Kinh doanh

VASEP đề xuất giảm điều kiện đầu tư kinh doanh với dịch vụ đánh giá tiêu chuẩn, kỹ thuật

Nguyễn An 02/04/2024 15:58

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) vừa gửi công văn tới các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Tư pháp, Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục Hành chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư về góp ý Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (Dự thảo).

Cụ thể, VASEP cho biết, tại các nước phát triển như EU, Mỹ, Nhật... các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đã được xây dựng và áp dụng rộng rãi. Các sản phẩm, lĩnh vực được áp dụng các tiêu chuẩn này đều bảo đảm nghiêm ngặt về chất lượng và được sự công nhận của nhiều quốc gia cũng như người tiêu dùng.

Chính vì thế, việc thừa nhận, công nhận các tiêu chuẩn, quy chuẩn từ các nước tiên tiến hơn không chỉ bảo đảm tuân thủ tiêu chí chất lượng và còn có thể nâng cao hơn chất lượng của các sản phẩm khi được áp dụng các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật này.

image001-0913091020240119175805.jpg

Do đó, VASEP đề xuất Dự thảo có quy định rõ việc thừa nhận, công nhận các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật từ các nước tiên tiến, phát triển hơn. Các tổ chức, cá nhân có thể áp dụng các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật nước ngoài cho sản phẩm, dịch vụ của mình.

Bên cạnh đó, cần có quy định rõ về các nguyên tắc, tiêu chí, thủ tục và trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc công nhận, thừa nhận và áp dụng các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật nước ngoài.

Đối với các doanh nghiệp thực sự muốn cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm thì họ sẽ tự nguyện xây dựng tiêu chuẩn cơ sở với các nội dung yêu cầu cao và quảng bá tiêu chuẩn đó đến với khách hàng để khách hàng ưu tiên lựa chọn. Còn các doanh nghiệp thực hiện đối phó thì việc bắt buộc có tiêu chuẩn không mang lại ý nghĩa gì.

Vì vậy, VASEP đề xuất bổ sung thêm vào Dự thảo một số quy định sau:

Thứ nhất, xác định rõ tính tự nguyện của tiêu chuẩn kỹ thuật. Tức là chỉ tự nguyện về mặt nội dung, lựa chọn tiêu chuẩn nào hay bao gồm cả sự tự nguyện (hoặc sự bắt buộc) phải có ít nhất một tiêu chuẩn áp dụng.

Thứ hai, trong trường hợp bắt buộc phải có tiêu chuẩn, cần quy định về tiêu chí và thẩm quyền lựa chọn các loại hàng hoá, dịch vụ thuộc diện phải có tiêu chuẩn.

Thứ ba, nếu luật hoá việc bắt buộc phải có tiêu chuẩn thì cần cân nhắc việc ban hành hoặc tập hợp danh mục các loại hàng hoá, dịch vụ thuộc diện buộc phải có tiêu chuẩn để doanh nghiệp tiện tra cứu và thực thi.

Về bảo đảm mức độ tin cậy của dịch vụ đánh giá sự phù hợp, VASEP cho biết, thời gian qua, theo phản ánh của một số doanh nghiệp, mức độ tin cậy của một số đơn vị đánh giá sự phù hợp của Việt Nam chưa cao. Tình trạng cố tình “du di” để có kết quả đánh giá tốt hơn theo yêu cầu của khách hàng vẫn còn diễn ra ở một số nơi.

Điều này khiến cho các kết quả giám định, chứng nhận này bị người tiêu dùng trong nước và nước ngoài nghi ngờ. Từ đó dẫn đến nhiều tác động tiêu cực như hàng hoá của Việt Nam khó xuất khẩu hơn, các doanh nghiệp trung thực không thể cạnh tranh được với các đối thủ gian dối.

Ngoài ra, VASEP cũng đề xuất cần xem xét giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh đối với dịch vụ này, như các yêu cầu về máy móc, thiết bị, số lượng, kinh nghiệm của nhân sự. Song song đó, cần đơn giản hoá thủ tục hành chính để cung cấp dịch vụ theo hướng doanh nghiệp tự khai báo, tự chịu trách nhiệm khi cung cấp dịch vụ mới, tương tự như đã quy định trong lĩnh vực đo lường.

Cùng với đó, xem xét bổ sung thêm quy định: các cơ quan nhà nước không được từ chối chỉ định đơn vị đánh giá sự phù hợp đủ năng lực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
VASEP đề xuất giảm điều kiện đầu tư kinh doanh với dịch vụ đánh giá tiêu chuẩn, kỹ thuật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO