Vị thế

Doanh nghiệp dân tộc và khát vọng cường thịnh

Hồ Anh Tuấn (*) 09/02/2024 09:00

Để đất nước ngày càng phát triển, đòi hỏi cộng đồng doanh nghiệp nước nhà phấn đấu hơn nữa, tiếp tục là “mũi nhọn xung kích” trên mặt trận kinh tế. Để làm được điều này, việc khơi dậy tinh thần dân tộc cũng như xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh là quan trọng.

567657.jpg
Các tỷ phú Việt Nam trên sàn chứng khoán.

Một trong những thành tựu nổi bật nhất trong mấy chục năm đổi mới vừa qua, đặc biệt là trong những năm gần đây chính là sự trưởng thành nhanh chóng của đội ngũ doanh nhân, lực lượng doanh nghiệp. Đó là “nguồn lực lớn” đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội, tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Ở góc độ địa phương, TP.HCM là một trong những điển hình, là dải đất để doanh nghiệp vươn mình lớn mạnh. Vốn là đầu tàu kinh tế của cả nước, TP.HCM đang tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cả nước. Trên mảnh đất này, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã hình thành và khẳng định thương hiệu không chỉ ở thị trường trong nước mà còn gây tiếng vang với thị trường thế giới, như: Vinamilk, Masan, Xây dựng Hòa Bình, Đất Xanh Group, Him Lam, Sacombank…

Nghị quyết 98 thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV cho phép TP.HCM thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển kinh tế. Nghị quyết cho phép TP.HCM sắp xếp lại bộ máy hành chính phù hợp với thực tiễn, huy động nguồn lực và phát huy truyền thống sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó, ngày 10/10/2023, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW về xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân thời kỳ mới.

Đây được coi là điểm tựa phát triển doanh nghiệp, doanh nhân, là chủ trương, quyết sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp nước nhà vươn lên trong quá trình hội nhập với nền kinh tế thế giới.

Thực tế đã chứng minh, có nhiều yếu tố giúp nền kinh tế tăng trưởng, như năng lực lãnh đạo của bộ máy nhà nước, chính sách quốc gia, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp… Tuy nhiên, trong những yếu tố giúp nền kinh tế tăng trưởng không thể không kể đến tinh thần dân tộc của doanh nhân, doanh nghiệp, hay nói cách khác là không thể coi nhẹ sức mạnh, tầm ảnh hưởng của doanh nghiệp dân tộc.

Doanh nghiệp dân tộc có thể hiểu là doanh nghiệp được chèo lái bởi doanh nhân có tâm, tài, trí, có khát vọng chinh phục thị trường. Họ và doanh nghiệp của họ là nguồn cảm hứng cho việc khởi nghiệp kinh doanh của thế hệ trẻ. Họ có tác động và đóng góp lớn vào việc xây dựng đất nước, nâng tầm thương hiệu quốc gia. Họ là những doanh nhân có tinh thần yêu nước, khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, có trách nhiệm xã hội, đạo đức và văn hóa kinh doanh. Họ tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động, thúc đẩy năng lực cạnh tranh, phát triển sản phẩm mới làm hài lòng khách hàng.

Để hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, đòi hỏi doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam có tinh thần dân tộc, dám nghĩ dám làm, có tư duy đổi mới, ham học hỏi để ngày càng đưa doanh nghiệp vươn xa trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Trên thế giới, đã có một số thương hiệu mang tầm quốc gia ở Mỹ, Nhật, Hàn Quốc bị mai một hoặc biến mất. Từ đó cho thấy, doanh nghiệp dân tộc có vai trò rất lớn nhưng cũng phải chịu áp lực không nhỏ với vị thế của mình.

Muốn trường tồn, không bị đào thải thì doanh nghiệp dân tộc và những thương hiệu quốc gia phải liên tục “làm mới”, lựa chọn chiến lược kinh doanh phù hợp, giữ gìn chất lượng sản phẩm, dịch vụ và uy tín trong mắt đối tác, khách hàng. Nhìn ra thế giới có thể thấy, nhiều tập đoàn nổi tiếng, vốn là biểu tượng của nước Mỹ, Nhật Bản hay Hàn Quốc khi đưa sản phẩm ra thị trường toàn cầu, nếu phát hiện ra lỗi hoặc bị người tiêu dùng phản hồi có lỗi thì ngay lập tức họ tiến hành thu hồi sản phẩm đó để giữ gìn uy tín và tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra.

Việt Nam đã có những doanh nghiệp vươn mình ra ngoài lãnh thổ và khẳng định được vị thế cũng như uy tín, như: Vinamilk, Viettel, Vingroup, FPT… nhưng để “sánh vai” với các cường quốc thì cần nhiều hơn nữa những thương hiệu lớn. Và bên cạnh chiến lược phù hợp, nguồn vốn, trình độ nhân lực, trình độ quản lý thì văn hóa doanh nghiệp được xem là một trong những yếu tố then chốt để tạo nên doanh nghiệp có thương hiệu toàn cầu, góp phần để đất nước ngày một hưng thịnh.

Sở dĩ Đảng và Nhà nước coi giải pháp xây dựng “Văn hóa doanh nghiệp trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội”, bởi văn hóa doanh nghiệp có mạnh thì doanh nghiệp mới mạnh và phát triển bền vững. Doanh nghiệp muốn tăng cường khả năng cạnh tranh, muốn phát triển bền vững, được khách hàng và đối tác nhớ đến thì cần phải xây dựng được văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh có bản sắc riêng. Đó phải là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nhưng cũng phù hợp với thông lệ quốc tế và văn hóa kinh doanh toàn cầu.

Như vậy, nếu biết cách nắm bắt thời cơ, có khát vọng chung tay phát triển đất nước thịnh vượng và lấy văn hóa doanh nghiệp làm nòng cốt để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh thì doanh nghiệp không chỉ phát triển ổn định mà còn tạo nên những bước đột phá…

(*) Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp dân tộc và khát vọng cường thịnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO