Trong ngày 30/4, Chủ tịch UBND TP.HCM có mặt tại trụ sở và chào hỏi, trò chuyện, chụp ảnh lưu niệm với khách tham quan |
Tháng 8/2015, tôi đến Paris (Pháp) đúng vào thời gian nghỉ Hè, thành phố vắng người Paris nhưng du khách thì đông đúc, nhộn nhịp từ sáng đến khuya. Một lần đi ngang qua tòa thị chính thành phố, tôi thấy hàng dài người xếp hàng lần lượt vào trong. Tôi hỏi anh bạn: Công chức nghỉ nhiều nên dân phải xếp hàng chờ giải quyết công việc hả anh? Không, khách xếp hàng vào tham quan công trình di sản văn hóa đấy! Vào mùa Hè, tòa thị chính và nhiều công sở, kể cả bảo tàng, có một số ngày mở cửa đón du khách miễn phí.
Đấy là lần đầu tôi biết đến việc tại nhiều thành phố ở châu Âu, các công sở là công trình di sản đều có những ngày mở cửa đón dân chúng, du khách vào tham quan, thụ hưởng giá trị của công trình di sản mà hiện nay chính quyền đang sử dụng để làm việc hằng ngày.
Gần đây, tại Việt Nam, nhân Ngày Di sản châu Âu, vào hôm 17/9/2022, công chúng TP.HCM cũng đã có dịp tham quan Dinh Tổng Lãnh sự Pháp tại TP.HCM, là một công trình được xây dựng cách đây 150 năm.
Chương trình này trước đó từng được triển khai (cũng vào dịp Ngày Di sản châu Âu tháng 9 hằng năm), nhưng phải hoãn trong giai đoạn các năm 2020 và 2021 vì dịch Covid-19. Từ lúc đó, giới nghiên cứu kiến trúc, lịch sử, di sản văn hóa đã đề nghị, trước mắt, vào Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11 hằng năm, những công sở là công trình di sản ở các thành phố, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM nên mở cửa cho du khách tham quan. Sau đó có thể định kỳ mở cửa hằng tuần, hằng tháng... nhằm biến những công sở "kín cổng cao tường" thành điểm đến thân thiện bổ ích trong các tour du lịch thành phố. Tuy nhiên, điều này cũng vấp phải một số ý kiến khác, chủ yếu về việc bảo vệ an ninh cho công sở.
Mãi cho đến tháng 4/2023, trong hai ngày 29/4 và 30/4 vừa qua, việc công chúng được tham quan di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia - trụ sở HĐND và UBND TP.HCM, một trong những công sở quan trọng nhất của TP.HCM, mới trở thành hiện thực. Đây là chương trình do UBND TP.HCM chủ trì tổ chức nhằm chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước.
Tại TP.HCM, các công trình xây dựng thời Pháp có quy mô lớn, chất lượng sử dụng còn tốt và hiện nay còn khoảng 30 công trình. Công trình trụ sở HĐND và UBND TP.HCM được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, cùng với các công trình khác như Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP.HCM (Bến Nhà Rồng); Tòa án Nhân dân Thành phố; Nhà hát TP.HCM; Bảo tàng TP.HCM và Bảo tàng Lịch sử TP.HCM. Ngoài ra, trên địa bàn TP.HCM còn các công trình khác được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố...
Về cơ bản, cho đến nay, những công trình này không biến đổi về kiến trúc nhưng cảnh quan và quy mô khuôn viên bao quanh các công trình đã có thay đổi so với trước đây. Khu vực quận 1 tập trung nhiều công trình tiêu biểu cho các loại hình công sở, tôn giáo, biệt thự, thương mại dịch vụ... hợp thành hệ thống di sản đô thị phản ánh quy hoạch, kiến trúc và văn hóa của đô thị Sài Gòn - TP.HCM từ giữa thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX. Đây chính là "khu vực di sản" mà ở các nước trên thế giới, khu vực này thường được bảo tồn nghiêm ngặt vì chứa đựng những đặc trưng cơ bản của đô thị.
Phần lớn công trình kiến trúc tiêu biểu ở đây có niên đại trên dưới 150 năm, đến nay đã trở thành biểu tượng của đô thị Sài Gòn - TP.HCM, như công trình trụ sở HĐND và UBND TP.HCM (trước kia là Tòa thị chính hay Dinh Xã Tây), Thương xá Tax (nay đã không còn) hay chợ Bến Thành... Tính biểu tượng của di sản đô thị không phải chỉ từ giá trị lịch sử hay kiến trúc nghệ thuật, mà quan trọng nhất là ký ức về di sản ấy được lưu truyền qua nhiều thế hệ cư dân Sài Gòn - TP.HCM và du khách. Tính biểu tượng quan trọng vì đã lưu giữ cho thành phố những dấu tích lịch sử và văn hóa, giúp người dân hiểu biết hơn về nơi mình đang làm ăn sinh sống. Từ đó có tình yêu với thành phố - nơi mà những người "tứ xứ" gặp nhau.
Đồng thời, di sản đô thị là nguồn vốn xã hội đóng góp vào phát triển kinh tế từ việc khai thác kinh tế di sản, từ các ngành công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, "lợi nhuận" có được từ nguồn vốn di sản, từ kinh tế di sản không thể xem là "tiền tươi thóc thật, ngay và luôn" như các ngành kinh tế - dịch vụ khác. "Lợi nhuận" từ di sản quan trọng nhất chính là giá trị tinh thần mà cộng đồng và du khách có được từ sự thụ hưởng, trải nghiệm những di sản văn hóa ấy. Thông qua sự trải nghiệm này, tri thức về lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, kiến trúc... được lan tỏa, góp phần nâng cao dân trí, bồi đắp cho cuộc sống tinh thần ngày càng phong phú.
Trong nhiều năm gần đây, tình trạng "hiện đại hóa" khu trung tâm - vùng di sản của thành phố đã làm biến dạng và phá hủy nhiều công trình di sản, thì việc mở rộng cửa các công trình di sản quan trọng cho người dân tiếp cận đã thể hiện quan điểm mới của chính quyền thành phố về bảo tồn di sản đô thị, đó là sự tôn trọng di sản, xem di sản là của/thuộc về cộng đồng dân cư. Từ đó, di sản được phát huy giá trị một cách tích cực nhờ cộng đồng và vì cộng đồng. Có thể xem đây là một tín hiệu tích cực đối với công cuộc bảo tồn di sản đô thị hướng đến phát triển bền vững ở TP.HCM.