Theo đánh giá của HoREA, dù thị trường bất động sản sau dịch Covid-19 đã phục hồi và tăng trưởng trở lại nhưng khó khăn vẫn đang “bủa vây” từ chủ đầu tư đến người mua nhà và nhà đầu tư thứ cấp. Ảnh minh họa |
Theo đánh giá của HoREA, dù thị trường bất động sản sau dịch Covid-19 đã phục hồi và tăng trưởng trở lại nhưng vẫn chưa thật sự an toàn, lành mạnh và bền vững; khó khăn vẫn đang “bủa vây” từ chủ đầu tư dự án bất động sản (BĐS) đến người mua nhà và nhà đầu tư thứ cấp, khi họ rất khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng và nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Cụ thể, HoREA cho biết hiện nay các nhà đầu tư BĐS nếu được vay thì phải chịu lãi suất cao hơn trước đây. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp BĐS cũng ngày càng khó tiếp cận được thị trường vốn trái phiếu doanh nghiệp (do một phần tác động của Nghị định 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022) và khó huy động vốn ứng trước của khách hàng do giao dịch sụt giảm dẫn đến “rủi ro” bị mất thanh khoản.
Để giải “cơn khát” thiếu vốn, Chủ tịch HoREA mong rằng Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ nới trần (nới room) tín dụng thêm khoảng từ 1-2% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng 100.000 – 200.000 tỷ đồng mới vực dậy thị trường BĐS trong giai đoạn cao điểm cuối năm.
Bên cạnh đó, ông Châu cũng cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần điều chỉnh Văn bản số 437/TTGSNH-TTr1 ngày 25/4/2022 của Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, tạo điều kiện cho nhóm đối tượng này được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án BĐS, khu đô thị, nhà ở thương mại, khu du lịch nghỉ dưỡng, khu công nghiệp, văn phòng cho thuê… của các chủ đầu tư có uy tín thương hiệu và đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, nhất là các dự án nhà ở giá vừa túi tiền và các dự án nhà ở xã hội.
Cũng theo ông Châu, Ngân hàng Nhà nước nên sửa đổi Thông tư số 20/2021/TT-NHNN, cho phép các tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chỉ định (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agrikbank) cho cá nhân, hộ gia đình vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội.