Thời sự

Điểm nghẽn còn, vốn không thông

Hưng Cao - Ý Nhi 10/04/2024 12:22

Dù vốn ngân hàng dồi dào, lãi suất đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua nhưng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp (DN) vẫn chưa được khơi thông.

Vốn ngân hàng “chưa thông”

Ông Nguyễn Đình Tuệ - Giám đốc Trung tâm dịch vụ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết: “Hai tháng đầu năm 2024 tình hình xuất khẩu đang có dấu hiệu khởi sắc, ngành du lịch và một số ngành tăng trưởng. Tuy nhiên, khi khảo sát DN và ngân hàng, chúng tôi thường nhận câu trả lời là khát vốn, khó tiếp cận vốn, trong khi ngân hàng đã rất nỗ lực tiếp cận doanh nghiệp”.

Ngày 5/4, tại Hội thảo “Khơi thông nguồn vốn ra thị trường” do Báo Tuổi Trẻ tổ chức, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định: “Về lãi suất cho vay, hiện nay mặt bằng chung của toàn hệ thống đã ở mức rất thấp. Đến nay, lãi suất bình quân huy động và cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới lần lượt ở mức 3,1%/năm và 6,5%/năm, giảm tương ứng khoảng 0,4%/năm và 0,6%/năm so với cuối năm 2023. Qua đó, hoạt động sản xuất kinh doanh đã dần phục hồi. Hệ thống ngân hàng cũng đã tập trung tháo gỡ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và hợp tác xã.

Song thực tế, theo bà Tô Thị Tường Lan - Phó tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), qua một khảo sát nhanh, đến 80% các DN trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu thủy sản tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long cho rằng họ khó tiếp cận vốn vay, thậm chí không hề biết đến thông tin về các gói vốn vay ưu đãi, đặc biệt là gói 15 ngàn tỷ trong chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản của Ngân hàng Nhà nước. Một số DN có chiến lược tốt, có lịch sử tài chính tốt, nhất là có mối quan hệ tốt với ngân hàng thì ngân hàng vẫn sẵn sàng cho vay.

Qua tìm hiểu được biết, hiện rất nhiều các ngân hàng như HDBank, Techcombank, ACB… đều áp dụng lãi suất cho vay đã giảm nhiều và các gói tín dụng lãi suất thấp được tung ra liên tục, rất nhiều ưu đãi dành cho các DN, đặc biệt là khối DN vừa và nhỏ (SMEs). Tuy nhiên, theo bà Lan, hiện nay DN SMEs đang phải vay với mức lãi suất phổ biến là 6-7%, còn với DN nhỏ, không có tài sản thế chấp thì phải vay với lãi suất 8-8,5%, và đây là mức lãi suất chưa được như “kỳ vọng”. Từ thực tế trên, bà Lan đề xuất các ngân hàng xem xét hạ lãi suất đối với vay USD với mức dưới 4% và đề xuất các ngân hàng phổ biến công khai các gói vay ưu đãi để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận.

doanh-nghiep-con-nhieu-kho-khan-khi-tiep-can-von-ngan-hang.-nguon-internet(1).jpg
Doanh nghiệp còn nhiều khó khăn khi tiếp cận vốn ngân hàng

Điểm nghẽn ở đâu?

Điểm nghẽn đầu tiên vẫn là câu chuyện thế chấp tài sản. Với DN bất động sản, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho rằng, DN hiện nay không còn tài sản thế chấp đủ pháp lý để mang ra vay vốn, trong khi đó các ngân hàng thương mại đều yêu cầu phải có tài sản đảm bảo. Thêm vào đó, nhiều DN vẫn không tiếp cận được vốn vì định giá tài sản đất nông nghiệp rất thấp, tài sản đất thuê hàng năm cũng không thế chấp được, các tài sản khác bị định giá xuống khi lạm phát gia tăng.

Đặc biệt, đối với gói tín dụng 125 ngàn tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội, người mua chưa tiếp cận được gói này do thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, thiếu người vay nên ngân hàng chưa giải ngân. “Gói tín dụng này chưa đủ hấp dẫn do còn rủi ro khi lãi suất tăng 6 tháng/ lần”, ông Châu nói thêm.

Ngoài khó khăn về tài sản đảm bảo, điểm nghẽn đến từ phía DN là việc hạch toán chưa minh bạch, quản trị còn yếu kém… cũng là điểm khó để ngân hàng có thể yên tâm “xuất tiền”. Với nhóm 20 DN xuất khẩu thủy sản hàng đầu có nhu cầu vay USD, bà Lan cho biết cũng đang “dè chừng”, vì sự biến động của tỷ giá đang gây bất lợi cho DN. Nguyên nhân nữa do tác động thị trường khiến DN không có đơn hàng, các thị trường chính cũng đều suy giảm đơn hàng nên ngại vay vốn. Đơn cử, ngành thủy sản luôn có doanh số xuất khẩu lớn, song năm 2023 đã sụt giảm nặng nề, chưa đạt 9 tỉ USD, giảm gần 20%.

Điểm nghẽn thứ ba là nhu cầu vay vốn chưa có nhiều cải thiện. Ông Nguyễn Đình Tuệ - Giám đốc Trung tâm dịch vụ Hỗ trợ DN SMEs cho biết, hiện nay khó khăn lớn nhất của các DN là tiêu thụ sản phẩm hàng hóa khá chậm. Nhiều DN phải thu hẹp sản xuất, giảm quy mô kinh doanh. Do vậy, nhu cầu vay vốn ngân hàng cũng giảm theo.

Theo ông Tuệ, hai tháng đầu năm 2024 tình hình xuất khẩu đang có dấu hiệu khởi sắc. Các ngành như ngành du lịch và một số ngành bán lẻ có tốc độ tăng trưởng khá. Tuy nhiên, nhiều DN, nhiều ngành hàng vẫn chưa có nhu cầu vay vốn, ngay cả khi lãi suất cho vay đã được các ngân hàng áp dụng ở mức thấp và niêm yết công khai.

Điểm nghẽn thứ tư là thủ tục kìm hãm nhu cầu vay. Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho biết: “Các ngân hàng đang muốn cho DN vay, thậm chí “năn nỉ” cho vay nhưng DN lại đặt vấn đề “vay để làm gì”. Chẳng hạn, DN muốn vay xây nhà máy, nhưng các thủ tục về đất đai chưa giải quyết xong cũng rất khó để đi vay vốn”.

Thực tế, nhu cầu vay vốn đầu tư của DN là có nhưng gặp vướng về các thủ tục đầu tư, đặc biệt pháp lý liên quan đến đất đai như phê duyệt phương án sử dụng đất, ký các hợp đồng thuê đất, thậm chí có DN đã nộp tiền sử dụng đất rồi nhưng không ra được sổ đỏ, như vậy không thể mang đi thế chấp cho ngân hàng. Vì thế cần tập trung giải quyết các pháp lý về đất, giúp DN ký các hợp đồng thuê đất để DN có cơ sở pháp lý để xin phép xây dựng, triển khai dự án và điều này giúp dòng vốn chảy vào các dự án.

Giải pháp “khơi thông” vốn

Theo PGS-TS. Phạm Thị Thanh Xuân - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Công nghệ Ngân hàng - Trường Đại học Kinh tế Luật, nhìn nhận khách quan rằng, lãi suất trên thị trường đã thấp nhưng cần duy trì trong thời gian đủ dài để có thể thẩm thấu vào nền kinh tế.

Để giải quyết các “điểm nghẽn” và chia sẻ khó khăn với các DN, ông Tuệ kiến nghị cần tăng cường các giải pháp kích cầu tiêu dùng, kích cầu đầu tư, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và hỗ trợ DN xúc tiến thương mại. Nhà nước nên tiếp tục chính sách giảm 2% thuế VAT được kéo dài thay vì kết thúc vào ngày 30/6 tới.

Thêm vào đó, các ngân hàng xem xét hạ lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ, giảm sự chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Nếu được, ngân hàng cần xem xét tăng tỷ lệ thế chấp các tài sản, thực hiện mở rộng cho vay theo hợp đồng, với các tài sản và quyền tài sản hình thành trong tương lai.

Còn với các DN bất động sản, ông Châu đề xuất giải pháp hữu hiệu nhất là các chính sách “phi tín dụng”, tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, giúp cho DN tiếp cận được nguồn tín dụng. “Điều này sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng tiêu dùng bất động sản, tạo điều kiện tiếp cận tín dụng cho người mua nhà ở thương mại với giá vừa túi tiền”, ông Châu nói.

khong-co-don-hang-doang-nghiep-cung...-ngai-vay-von.jpg
Không có đơn hàng, doang nghiệp cũng... ngại vay vốn

Đặc biệt, để các gói vay vốn đến gần hơn với các DN, nhất là nhóm DN SMEs. Các hội DN, câu lạc bộ cần là cầu nối, ghi nhận thông tin, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc trong quan hệ doanh nghiệp - ngân hàng. Bà Lan cũng đề xuất giải pháp rà soát lại các DN đã vay vốn để biết họ có khó khăn gì, quá trình sử dụng vốn ra sao, nếu DN nào có tình hình kinh doanh ổn định trong 2 năm liền lại tiếp tục được tiếp cận nguồn vốn với cách thức dễ dàng hơn.

Phía DN, bà Trần Thị Thuỳ Trang - Phó chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân kết nối và hội nhập quốc tế (GBI) cho rằng, tự thân các DN SMEs cũng cần chủ động tháo gỡ các “điểm nghẽn” thông qua việc thuê công ty tư vấn, kế toán để lành mạnh hóa tài chính, thuận tiện hơn trong quá trình vay. DN cần tự mình nâng cao vị thế để “tự tin” trả lời các câu hỏi của ngân hàng khi quyết định cấp vốn: “DN sử dụng vốn ra sao? DN làm gì để hoàn lại vốn?”

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú thông tin, các gói 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, gói 30 nghìn tỷ đồng cho vay thủy sản, lâm nghiệp… sớm được đưa ra, vừa khuyến khích, vừa tạo động lực, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02. Ngân hàng Nhà nước cũng đã trình Chính phủ gia hạn Thông tư 02 thêm 6 tháng nữa thay vì kết thúc vào ngày 30/6 tới.

Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tập trung tháo gỡ cho DN SMEs và hợp tác xã. Đây là hai loại hình kinh tế rất chính yếu cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cũng ứng dụng các công nghệ để có thể hỗ trợ hoạt động tín dụng, đặc biệt là quy trình định giá tài sản đảm bảo và hoàn tất thủ tục cho vay, tạo điều kiện thuận lợi và nhanh chóng cho DN.

DN kiến nghị các ngân hàng nên tiếp tục hạ lãi suất cho vay. Lợi ích của việc duy trì lãi suất cho vay thấp sẽ kích thích ý định đầu tư và tiêu dùng từ tương lai về hiện tại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Điểm nghẽn còn, vốn không thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO