Doanh nhân Sam Nguyễn - Sáng lập quỹ từ thiện The S.A.M Foundation: “Đặt sứ mệnh cống hiến lên trên tiền bạc, cuộc sống sẽ ý nghĩa hơn”
Lý do tôi trò chuyện với doanh nhân Di Ái Hồng Sâm (Sam Nguyễn) vì tình cờ nghe được câu chuyện của chị. Một doanh nhân người Mỹ gốc Việt được hai lần nhận giải thưởng “Thành tựu trọn đời” từ hai tổng thống Mỹ (Barack Obama năm 2015 và Joe Biden năm 2022) cho những cống hiến vì cộng đồng, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh kém may mắn ở Mỹ và đang là người mẹ nuôi của hơn 300 trẻ em Việt Nam. Nhưng ấn tượng hơn là để có ngày hôm nay, chị đã phải nỗ lực và làm việc gấp hai, gấp ba lần người bình thường.
1. Tuổi thơ tôi
Nếu ai đó hỏi tôi về ký ức tuổi thơ, chắc khó để tôi tưởng tượng ra một tuổi thơ đẹp. Vì đó là những năm tháng chị em tôi phải sống trong bầu không khí gia đình ngột ngạt, một cuộc sống mà nhiều lúc tôi luôn tự hỏi: Nên sống hay là chết?
* Và đó là ký ức chị muốn quên?
- Không, ngược lại tôi luôn nhớ về ký ức “tuổi thơ tôi” và giờ đây thầm cám ơn vì nhờ nó, tôi mới là Tôi của ngày hôm nay, mới biết phải vươn lên thế nào, biết chọn con đường để đi và hiểu được giá trị cuộc sống.
Tôi sinh ra tại Huế, trong một gia đình có dòng dõi 13 đời làm nghề Đông y. Ông nội làm trong triều và có đến 7 người vợ. Khi cha tôi vừa tròn 2 tuổi thì mất mẹ và trở nên mồ côi (vì ông nội đi theo vợ mới, bỏ cha không ai chăm sóc). Sống trong môi trường không có tình thương và hà khắc, thường xuyên bị dạy dỗ bằng roi vọt nên cha tôi bị ảnh hưởng tư tưởng phong kiến, khắt khe đến nghiệt ngã.
Nhưng được cái thông minh, học rất giỏi nên khi lên 7 tuổi, trong dòng tộc bắt ông đi học nghề y để nối dòng dõi. 11 tuổi cha đã làm thầy. Cũng vì ông thông minh, có tài nên ông rất hống hách.
Ngược với cha, mẹ tôi là y tá, được giáo dưỡng trong môi trường phương Tây, cực kỳ tiến bộ vì ông ngoại ngày xưa là hiệu trưởng, mẹ được học tiếng Pháp. Hai tư tưởng phong kiến, phương Tây của cha và mẹ khác biệt, chẳng khác nào như nước với lửa. Nhiều lần khổ quá, mẹ chạy về nhà khóc với ông ngoại, nhưng ông lại khuyên: “Con có chồng rất thông minh, dòng họ lại làm nghề y nên con phải có con để nối dòng, nối dõi làm nghề đi cứu người”.
* Với một người mẹ có tư tưởng tiến bộ, chị đã học được gì từ mẹ?
- Ký ức “tuổi thơ tôi” là những ngày tháng ước mơ được nhìn thấy hình ảnh của một người cha thương yêu chăm sóc con cái. Mỗi lần thấy cha đánh mẹ, chị em tôi giận ông lắm. Còn mẹ tôi là một người mẹ tuyệt vời, bà thổi sáo, hát và đánh đàn rất hay. Một phụ nữ có tâm hồn nghệ sĩ, suy nghĩ rất thoáng và rất là yêu đời, lạc quan. Lúc nào mẹ cũng cũng khuyên chị em tôi không được giận hờn với ba. Có lần tôi hỏi: “Sao mẹ lại có thể sống với cha như vậy?”. Mẹ nói: “Nếu bỏ nhau thì thôi, còn ở với nhau thì phải nhịn, nhịn vì không muốn con cái bị đánh chửi”. Và mẹ luôn khuyên chị em tôi: “Ráng đi con. Cuộc đời còn dài, các con phải làm sao để vươn lên. Các con còn có quyền chọn lựa nên muốn làm gì thì cứ làm”.
*Rồi cuộc sống ở Mỹ có thay đổi chút nào không?
- Năm 1993, tôi và gia đình sang Mỹ. Những năm đầu, cuộc sống còn ngột ngạt hơn. Chúng tôi sống ở một tiểu bang nhỏ ở Mỹ, nơi thời tiết cực kì lạnh giá và có rất ít người Việt. Cả nhà chỉ đủ tiền thuê một căn nhà nhỏ có tuổi đời 100 năm và một toilet chung dành cho 8 người, lại kẹt lên kẹt xuống nên cha càng tù túng, bức bối. Căn bệnh “cay nghiệt” của cha càng nặng hơn. Cứ đúng bữa cơm là nghe cha chửi. Mấy chị em đã lớn thường bị cha mắng chửi là “đồ vô dụng, sau này chỉ có cạp đất mà ăn”. Vừa ăn, chị em tôi vừa cúi gằm mặt, ăn vội vàng, dồn dập, cơm chan nước mắt nên đưa nào cũng bị đau bao tử.
Hồi nhỏ chị em tôi giận cha lắm nhưng lớn lên, tôi bắt đầu hiểu, thông cảm và không bao giờ giận hờn, ghét cha vì hiểu rằng, ông là một đứa trẻ mồ côi, lớn lên trong hoàn cảnh bị dì ghẻ đánh đập suốt ngày, ăn toàn thức ăn thừa và bữa cơm nào cũng phải đứng dưới đứng ngó nhìn mâm cơm, nên đó là một căn bệnh, bệnh tâm lý bị dồn nén, ức hiếp từ bé.
* Có lẽ sự hà khắc trong gia đình đã khiến chị trở thành một cô gái mạnh mẽ?
- Tôi cũng không biết mình mạnh mẽ thế nào nhưng có lẽ, cuộc sống bắt mình phải tự thay đổi. Hoặc xấu đi, hoặc tốt hơn. Một phần trong nhà, lúc nào cũng bị nghe nói là “vô dụng”. Phần ra ngoài xã hội thì bị kỳ thị nên có lúc tôi đã có suy nghĩ tiêu cực, chỉ có hai chọn lựa. Một là chết, hai là đi bụi đời chứ không biết làm gì, không biết làm sao để thoát khỏi cảnh này.
Ngày đó, cuộc sống của người Việt khi vừa đặt chân đến Mỹ cực kỳ khó khăn, vừa bất đồng ngôn ngữ vừa không có phương tiện đi lại, chúng tôi chỉ có thể tìm được những công việc lao động chân tay nặng nhọc, dưới ánh nhìn kỳ thị của người bản xứ.
Trong sự cô lập như vậy, đám thanh niên Việt Nam chúng tôi cảm thấy rất hoang mang, lạc lối. Hàng ngày, chứng kiến và trải nghiệm những bất công, thiệt thòi mà người nhập cư phải chịu khi ở một đất nước phát triển, tôi suy nghĩ rất nhiều và thấy không thể trở thành người “vô dụng” hoặc sống tệ hơn. Trong tôi trỗi dậy một mong muốn phải làm gì đó, vươn lên, chứng minh “mình làm được” và từ đó không ngừng cố gắng.
Tôi đã nảy ra ý định thành lập câu lạc bộ Đông Nam Á, tập hợp 5,6 thành viên và hoạt động chủ yếu là hát hò, trò chuyện, chia sẻ cùng nhau. Nhưng chính điều đó đã giúp chúng tôi vượt qua thời thanh niên lành mạnh và trưởng thành hơn.
Cũng từ đó, tôi bỗng nhiên nhận được sự “tín nhiệm” của đám trẻ người Việt cùng bang. Họ coi tôi như một “cái phao” để bấu víu mỗi lúc suy sụp.
* Và đó là lý do chị cùng tác giả Dick Vitale viết cuốn sách “Never Give up”, tạm dịch: “Không bao giờ bỏ cuộc” vừa được xuất bản bên Mỹ. Mục đích cuốn sách này chị mốn nói điều gì?
- Khi tôi viết cuốn sách này mong muốn nói về hành trình vươn lên của mình, tôi nghĩ ngay đến những đứa trẻ đang lớn lên ở khắp mọi nơi, những chặng đường đời đầu tiên chắc hẳn không thể không vấp phải khó khăn. Tôi đã từng gặp những em có cha mẹ không hạnh phúc, sống trong gia đình nhiều xáo trộn nên nhiều em bị khủng hoảng tâm lý, cảm thấy buồn chán và không muốn đi học nữa. Hoặc nhiều người khi phải đối mặt với khó khăn trong cuộc sống thì chỉ biết ngồi than vắn thở dài hoặc phó thác cho cuộc đời đẩy đưa.
Tất cả những gì tôi trải qua, vươn lên, tôi đều viết lại trong cuốn sách. Chỉ là những câu chuyện nỗ lực đi làm kiếm tiền thời sinh viên, làm 2, 3 công việc cùng lúc, làm tất cả mọi việc từ đi ủi đồ thuê, đi chùi nhà, quét dọn, đứng bàn cắt thịt để được hưởng lương cao hơn; chỉ là câu chuyện về sự nỗ lực học, nỗ lực tìm kiếm con đường đi cho mình; nỗ lực thay đổi tư duy và vươn lên… nhưng chính nó đã giúp tôi trở thành một con người khác và sẽ là nguồn cảm hứng cho nhiều trẻ em sau này.
* Nghe nói, chị sắp viết một cuốn sách mới, chủ đề cuốn sách là gì và chị muốn chia sẻ điều gì?
- Tôi đang chuẩn bị ra thêm một cuốn sách viết về khởi nghiệp. Lý do là tôi đi khắp nơi, tất cả bạn trẻ lúc nào cũng hỏi cùng một câu: “Chị ơi, em muốn kinh doanh nhưng không biết làm thế nào để kiếm được nhiều tiền? Hoặc em thích làm cái này, cái kia…”.
Thật ra, kiếm tiền và kinh doanh theo ý thích đều tốt nhưng nếu tất cả các em đều chỉ xem kiếm tiền và làm sao kiếm được rất nhiều tiền và luôn loanh quanh với suy nghĩ, tôi sẽ làm cái này, cái kia vì thích thì chưa ổn. Cho nên, phải định hướng được cái mình muốn nó có thực tế hay không. Kinh doanh không phải là “phiêu” theo cái mình thích.
Trong cuốn sách tôi sẽ giúp cho những người bắt đầu startup hiểu được phải định hướng làm cái gì, từng bước một. Cần biết cái gì làm trước khi mở công ty. Bạn có thể mơ bất cứ cái gì bạn muốn, mơ giấc mơ bạn muốn nhưng muốn đem giấc mơ thành hiện thực thì phải tỉnh táo và thực tế.
* Tức là chị sẽ đem những trải nghiệm của chị?
- Không phải là trải nghiệm mà là kinh nghiệm và có cả những kiến thức tôi đã học và những kinh nghiệm của những khách hàng tôi đã từng cố vấn. Họ đã vấp váp, đã phải trả tiền cho sự vấp váp nhiều năm và đó là bài học cần thiết đêt các starup, đừng mắc phải sai lầm đó.
2. Vươn lên lập nghiệp
Thông thường, tâm lý một đứa trẻ lớn lên trong một môi trường gia đình có bạo lực, hà khắc thì nó sẽ quen với môi trường đó và lâu dần cảm thấy bình thường. Vì thế, tôi bắt đầu đi học tâm lý. Lúc đầu chỉ để có kiến thức nói chuyện và mong muốn thay đổi suy nghĩ của các trẻ em này. Và nếu thích, sẽ chọn nghề này để bắt đầu sự nghiệp.
Thế nhưng sau đó, tôi ngộ ra muốn vươn lên cao hơn, muốn làm được nhiều việc mình mơ ước thì phải học nhiều hơn. Khi học đại học, tôi luôn là học sinh giỏi và được nhận nhiều học bổng. Và tôi muốn tiếp tục học. Tôi học kinh doanh, học bác sĩ chuyên ngành thảo dược, Y học Tự nhiên (Doctor of Naturopathic Medicine), hoàn thành học phần Quản trị Kinh doanh tại Đại học Harvard và Đại học California, Los Angeles.
Tôi biết kiếm tiền từ khi còn rất nhỏ. Có lẽ do “sáng dạ”, nên tôi học lóm rất nhanh. Ví dụ, khi thấy bạn bè cắt tóc về quá xấu, thế là tôi học lóm cô thợ gần nhà và thử cắt cho các anh chị em trong nhà, tình cờ giáo viên tiếng Anh khen tôi khéo tay và hỏi tôi có muốn theo học ngành tóc không? Lúc ấy, tôi không có tiền nên rất rụt rè, nhưng cô ấy bảo sẽ xin được học bổng cho tôi, vậy là tôi trở thành một học viên ngành tóc. Trong một thời gian ngắn, tôi đã đạt được tiêu chuẩn để được tốt nghiệp. Tôi được “ra nghề” sớm, kiếm được tiền sớm.
Với số vốn ít ỏi dành dụm được từ việc làm thuê, tôi đã mở được tiệm tóc nhỏ nhưng rất đông khách bởi tôi làm nhanh hơn, rẻ hơn và phục vụ nhiệt tình hơn các nơi khác. Bằng cách thuê lại những tiệm làm tóc cũ đã đóng cửa rồi sửa sang lại thành tiệm nail, tôi đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Cứ thế tôi nhân rộng mô hình, xây dựng tiệm nail và bán lại để kiếm được rất nhiều tiền nhưng vẫn có nhiều thời gian để hoàn thành chương trình đại học của mình.
* Chuyển hướng sang ngành sản xuất sản phẩm Organic, Vegan cho mỹ phẩm, dược mỹ phẩm và thực phẩm chức năng, phải chăng chọn lựa của chị vì đây là ngành mang lại lợi nhuận nhiều hơn và là xu hướng?
- Thực tế hiện nay, giới trẻ đang gặp rất nhiều vấn đề về sức khoẻ và sự phát triển từ rối loạn nội tiết cho tới dậy thì sớm… tất cả đều liên quan tới thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm chúng đang sử dụng. Xuất phát từ sự lo lắng cho giới trẻ cũng như hơn 300 đứa con nuôi của mình, tôi tự hỏi, tại sao mình không tạo ra những sản phẩm an toàn cho bọn trẻ nói riêng và mọi lứa tuổi nói chung. Gia đình tôi có truyền thống y học phương Đông hơn 13 đời, bản thân tôi đã theo học ngành Doctor of Naturopathic Medicine tại trường Trinity School of Natural Health (Mỹ) và học thêm về việc phát triển kinh doanh và chiến lược tại trường Đại học Harvard. Tôi nghĩ, có thể làm được điều đó và không nghĩ nhiều đến lợi nhuận.
* Nghiệm lại hành trình bản thân, chị rút ra được điều gì?
- Tôi nhận ra, cuộc sống không gì là không thể, chúng ta chỉ cần nói ra điều mình mong muốn, vũ trụ sẽ “hợp lực” giúp đỡ chúng ta, tất nhiên, bản thân chúng ta phải nỗ lực hết mình trước đã. Trong kinh doanh, đôi khi bạn phải đặt sứ mệnh của mình lên trên tiền bạc để cống hiến điều gì đó, khiến cho cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn.
* Trong vai trò làm tư vấn cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam sang Mỹ tìm thị trường, nhưng chị cho rằng, mình là người tư vấn “rất mắc tiền”, vì sao?
- Tôi là một người tư vấn rất mắc tiền. Nhiều người hỏi tại sao tôi tư vấn mắc tiền hơn luật sư. Đơn giản vì tôi tư vấn cho người ta “làm ra tiền” cho nên tôi phải mắc hơn chứ (cười).
Tôi cũng có nguyên tắc, không nhận tư vấn quá nhiều. Chỉ khi cảm thấy mang lại giá trị cho họ thì tôi mới nhận. Tôi tư vấn rất chi tiết từ chiến lược, muốn bán được sản phẩm thì phải làm sao, thậm chí bao bì phải ghi thế nào và quy trình sản xuất phải làm sao để đáp ứng thị trường…
Song, phải thừa nhận là công việc không dễ chút nào vì nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa hiểu hết giá trị của tư vấn và những giá trị mình mang lại. Ví dụ như mình tư vấn mới một phần thì nhiều người đã cho rằng thế là đủ và họ “OK, tôi chỉ trả tiền tới đó được rồi chứ mắc gì tốn thêm tiền”. Nhưng đó là kế hoạch thôi, còn làm khi làm thì còn rất nhiều công đoạn. Ví như, mình nói họ đi đò từ bên đây qua bên kia là sẽ tới nhưng nếu lỡ đò hay nước nó dâng lên thì ứng phó ra sao. Thật ra, việc thực hiện kế hoạch khó hơn là kế hoạch đưa ra. Phải uyển chuyển làm sao để tới nơi nhanh hơn trong vòng 5 phút thay vì 10 phút hay hơn nữa thì nhiều người không nghĩ tới.
3. Người mẹ của 300 đứa con
* Tại sao chị lại nhận nuôi nhiều trẻ em mồ côi vậy?
- Tuổi trẻ khó khăn và cũng từ câu chuyện “mồ côi” của cha, đã khiến tôi hiểu rằng, có rất nhiều thanh thiếu niên mồ côi, bơ vơ, bế tắc và có nhiều bất hạnh khác ngoài kia cần được giúp đỡ. Đó chính là lúc họ đang đứng giữa lằn ranh như tôi ngày xưa: Phải sống thế nào? Sống hay chết? Nỗ lực hay buông xuôi cho số phận?
Và tôi nghĩ, nếu có một bàn tay kéo lại, biết đâu đấy, họ sẽ trở thành một công dân có ích, giỏi giang và cống hiến cho xã hội; nhưng chỉ cần một cái trượt nhẹ nữa, họ cũng có thể sang hẳn ranh giới của bóng tối và không còn cơ hội nào nữa.
Từng trải qua những năm tháng tuổi thơ sống trong sự rầy la, rằng mình là kẻ vô tích sự, không thể làm nên trò trống gì và đã tự vươn lên để có thể tự tin nói rằng “tôi đã làm được”. Vì thế, tôi muốn tạo ra “cú hích” về tinh thần, về động lực hoặc đơn giản là mang đến cho các em một tình thương để các em trở thành người có ích.
Với tôi, những đứa con chính là động lực để tôi cố gắng mỗi ngày, kiếm nhiều tiền hơn để giúp được nhiều người hơn nữa.
* Chị làm gì để có thể dạy nhiều con và quan tâm hết 300 đứa con của mình? Chị có thấy áp lực không?
- Khi làm việc vì trái tim, vì thích và yêu thương thì không có gì là áp lực. Dù ở xa nhưng mỗi ngày, tôi phải lên online, trao đổi với từng đứa, hỏi han, dạy các con kỹ năng sống, dạy các con học, thậm chí dạy từ cái nhỏ nhất như vệ sinh cá nhân, vệ sinh tuổi dậy thì… kể cả tâm tình, trả lời những thắc mắc của các con.
Tuy nhiên, tôi cũng luôn ý thức sâu sắc rằng thời gian và năng lực của mỗi người là có hạn, bởi vậy tôi đã kêu gọi những người đồng hành, chung chí hướng để cùng tôi hành động.
Ngoài ra, còn một sự “hỗ trợ” cực kì đắc lực khác chính là từ những đứa con của tôi. Dù là con nuôi nhưng giữa tôi và những đứa trẻ luôn có một sợi dây liên kết đặc biệt. Chúng hiểu sự vất vả của tôi và rất tự giác trong mọi sinh hoạt riêng của mình. Như những “người lính nhỏ”, bọn trẻ giúp tôi rất nhiều việc trong nhà để tôi có thời gian nghỉ ngơi và thực hiện những dự định của mình.
* The S.A.M Foundation là tổ chức thiện nguyện nhận hỗ trợ những thanh thiếu niên, trẻ em mồ côi, lang thang, cơ nhỡ,… chị có cảm thấy mình đang có một gia đình “phức tạp”?
- Nhìn chung thì rất phức tạp nhưng những việc đó đều là những “phức tạp” nằm trong dự tính và tôi tình nguyện gánh vác. Những đứa trẻ “bụi đời” không được ai dạy dỗ, bạn nghĩ sao khi chúng trở thành con của bạn, sống chung với bạn trong một gia đình? Đó là cả một quá trình mà bạn phải cảm hoá và thay đổi chúng. Và bạn không thể thành công bằng quát mắng hay roi vọt, cứ dành cho chúng thật nhiều tình yêu thương, vì tôi tin rằng, tình yêu là “chìa khoá vạn năng” để mở ra tâm hồn và thay đổi con người.
Tại Việt Nam, tôi còn mở các mô hình kinh doanh để tạo dựng cho những đứa trẻ có nghề nghiệp ổn định. Từ đó, các em sẽ tự hỗ trợ nhau trong tương lai. Các hoạt động kinh doanh đều được thiết lập theo quy chuẩn chất lượng quốc tế. Các bé sẽ được đào tạo, huấn luyện và thực tập từ nhiều cấp bậc để phát triển phù hợp.
Tôi đang định hướng và hướng dẫn chúng theo đuổi đam mê riêng, không cần phải làm việc trong các công ty của tôi tại Việt Nam hay ở Mỹ. Vượt qua mọi rào cản ngôn ngữ, dân tộc hay địa lý,“mẹ Sam” sẽ trao cho các con ngọn lửa ấm áp, soi đường và chữa lành những tổn thương để thế giới này dịu dàng hơn, như chính sứ mệnh, cuộc sống mà tôi đã chọn là cho đi.
* Cám ơn chị về những chia sẻ.
Quan niệm về thành công
Thành công là khi nào mình có thể Satisfied (hài lòng).Khi mình làm điều gì đó từ mong muốn trong tim mà nó hoàn toàn thoải mái. Cảm thấy mình đang sống trọn vẹn với cuộc đời và đó mới là cái quan trọng chứ không phải là tiền.
Thời đại bây giờ, không phải ai có tiền cũng được kính trọng. Cho nên, mình phải sống thế nào, làm được cái gì. Thành công của một người là đi đến đâu, bước tới bất cứ chỗ nào, dù không biết mình là ai nhưng ai cũng thích và yêu thương, sẵn sàng “cởi lòng” ra với mình vì họ tìm thấy sự tin cậy.