Doanh Nhân Sài Gòn và Trường đại học Kinh tế - Luật thắt chặt mối quan hệ
Nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982- 20/11/2024), lãnh đạo Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn đã đến thăm và chúc mừng ban giám hiệu, cán bộ, giảng viên Trường đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM (UEL).
Trong không khí phấn khởi, hân hoan cháo đón Ngày 20/11, tại văn phòng UEL, ban giám hiệu nhà Trường đã có buổi gặp gỡ thân tình với lãnh đạo Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn.
Ông Trần Hoàng - Tổng Biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn đã gửi lời chúc mừng nồng nhiệt đến ban giám hiệu, và đội ngũ giáo viên UEL nhân dịp đặc biệt ý nghĩa này của ngành giáo dục.
Thay mặt nhà trường, PGS. TS. Hoàng Công Gia Khánh - Hiệu trưởng UEL đã bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đến Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn.
Được biết, UEL được thành lập theo Quyết định số 377/QĐ-TTg ngày 24/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ, tiền thân là Khoa Kinh tế, trực thuộc ĐHQG-HCM, được thành lập theo quyết định số 441/QĐ-ĐHQG-TCCB ngày 06/11/2000 của Giám đốc ĐHQG-HCM.
Việc thành lập UEL có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển ĐHQG-HCM, nhằm kiến tạo một trung tâm đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học - công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, đạt trình độ tiên tiến, làm nòng cốt cho hệ thống giáo dục đại học, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và thích ứng với môi trường toàn cầu.
Qua 24 năm phát triển nhanh và bền vững, UEL đã tạo được rất nhiều đột phá và giá trị đặc biệt, mang tầm chiến lược, cung cấp cho xã hội gần 40.000 cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ.
UEL xây dựng được đội ngũ viên chức và người lao động có trình độ chuyên môn cao, nhiều chuyên gia đầu ngành, đáp ứng được yêu cầu đào tạo và nghiên cứu khoa học theo hướng chất lượng cao trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh và luật. Tính đến giữa năm 2024, Trường có 420 nhân sự, trong đó có 243 giảng viên (116 người có trình độ tiến sĩ, giáo sư và phó giáo sư, và hơn 45% nhân sự trong số này được đào tạo sau đại học ở nước ngoài).
Trong tầm nhìn chiến lược, UEL xác định phát triển các chương trình đào tạo có tính kết nối chặt chẽ giữa khối ngành kinh tế, kinh doanh, luật với khối ngành công nghệ nhằm tạo ra giá trị vượt trội cho người học trong nền kinh tế số và trí tuệ nhân tạo.
Tại buổi trao đổi, ông Trần Hoàng cũng chia sẻ thêm về Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can, và một số hoạt động liên quan đến “Tủ sách Doanh nhân” do tạp chí khởi xướng.
Chương trình Tủ sách Doanh nhân không chỉ nhằm vinh danh những cuốn sách xuất sắc của các doanh nhân Việt Nam mà còn là cơ hội để chia sẻ những tri thức giá trị, giúp các doanh nhân, thế hệ trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên tìm được những giải pháp hữu ích cho công việc kinh doanh hiện tại và trong tương lai.
Với nhiệt huyết đó, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn hy vọng UEL có thể đồng hành để mở rộng và đẩy mạnh hoạt động này thông qua việc thiết lập thư viện mở tại trường, để thư viện UEL không chỉ phục vụ cho sinh viên mà còn là nơi giao lưu, phát triển văn hóa đọc cho cộng đồng doanh nhân khu vực xung quanh trường; qua đó mối liên kết giữa doanh nhân với sinh viên sẽ chặt chẽ hơn, tạo cầu nối thúc đẩy cho các dự án sáng tạo, khởi nghiệp.
Đồng quan điểm với việc đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc, trường UEL nhất trí sẽ thắt chặt hợp tác hơn nữa với Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn trong thời gian tới đây thông qua những dự án cụ thể.
Bức tranh thư pháp cách ngôn: “Danh dự: Mất danh dự mà được lợi ích thì vẫn là tổn thất”.
Câu này là cách ngôn số XLII (62) trong sách Kim cổ cách ngôn của Lương Văn Can (1925). Nguyên văn của câu này là: "Thất danh dự nhi đắc lợi ích, do tổn thất dã".
Lương Văn Can thích nghĩa: "Danh dự quý hơn lợi ích, nếu mất danh dự mà được lợi ích thời cũng là tổn mất vậy". TS. Lý Tùng Hiếu diễn đạt lại theo tiếng Việt ngày nay: "Mất danh dự mà được lợi ích thì vẫn là tổn thất" (Lương Văn Can, 2020, Thương học phương Châm & Kim cổ cách ngôn, trang 191).
TS. Lý Tùng Hiếu chú giải và diễn đạt cách ngôn này như sau: Trong giao thiệp hoặc kinh doanh, người ta thường đặt mục tiêu thu về những lợi ích nào đó, chẳng hạn một lợi ích riêng hoặc tiền lãi. Đổi lại, người ta cũng phải tạo ra những lợi ích thoả đáng cho đồng sự, đối tác, khách hàng, và không được thất tín. Những người như vậy sẽ tự tạo cho mình “danh dự”, tức là tiếng tốt.
Trong kinh doanh thời trước, những nhà buôn hoặc cửa hàng có tiếng tăm, được tín nhiệm, được gọi là “thương dự”. Tuy nhiên, vẫn có những người tham lợi, tham lời, vứt bỏ liêm sỉ, bất cần chữ tín, bán rẻ danh dự để giành lấy được lợi ích riêng. Họ thường đắc chí khi lừa gạt, lừa đảo thành công, không biết rằng danh dự đã mất thì họ cũng đã mất hết sự tín nhiệm, sự tôn trọng của đồng sự, đối tác, khách hàng, và sẽ mất luôn những lợi ích ở tương lai vì không còn ai tin tưởng nữa.
Nhằm lan toả triết lý “đạo làm giàu” của Lương Văn Can, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với Câu lạc bộ Nghệ nhân Thư pháp Việt tiếp tục thực hiện 10 bức thư pháp “cách ngôn” được trích trong sách Kim cổ cách ngôn và Thương học phương châm của cụ Can như là một lời tri ân, nhắc nhớ các doanh nhân về lời dạy của cụ Lương Văn Can.