Một số ưu tiên cải cách mà các nhà làm chính sách có thể lựa chọn

TS. VÕ TRÍ THÀNH| 21/01/2019 00:00

Nghị quyết 02 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, ban hành ngày 1/1/2019 với nội dung chủ yếu là tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh thông thoáng, cạnh tranh bình đẳng.

Một số ưu tiên cải cách mà các nhà làm chính sách có thể lựa chọn

Tinh thần của Nghị quyết này không mới, được kế thừa Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng đặt ra những mục tiêu cụ thể hơn, so sánh được chuẩn mực và thông lệ của thế giới. Quá trình thực hiện Nghị quyết 19 hằng năm, từ 2014 đến nay đã đạt được một số kết quả, nhưng môi trường kinh doanh vẫn có những tồn tại nhất định, thậm chí có những điều còn xa mới đạt mức trung bình ASEAN 4.

Biểu hiện rõ nhất là những mục tiêu so với thông lệ của ASEAN về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh vẫn chưa đạt được sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 19. Trong báo cáo "Môi trường kinh doanh 2019: Đào tạo để cải cách" của Ngân hàng Thế giới (WB), trong số 190 nền kinh tế được khảo sát, Việt Nam xếp thứ 69 về môi trường kinh doanh.

Nghị quyết 02 chỉ ra những điểm quan trọng.

Một là, ở giai đoạn Việt Nam thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, sự tương tác giữa đáp ứng các FTA với cải thiện môi trường kinh doanh rõ hơn. Đó vừa là mong muốn, vừa là áp lực, vừa là đòi hỏi cải cách trong khi đang có những hạn chế về nguồn lực.

Hai là, đi sâu hơn vào những vấn đề cần cải cách. Nếu nhìn vào các chỉ số của môi trường kinh doanh, Việt Nam đang ở thứ hạng thấp.

Nó liên quan đến việc làm ăn của doanh nghiệp. Trước đây, nước ta chú trọng vào vấn đề gia nhập thị trường và điều kiện kinh doanh, đó là những điểm tốt cần tiếp tục cải cách. Nhưng rất nhiều vấn đề liên quan đến quá trình kinh doanh của nước ta vẫn rất yếu.

Cạnh đó, Việt Nam bị coi là một nước rất yếu về thực thi các hợp đồng kinh doanh. Hằng năm, nước ta vẫn đưa ra những con số doanh nghiệp ngừng hoạt động, đóng cửa và phá sản theo nhiều cách khác nhau.

Nhưng đến nay, vẫn chưa có những nghiên cứu sâu về việc doanh nghiệp ngừng hoạt động hay những lý giải vì sao doanh nghiệp phá sản.

Nghị quyết 02 đã chú trọng hơn đến những phản biện từ thị trường, từ doanh nghiệp. Thậm chí giao Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam giám sát quá trình phản biện, không chỉ trên giấy, trên cảm nhận, mà phải rất thực tế.

Thực hiện Nghị quyết 02 là không dễ khi đang có ba cách nhìn để chọn ra những điểm cần ưu tiên.

Thứ nhất, chọn vấn đề cần ưu tiên để cải cách. Ví dụ, ưu tiên cắt giảm điều kiện kinh doanh chẳng hạn.

Thứ hai, nhìn nhận những phản hồi của doanh nghiệp, xác định điểm nghẽn, vướng mắc của doanh nghiệp đang gặp phải.

Thứ ba, chuẩn bị để đáp ứng những đòi hỏi mới trong bối cảnh Việt Nam tham gia vào các FTA thế hệ mới, những vấn đề sáng tạo, công nghệ và tiếp cận nguồn lực là quan trọng nhất. 

Nghị quyết 02 đề cập nhiều đến yếu tố thực chất, nhưng quan trọng hơn, cải cách phải nhằm vào những vấn đề bức xúc gắn với ưu tiên để cải thiện. Bởi vì không ưu tiên vẫn có thể mang lại thực chất, nhưng tác động cải cách đem lại sẽ không lớn.

Một ưu tiên mà các nhà làm chính sách có thể lựa chọn để tập trung cải cách, đó là vấn đề quyền sở hữu và quyền tài sản - những vấn đề liên quan đến đất đai, tài sản và Luật Cạnh tranh.

"Báo cáo Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới, nhận định, quyền tài sản của chúng ta còn rất yếu. Quá trình chuyển đổi ở Việt Nam từ nền kinh tế kế hoạch hóa sang kinh tế thị trường về bản chất là mở rộng cơ hội kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp.

Nước ta đã làm tương đối tốt ở góc độ tạo cơ hội cho người dân qua việc mở cửa thị trường và hội nhập nhưng về nâng cao năng lực tận dụng cơ hội của doanh nghiệp lại chưa tốt, do có những yếu kém về thể chế. Việt Nam đã tham gia nhiều FTA và muốn có kinh tế thị trường đúng nghĩa thì quyền sở hữu tài sản phải rất rõ ràng.

(TS. VÕ TRÍ THÀNH - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh - NGUYỄN HOÀNG ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Một số ưu tiên cải cách mà các nhà làm chính sách có thể lựa chọn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO