Văn hóa đọc

Doanh nhân đọc và viết sách: Bắt đầu từ đâu?

Ý Nhi 14/03/2024 - 12:11

Giá trị lớn hơn sau chương trình “Đọc sách cùng doanh nhân” do Hội Doanh nhân trẻ Đồng Tháp tổ chức ngày 2/3/2024, với phần chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh quốc tế của doanh nhân Phan Minh Thông - Chủ tịch Phúc Sinh Group, còn là câu chuyện viết sách và khơi gợi tinh thần đọc sách của doanh nhân.

36db0349c41d6843310c.jpg
CEO Phan Minh Thông đang ký tặng sách

Từ Chương trình “Đọc sách cùng xích lô” do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chủ trì sáng lập với mục đích phát triển phong trào “khuyến đọc” trong cộng đồng và tinh thần học tập nâng cao kiến thức của người lao động, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 18/1/2024, Hội Doanh nhân trẻ Đồng Tháp đã khởi xướng chương trình “Đọc sách cùng doanh nhân” và chương trình mở đầu vừa được doanh nhân Phan Minh Thông - khách mời diễn giả của chương trình chia sẻ.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan: “Sách là người bạn tốt”. Một khi đã hiểu lợi ích, tác dụng của sách hỗ trợ chúng ta ra sao trong quá trình học tập, đi làm và ứng xử trong đời sống, bạn sẽ tự tìm đến sách và dành thời gian đọc sách như một thói quen bổ ích và lý thú. Đừng đọc sách theo phong trào, đọc cho có đọc mà hãy đọc sách như một nhu cầu tự nhiên, cơ bản không thể thiếu trong cuộc sống”.

Thế nhưng, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, thay đổi, nâng cao văn hóa đọc là việc không hề dễ dàng trong bối cảnh truyền thông đa phương tiện và con người bị chi phối bởi quỹ thời gian cho việc học hành, làm việc sinh kế…. Tuy nhiên, nhu cầu đọc sách của con người vẫn luôn đa dạng.

Tại chương trình “Đọc sách cùng doanh nhân”, ngoài những kinh nghiệm kinh doanh được chia sẻ từ cuốn sách: “Vượt lên, những con đường kinh doanh” do chính mình là tác giả, ông Phan Minh Thông còn chia sẻ “bí quyết” đọc sách, viết sách cho doanh nhân.

Theo ông Phan Minh Thông, nhu cầu đọc sách của nhiều người, nhiều bạn trẻ và doanh nhân chưa bao giờ hết, thậm chí đến thời điểm này, quan sát của CEO Phúc Sinh Group là nhu cầu đọc vẫn cao. Song, quan trọng là người đọc muốn đọc gì và người viết, nhất là doanh nhân viết sẽ viết gì và viết thế nào để đáp ứng nhu cầu người đọc.

Trả lời câu hỏi của nhiều doanh nhân: “Làm thế nào để có thể “kiên nhẫn” đọc một cuốn sách và tập thói quen đọc sách?”. Ông Thông cho rằng: “Nếu bạn cầm một quyển sách và kiên nhẫn đọc qua trang thứ 5 thì có nghĩa bạn sẽ đọc được tiếp nửa cuốn sách. Nếu đọc được nửa cuốn, sẽ đọc hết một cuốn. Để tạo thói quen đọc sách, trước hết, bạn hãy tìm cuốn sách “mình cần”. Ví dụ trước đây, khi phải đi đòi nợ khách hàng quốc tế, tôi đã đến tất cả các cửa hàng sách, tìm những cuốn sách có tình huống tương tự mình đang gặp, hoặc tìm hiểu kiến thức, luật pháp của các nước để tự trang bị thêm kiến thức và tìm cách “đi đòi nợ”. Cũng từ đó, tôi có nhu cầu đọc sách và tìm tòi kiến thức, kinh nghiệm trong sách. Quỹ thời gian của tôi còn dành cho việc tìm sách hay để đọc.

Ông Trần Huy Hiển - Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ Đồng Tháp cũng chia sẻ kinh nghiệm đọc sách: “Sau khi chọn cho mình một cuốn sách cần đọc, tôi đặt cho mình nguyên tắc, mỗi ngày dù bận đến đâu cũng phải đọc hết vài trang sách. Nguyên tắc này được tuân thủ và trở thành thói quen, dần dần tôi thích đọc sách và khám phá rất nhiều bài học, kiến thức thú vị từ sách và cảm nhận được suy nghĩ mình thay đổi theo hướng tích cực hơn”.

Chia sẻ việc viết sách, ông Thông kể: ‘Viết sách thật ra không dễ vì từ điều cảm nhận, suy nghĩ đến viết cho người ta hiểu và thích thú với câu chuyện của mình là rất khó. Có nhiều người có thể nói chuyện hàng giờ nhưng khi ngồi viết thành bài thì khó khăn, vì văn nói và văn viết khác nhau.

Ông Thông tiếp: “Lần đầu viết sách, tôi cũng khó khăn như thế nhưng cứ viết, mạch suy nghĩ của mình thế nào thì viết ra như thế, sau đó, đọc lại, rồi nhờ bạn bè sửa. Lần đầu khó, lần sau dễ hơn và mỗi lần đi đâu, thấy có điều gì hay, tôi đều ghi nhận lại vào cuối ngày. Dần dà, kỹ năng viết tiến bộ hơn và viết cũng dễ hơn. Kinh nghiệm của tôi là khi viết nhiều cũng sẽ trở thành kỹ năng”.

Ngoài ra, cái khó của doanh nhân khi viết sách, viết báo, đó là quỹ thời gian, sau đó là cảm xúc và thông tin. Khi mình quan sát và có nhiều thông tin, việc viết cũng dễ hơn. Quan trọng là phải kiên trì và tập thói quen “nghiêm túc khi viết”. Nghĩa là, việc việc lách cũng phải nghiêm túc có thời hạn và quyết tâm phải hoàn thành như việc thực hiện công việc kinh doanh hàng ngày.

Một “bí quyết” viết sách cũng được ông Thông chia sẻ, đó là cách diễn đạt, câu văn làm thế nào càng giản dị, dễ hiểu, dí dỏm, dễ đọc càng dễ thẩm thấu với người đọc. Sau ngôn từ thì nội dung sách câu chuyện mình kể cũng góp phần thu hút bạn đọc. Đặc biệt là những câu chuyện dù thất bại, gai góc thế nào cũng cho bạn đọc một tinh thần lạc quan và năng lượng tích cực qua cách hành văn và ngôn ngữ thể hiện.

Một giá trị khác của việc doanh nhân viết sách, đó là không chỉ truyền cảm hứng, nguồn năng lượng tích cực cũng như kinh nghiệm cho nhiều người mà qua mỗi câu chuyện ghi lại, hành trình kinh doanh của doanh nhân cũng được nhiều người đồng cảm và thông hiểu. Từ đó, nhiều người cũng yêu thích thương hiệu và có cảm tình với sản phẩm của chính tác giả viết sách.

Trả lời câu hỏi: Doanh nhân viết sách, bắt đầu từ đâu?”, ông Thông chia sẻ ngắn gọn: “Hãy bắt đầu từ sự yêu thích và kiên trì”.

Ngày nay, viết sách với doanh nhân không còn hiếm nhưng để nhiều hơn nữa doanh nhân cùng tham gia đọc sách và viết sách thì vẫn cần nhiều sự lan tỏa từ các chương trình khuyến đọc, khuyến viết trong doanh nhân. Bản thân mỗi doanh nhân cũng phải thấy giá trị trừ công việc mình làm và giá trị từ sách mang lại, như thế, chúng ta sẽ có một đội ngũ doanh nhân giàu kiến thức, kinh nghiệm và tri thức.

Cái khó của doanh nhân viết sách là quỹ thời gian, cảm xúc, cách diễn đạt. Quan trọng là phải kiên trì và tập thói quen nghiêm túc khi viết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nhân đọc và viết sách: Bắt đầu từ đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO