Điện ảnh Hàn nhìn ra thế giới

Minh Nguyễn| 26/06/2019 03:00

Cành Cọ Vàng cho 'Parasite' của đạo diễn Bong Joon-ho tại Liên hoan Phim (LHP) Cannes 2019 không chỉ là chiến thắng của riêng vị đạo diễn này mà còn được xem là “thành tựu quốc gia” đối với nền điện ảnh Hàn Quốc vừa tròn 100 năm với những bước phát triển vượt bậc, mạnh mẽ.

Điện ảnh Hàn nhìn ra thế giới

Khi bước ra thế giới đầu những năm 2000, điện ảnh Hàn khiến giới chuyên môn và khán giả mê phim ảnh ngỡ ngàng và gần như che bóng điện ảnh Hồng Kông, Đài Loan, vươn lên ngang tầm Trung Quốc, Nhật Bản.

Những cái tên đáng ngưỡng mộ 

Bong Joon-ho là một trong những biên kịch, đạo diễn nổi bật nhất trong gần hai thập kỷ phát triển gần đây của điện ảnh Hàn, bên cạnh những cái tên như Park Chan Wook, Lee Chang Dong, Hong Sang Soo hay Kim Ki Duk. Cùng nhau, họ tạo nên diện mạo riêng biệt cho điện ảnh Hàn, đưa điện ảnh nước này chinh phục các LHP phim quốc tế - điều mà vào đầu thập niên 1990, khi chính phủ bắt tay vào cải tổ diện mạo điện ảnh, rất ít người dám hình dung.

Bong Joon-ho không định vị tên ông gắn liền với bất kỳ thể loại phim nào. Ông có thể làm phim trinh thám, phim về một con quái vật hoặc kể một câu chuyện giả tưởng. Ông mượn lớp vỏ đó để phơi bày các vấn đề xã hội, những mặt tối của con người. Bong nhìn chúng bằng cái nhìn giễu nhại, đau đớn từ Barking dogs never bite (2000), Memories of murder (2003) cho đến The Host (2006), The Mother (2009), hay Okja (2017). Parasite (tựa Việt: Ký sinh trùng) - phim mới nhất của Bong đã bán bản quyền cho 192 nước và nhận vô số lời khen ngợi.

phim-han-01-8883-1561520867.jpg

Thierry Fremaux - Giám đốc sáng tạo của Cannes đã phải thốt lên: 'Burning là một tuyệt phẩm vĩ đại, phi thường và mạnh mẽ; là tác phẩm điện ảnh xuất sắc, tin tưởng vào trí tuệ của khán giả, một sản phẩm sáng tạo đậm chất thơ và bí ẩn". Đầu năm 2019, tờ New York Times đã bình chọn diễn viên Yoo Ah In (trái) là một trong 12 diễn viên xuất sắc nhất thế giới trong năm 2018.

Trong khi đó, những bộ phim của Park Chan Wook kết hợp giữa kiểu hài đen, hội họa, bạo lực, đi sâu vào thế giới bản năng của con người. Ông được thế giới biết đến với bộ ba phim trả thù, sinh tồn kinh điển, gồm Sympathy for Mr. Vengeance (2002), Oldboy (2004) và Lady Vengeance (2005) - bộ phim đã mang về cho Park giải “Sư tử vàng” tại LHP Venice. Quentin Tarantino coi vị đạo diễn đến từ châu Á là một trong những nhà làm phim yêu thích của ông còn Spike Lee thì dành sự ngưỡng mộ đặc biệt cho Oldboy. Cuốn phim này đã được Hollywood mua bản quyền và làm lại vào năm 2013. Năm 2018, Park khiến người yêu điện ảnh sững sờ, bởi lần này ông trình làng tác phẩm The Handmaiden đầy nhục cảm và chất thơ. Bộ phim trở thành một hiện tượng, cụm rạp Yongsan CGV tại một trung tâm thương mại sầm uất nhất Seoul đã dành riêng một rạp để vinh danh ông.

Lee Chang Dong vốn là một giáo viên ngữ văn, sau đó chuyển sang viết tiểu thuyết và kịch bản. Ông chỉ trở thành đạo diễn khi bước sang tuổi 43 và có 6 bộ phim tính đến năm 2018, gồm Green Fish (1997), Peppermint Candy (1999), Oasis (2002), Secret Sunshine (2007), Poetry (2010) - từng giành giải “Kịch bản xuất sắc nhất” tại LHP Cannes 2010 và Burning (2018) lọt vào top 9 phim nước ngoài hay nhất Oscar 2018. Phim của Lee Chang Dong giản dị, xoay quanh những con người nhỏ bé đứng bên lề xã hội hoặc bị trói buộc trong những bi kịch. Burning có cốt truyện ly kỳ dựa trên truyện ngắn Barn Burning, kể chuyện người trẻ Hàn đối mặt với tình trạng thất nghiệp ngày càng tăng cao và sự phân hóa sâu sắc giàu nghèo.

phim-han-02-7748-1561520868.jpg

Righ Now, Wrong Then - cuốn phim chậm rãi và đẹp lạ lùng của đạo diễn Hong Sang Soo với nàng thơ Kim Min Hee

Với đại đa số người Hàn, Hong Sang Soo có thể bị bỏ quên bởi lùm xùm tình cảm của ông với nữ diễn viên Kim Min Hee nhưng với giới làm phim Hàn Quốc và thế giới, Hong là cái tên đáng nể trọng. Phim của ông mang phong cách đủng đỉnh, nhẹ nhàng, kể những câu chuyện rất thơ quanh tình yêu trai gái, pha lẫn bầu không khí nghệ thuật của chính nhân vật. Ông là đạo diễn Hàn duy nhất có 8 lần đề cử từ Cannes cho cả Cành cọ vàng lẫn UnCertain Regard và có số lượng phim nhiều nhất với 23 phim, trong đó nhiều phim có tiếng vang như Hahaha (2010), The Day He Arrives (2011), The Day After (2017), On  Hotel By The River (2019)...

Hollywood tìm đến hợp tác

Năm 1999 trở thành cột mốc của điện ảnh Hàn với sự ra đời của Shiri (đạo diễn Kang Je Gyu) khi doanh thu phòng vé trong nước đạt 60 triệu USD, với 6,5 triệu lượt xem, vượt cả siêu phẩm Titanic hai năm trước đó với 4,3 triệu lượt. Shiri là bộ phim đắt nhất thời điểm đó của Hàn Quốc với kinh phí 8,5 triệu USD (phần lớn do Samsung tài trợ). Kỷ lục về lượng khán giả xem phim liên tục bị phá vỡ khiến nhiều quốc gia ngưỡng mộ (tăng đều từ 40% doanh thu phim nội địa vào năm 1999 lên 65% vào năm 2006). Bước sang thế kỷ XXI, điện ảnh Hàn chiếm lĩnh thị trường trong nước với hàng loạt phim vượt mốc 10 triệu lượt xem. Hiện tại trong nước, điện ảnh Hàn có khoảng 10 phim trên 15 triệu lượt xem, 20 phim trên 10 triệu lượt xem và hơn 100 phim hút 4 triệu khán giả trở lên.

phim-han-04-6407-1561520868.jpg

Lady Vengeance - cuốn phim mang màu sắc đặc trưng của Park Chan Wook nằm trong trilogy phim trả thù

Hollywood có thể loại phim nào, Hàn Quốc có thể loại ấy, song họ vẫn có những sáng tạo riêng với những tác phẩm giàu tính bản địa mà vẫn hợp gu quốc tế, từ tâm lý gia đình, hành động, trộm cắp, giả tưởng, kinh dị mang yếu tố giải trí cao cho đến những phim sử thi, khai thác lịch sử, văn hóa, đánh vào lòng tự hào dân tộc như: Ode to My Father, Miracle in Cell No.7, I Saw the Devil, The Admiral: Roaring Current...

Nguyên nhân chính cho sự phát triển này là do kịch bản phim hấp dẫn, thể hiện rất rõ cách nhìn, cách suy nghĩ của người Hàn, từ nỗi đau, sự hài hước, cách dùng khẩu ngữ, điệu bộ, ngôn ngữ mẹ đẻ cho đến ẩm thực, văn hóa - những vấn đề người Hàn quan tâm. Các vấn đề nóng của xã hội như tham nhũng, hối lộ, phe phái để thao túng kinh tế, lừa mị dân, các vấn đề về tình dục, bạo lực, tội phạm... đều được thẳng thắn phơi bày trên phim.

phim-han-03-4423-1561520868.jpg

A Tale of Two Sisters - bản gốc Hàn và bản Mỹ remake

Chính sự cởi mở đó đã mang đến cho điện ảnh Hàn sự mới mẻ, lạ lẫm - điều mà những nền điện ảnh lâu năm như Hollywood rất cần vì thiếu sức sống và cạn ý tưởng sáng tạo. Đó cũng là lý do, bên cạnh những tác phẩm lãng mạn, gia đình của Hàn được các quốc gia châu Á mua bản quyền remake, trong đó có Việt Nam thì Hollywood cũng rất tích cực “săn” các phim độc đáo như A Tale of Two Sisters, Il Mare, Into the Mirror, Addicted... gần đây có Extreme Job; The Cop, the Gangster and the Devil... Các đạo diễn hàng đầu Hàn Quốc như Bong Joon Ho, Park Chan Wook hay Kim Jee Woon... cũng được Hollywood chiêu mộ thực hiện những bộ phim nói tiếng Anh và chiếu toàn cầu.

Hiện nay, các nhà làm phim nhiều sức ảnh hưởng tại Hàn đang vận động ngành điện ảnh và chính phủ dành sự quan tâm nhiều hơn đến những “sân chơi nhỏ”, các đạo diễn độc lập nhằm thúc đẩy sự đa dạng hơn nữa cho điện ảnh nước này. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Điện ảnh Hàn nhìn ra thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO