Chi phí sản xuất sợi ở Trung Quốc đang ở mức cao nên nhiều doanh nghiệp nước này đang chọn cách xuất khẩu bông sang Việt Nam sau đó nhập sợi về.
Ngành công nghiệp dệt may của Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ với kim ngạch xuất khẩu trong năm nay ước đạt 28 tỷ USD.
Đi kèm với sự phát triển này là nhu cầu về nguyên liệu thô tăng cao hơn. Văn phòng của Bộ Nông nghiệp của Mỹ (USDA) tại Hà Nội đưa ra con số ước tính rằng lượng bông mà Việt Nam cần nhập khẩu trong năm 2015 - 2016 là 1,17 triệu tấn, mức cao kỷ lục từ trước tới nay.
Con số này cao hơn 0,22 triệu tấn so với năm ngoái, và cao hơn 0,11 triệu tấn so với dự báo của USDA.
Cách đây 10 năm, Việt Nam chỉ nhập khẩu chưa tới 160.000 tấn bông. Giờ đây, Việt Nam có thể gia nhập câu lạc bộ những nước nhập khẩu trên 1,1 triệu tấn bông mỗi năm, bên cạnh Bangladesh và Trung Quốc .
Báo cáo của USDA cho thấy lượng tiêu thụ bông tại Việt Nam đang ngày một tăng cao, để đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu của ngành công nghiệp may mặc đang ngày một phát triển trong thời gian tới.
Trong lĩnh vực sợi, số lượng cuộn sợi (spindles) đã tăng 24% trong 3 năm qua, lên mức hiện tại là 6,3 triệu cuộn. Trong năm 2016 - 2017, con số này được dự báo tăng hơn 30% lên 8,2 triệu cuộn.
Trong đó, nhu cầu về nguyên liệu sợi của các nhà sản xuất hàng dệt may và may mặc nội địa cũng tăng lên mức cao kỷ lục. Tính trong 10 tháng đầu năm, lượng vốn đầu tư vào ngành này đã đạt khoảng 2 tỷ USD.
Thêm vào đó, nhu cầu về sợi ở nước ngoài đang tăng lên, nhất là ở Trung Quốc. Trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu qua Trung Quốc 370.200 tấn sợi tổng hợp, tăng 34% so với năm ngoái và chiếm tới 52% tổng số kiện hàng xuất khẩu qua nước này.
Mặc dù Trung Quốc đã cải cách chính sách trợ cấp cho ngành trồng bông của nước này, tuy nhiên giá bông tại đây vẫn còn rất cao. Do đó, các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn thích nhập khẩu các cuộn sợi hơn.
Theo đó, nếu đi nhập khẩu sợi từ bên ngoài mỗi doanh nghiệp có thể tiết kiệm được 22 USD / tấn so với dùng bông trong nước.
Dự kiến trong năm nay, lượng sợi xuất khẩu của Việt Nam sẽ đạt mức cao kỷ lục là 950.000 tấn trong năm 2015, tăng 10,7% so với năm 2014.
Ngoài ra, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng sẽ là một nhân tố tích cực để thúc đẩy ngành công nghiệp dệt may tại Việt Nam phát triển hơn nữa, và khiến cho nhu cầu về bông theo đó cũng tăng lên.
>5 tháng đầu 2015, ngành dệt may chi 712 triệu USD nhập khẩu bông
>TPP tác động ra sao đến ngành dệt may Việt Nam?
>Ngành dệt may: Cân nhắc "yếu tố Trung Quốc"