồng cảm, trích dẫn… mà còn trở thành “binh thư gối đầu giường”, làm nên hệ giá trị, triết lý của một nhà lãnh đạo, và có những cuốn sách, đã trở thành điểm tựa, ô cửa sáng dành cho doanh nhân mỗi khi đối diện với gập ghềnh, gian khó.
Xuất phát điểm từ người làm khoa học - kỹ thuật nhưng rồi tôi bén duyên với viết. Kể từ đó tôi nhận ra sự khác biệt của sách, sách khác với báo, tạp chí, khác với những bài viết ngắn được đăng trên tường mạng xã hội, sách cũng khác với những quy trình công việc, hay những bức thư gửi đến nhân viên mỗi dịp đặc biệt của doanh nghiệp…
Sách chính là sự dày công đúc rút, là kết quả được sàng đi sàng lại, lọc lấy từ hằng hà những trải nghiệm của tác giả. Ngay cả khi có đủ, có rất nhiều trải nghiệm rồi, có những thành công rồi… thì việc làm thế nào để có một cuốn sách của riêng mình cũng là một một câu hỏi lớn với doanh nhân? Doanh nhân nên hay không nên có một cuốn sách? Vì sao phải viết? Viết chủ đề gì? Bắt đầu từ đâu? Khi nào mới là thời điểm? Làm thế nào để viết? Biên tập ra làm sao? Nhà xuất bản? Hơn hết, là những quan ngại về những tác động khó lường trước của cuốn sách lên thương hiệu cá nhân và doanh nghiệp của tác giả doanh nhân. Có lẽ vì lẽ đó mà sách được đặt trên kệ, được trân quý, và được xem là thành tựu, di sản để lại của một người.
Tôi nhớ ngày đó, từ một người có nhiều khiếm khuyết về kỹ năng ngôn ngữ, dù dày công đến tận 5 năm ròng mới có bản thảo cuốn sách “Về quê lập nghiệp” trên tay, nhưng tôi đã giấu nó rất kỹ, không dám chia sẻ đến gia đình hay bạn bè về cuốn sách đang ấp ủ. Có quá nhiều ý kiến, thị phi đang chờ đón tôi phía trước khi ý tưởng viết sách của tôi lộ ra ngoài. Nào là người ta 60-70 tuổi, có cả cơ đồ vài nghìn tỷ, người ta còn không viết sách, trong khi tôi mới ở tuổi 35-40, chưa trải sự đời, thành công cũng chẳng có gì đáng kể thì viết sách lấy ai đọc? Nào là không lo vận hành doanh nghiệp, không lo bán hàng, không lo ngoại giao kết nối mà lại đi dành thời gian viết sách? Chưa kể những góc nhìn tự diễn biến theo hằng hà cách khác nhau, đại loại “Chắc là thích nổi tiếng đây, thích thể hiện đây”… Và ngay khi tôi đăng tin vui vì nhận được đề xuất mua bản quyền của nhà xuất bản, tôi đã nhận ngay một dòng trạng thái “Tuấn mà còn viết được sách, chắc đốt sắc uống cho nhanh chứ đọc gì cho mệt”.
Tôi xin được chia sẻ đến anh chị doanh nhân những gì tôi đã trải qua, đã đối diện với việc viết sách. Tôi thật sự cũng không ngờ đến cuốn sách đã mang lại cho tôi nhiều hơn rất nhiều những gì mà tôi có thể tưởng trước đó. Nhờ viết, nỗ lực viết mà các vùng kiến thức trong não bộ của tôi được sắp xếp lại, Từ đó, tôi cảm giác việc đúc rút, trình bày của bản thân được cải thiện rất nhiều, theo cách này, tôi được bổ sung thêm một số kỹ năng rất quan trọng của nghề doanh nhân. Cuốn sách được phát hành, từ đó, những chia sẻ, đúc rút của tôi đã đến được với nhiều người, tôi có thêm nhiều kết nối, nhiều bạn bè, nhiều đối tác và khách hàng. Tôi cảm nhận rất rõ, mỗi khi một ai đó đọc cuốn sách của tôi, nghĩa là tôi vừa có thêm một người bạn rất hiểu về tôi cũng như những việc tôi đang làm. Có hiểu rồi mới có thương, có thương rồi mới có chia sẻ, nhưng để hiểu là khó lắm, ngay cả trong chính gia đình mình, doanh nghiệp mình dựng xây lên cũng rất khó, nên người ngoài sẽ càng khó. Nhưng rồi nhờ cuốn sách, ba mẹ, người thân, con cái, và nhân viên tôi đã hiểu, tin yêu và chia sẻ cùng tôi nhiều hơn rất nhiều.
Giờ đây, tôi đã luôn tự hào rằng cuốn sách là món quà đáng trân quý nhất của tôi, đính kèm tấm danh thiếp mỗi khi có bất kỳ cuộc gặp gỡ nào. Ngoài 40 tuổi, cũng đã trải qua nhiều sự kiện, chức vụ, vai trò… nhưng nếu có ai đó hỏi tôi, điều gì làm tôi tự hào nhất, tôi sẽ không mất nhiều thời gian để trả lời rằng đó là cuốn sách Về quê lập nghiệp.
Từ khi có cuốn sách cho riêng mình, hiểu được vai trò cũng như những khó khăn khi tôi cưu mang nó trong lòng, tôi đã thay đổi hoàn toàn thói quen tặng quà, bất cứ khi nào có dịp tặng ai đó một món quà, từ bạn bè đến đối tác thân quý… ưu tiên đầu tiên của tôi là lựa chọn một cuốn sách. Có những cuốn, dù tôi đang đọc dang dở, nhưng cảm được nó thực sự cần cho một người bạn nào đó của tôi, ngay lập tức tôi đặt xe gửi liền cuốn sách ấy đến cho bạn. Có lẽ bạn bè tôi cũng đã quá quen thuộc với thói quen này của tôi rồi.
Tôi đã luôn tự hào rằng cuốn sách là món quà đáng trân quý nhất của tôi dành đính kèm tấm danh thiếp mỗi khi có bất kỳ cuộc gặp gỡ nào. Ngoài 40 tuổi, cũng đã trải qua nhiều sự kiện, chức vụ, vai trò… nhưng nếu có ai đó hỏi tôi, đều gì làm tôi tự hào nhất, tôi sẽ không mất nhiều thời gian để trả lời rằng đó là cuốn sách Về quê lập nghiệp.
Tôi thực sự tin rằng “mỗi một doanh nhân đã là một cuốn sách sống”, và bất kỳ doanh nhân nào cũng có thể có cuốn sách của riêng mình. Thời gian gần đây, doanh nhân Việt Nam viết sách cũng đã bắt đầu phổ biến, trong đó, có một số cuốn sách đã được đón đọc và dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Không gì hơn, là một người may mắn trở thành tác giả, tôi xin được chia sẻ, cầu chúc cho anh chị doanh nhân sớm có cho mình một cuốn sách, dành tặng cho gia đình, cộng sự và những thế hệ tiếp nối.
(*) Sáng lập & Điều hành Công ty Saolatek