Doanh Nhân Sài Gòn thăm và chúc mừng Trường UEF nhân Ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam
Nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982- 20/11/2024), ngày 19/11, Lãnh đạo Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn đã đến thăm và chúc mừng ban giám hiệu, cán bộ, giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF).
Gặp mặt thân tình ở văn phòng UEF, Tổng biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn Trần Hoàng gửi lời chúc mừng đến lãnh đạo, ban giám hiệu, cán bộ, giảng viên UEF nhân dịp đặc biệt ý nghĩa này.
Được biết, để đảm bảo yếu tố đầu ra chất lượng đòi hỏi đội ngũ giảng viên của UEF phải được chọn lọc theo các chuẩn mực, gồm: tâm huyết, giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm thực tế, nhuần nhuyễn trong phương pháp, thân thiện và gần gũi với sinh viên. Trong quá trình giảng dạy, đội ngũ giảng viên UEF không ngừng nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức, phương pháp giảng dạy hiện đại nhằm đáp ứng và bắt kịp xu hướng giáo dục tiên tiến thế giới.
Môi trường làm việc năng động và đậm tính nhân văn tại UEF là động lực quan trọng để các thầy cô ở đây tận tâm dìu dắt sinh viên trưởng thành và phát triển.
Thầy Đỗ Quốc Anh - Phó chủ tịch Hội đồng Trường UEF cho biết, với mục tiêu nhất quán, UEF hướng tới tiêu chuẩn giáo dục đại học kết hợp tinh hoa giáo dục đại học quốc tế, đào tạo chuyên sâu về kinh tế tài chính, đáp ứng nhu cầu chất lượng nguồn nhân lực ngày càng cao của xã hội.
UEF đã được Tổ chức kiểm định giáo dục toàn cầu Quacquareli Symonds (QS) có trụ sở tại Anh Quốc kiểm định lại sau 3 năm, và trường tiếp tục đạt Chứng nhận quốc tế (chu kỳ 2)- QS Stars 4 sao; Đặc biệt, UEF đạt 5 sao ở một số tiêu chí như chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất đào tạo, cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên, quản trị tốt.
Tại buổi trao đổi, ông Trần Hoàng cũng chia sẻ thêm về "Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can", và một số hoạt động liên quan đến “Tủ sách Doanh nhân” do tạp chí khởi xướng.
Chương trình Tủ sách doanh nhân không chỉ nhằm vinh danh những cuốn sách xuất sắc của các doanh nhân Việt Nam mà còn là cơ hội để chia sẻ những tri thức giá trị, giúp các doanh nhân, thế hệ trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên tìm được những giải pháp hữu ích cho công việc kinh doanh hiện tại và trong tương lai. Với mục tiêu đó, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn hy vọng UEF có thể đồng hành để mở rộng và đẩy mạnh hoạt động này.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Đỗ Quốc Anh cho rằng, hai bên có thể nghĩ đến ý tưởng phối hợp để thiết lập tủ sách doanh nhân tại Hội Doanh nghiệp quận Bình Thạnh, để các doanh nhân có thể đến đọc sách, tặng sách, và trao đổi sách.
Với thế mạnh và nền tảng sẵn có, đại diện hai bên nhất trí sẽ thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác trong tương lai thông qua các dự án gắn liền với doanh nghiệp, doanh nhân, và đặc biệt là trong công tác đào tạo sinh viên trong lĩnh vực truyền thông, khởi nghiệp.
Bức tranh thư pháp cách ngôn: “Chân thực là căn bản của mọi sự, là yếu tố lớn lao làm nên tài sức".
Câu này là cách ngôn số 94, trang 33, sách Kim cổ cách ngôn (1925) của Lương Văn Can, đã được TS. Lý Tùng Hiếu chú giải và giới thiệu diễn đạt lại.
Nguyên văn của cách ngôn này: “Chân thực vạn sự chi căn bản, vi nhất thiết tài lực tối đại chi yếu tố”.
Lương Văn Can thích nghĩa: “Chân thực là cỗi gốc muôn việc, là yếu tố bao nhiêu tài lực rất lớn”.
TS. Lý Tùng Hiếu chú giải và diễn đạt cách ngôn này như sau: Chân thực là bày tỏ ra ngoài đúng như suy nghĩ trong lòng. Tài lực là tài năng và sức lực. Chân thực là căn bản của mọi sự, là yếu tố lớn lao làm nên tài sức, bởi vì chân thực tạo ra uy tín, và uy tín tạo ra thế mạnh vô hình nhưng hữu hiệu cho người kinh doanh.
Khi theo đuổi nghề nghiệp kinh doanh, người chân thực sẽ dần dần tạo được lòng tin nơi đồng nghiệp, khách hàng, cấp trên, đối tác. Mọi người, cho dù trọng thị hay đố kỵ, cũng yên tâm rằng người chân thực sẽ làm đúng như đã nói, và nói đúng như đã nghĩ. Có được lòng tin nơi người khác thì người kinh doanh mới có thể được giao phó tài sản, vốn liếng, con người, dự án để phát triển kinh doanh.
Nhằm lan toả triết lý “đạo làm giàu” của Lương Văn Can, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với Câu lạc bộ Nghệ nhân Thư pháp Việt tiếp tục thực hiện 10 bức thư pháp “cách ngôn” được trích trong sách Kim cổ cách ngôn và Thương học phương châm của cụ Can như là một lời tri ân, nhắc nhớ các doanh nhân về lời dạy của cụ Lương Văn Can.