Diễn đàn

Hiểu rõ vị thế để nâng cao năng lực cạnh tranh

Nguyễn Quốc Kỳ (*) 26/07/2024 13:10

Lần đầu tiên, “Báo cáo Năng lực cạnh tranh doanh nghiệp cấp tỉnh 2024” được Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn công bố. Ở góc độ doanh nghiệp (DN), tôi cho đây là bước đi cần thiết giúp DN có thêm góc nhìn, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của năng lực cạnh tranh trong cộng đồng DN và cho cả chính quyền địa phương.

Chỉ số năng lực cạnh tranh doanh nghiệp: Cần

Đánh giá năng lực cạnh tranh của DN không chỉ giúp DN duy trì và nâng cao vị thế của mình trên thị trường mà còn là cơ sở để đưa ra các quyết định chiến lược đảm bảo sự phát triển bền vững và thành công lâu dài cho DN.

Việc đánh giá năng lực cạnh tranh sẽ giúp DN xác định những điểm mạnh và điểm yếu của chính mình, hiểu rõ vị thế của DN trên thị trường so với các đối thủ cạnh tranh khác. Ngoài ra, các DN có thể đánh giá, phát hiện các cơ hội và thách thức, qua đó xác định được chiến lược phù hợp về giá cả sản phẩm và tiếp thị, giúp DN tăng cường hiệu quả sử dụng các nguồn lực như: Nhân lực, tài chính, công nghệ… Giúp DN nâng cao khả năng đổi mới và sáng tạo, nhận diện các cơ hội đổi mới để luôn dẫn đầu thị trường.

Việc đánh giá cũng giúp DN linh hoạt hơn trong việc điều chỉnh chiến lược để thích ứng với môi trường kinh doanh luôn thay đổi. Hơn hết, các nhà đầu tư thường quan tâm đến khả năng cạnh tranh của DN trước khi quyết định đầu tư. Một DN có năng lực cạnh tranh mạnh mẽ sẽ thu hút được nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư.

Qua đánh giá cũng tạo cơ hội cho các DN và các cụm ngành kết nối, xây dựng mối quan hệ hợp tác và tận dụng lợi thế của nhau, giúp thúc đẩy sự phát triển chung của cả địa phương.

6546565.jpg

Doanh nghiệp TP.HCM còn hạn chế

DN TP.HCM có nhiều điểm mạnh và tiềm năng phát triển. Về vị trí địa lý, TP.HCM là cửa ngõ kết nối khu vực Đông Nam bộ, miền Trung, miền Bắc với vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. TP.HCM tiếp giáp với vùng biển phía Đông, có cảng biển lớn và nằm gần các tuyến đường hàng không và hàng hải quốc tế. Nền kinh tế của Thành phố năng động và có tiềm năng phát triển rất lớn. Năm 2023, Thành phố đóng góp hơn 16% GDP của quốc gia. TP.HCM cũng có đông dân cư, thu nhập bình quân đầu người cao và thị trường tiêu dùng rộng lớn. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho các DN phát triển.

Bên cạnh đó, Thành phố có tiềm lực dồi dào về nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao, trình độ học vấn và kỹ năng cao. Đây cũng là nơi tập trung nhiều trường đại học và cao đẳng uy tín, đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cho các DN. Môi trường đầu tư thông thoáng và sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương cũng góp phần tích cực cho các DN phát triển.

Tuy nhiên, các DN cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức như chi phí mặt bằng, nhân công, nguyên vật liệu cao, khiến nhiều doanh nghiệp e ngại trong việc so sánh khả năng cạnh tranh. Mặc dù có nguồn nhân lực dồi dào nhưng Thành phố vẫn thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong một số ngành nghề. Môi trường kinh doanh tại TP.HCM cũng gặp nhiều bất cập, như thủ tục hành chính rườm rà, hệ thống luật pháp chưa đồng bộ, hạ tầng giao thông quá tải, nhiều dự án bị đình trệ, bỏ dở thi công, điều này phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của DN.

Đồng thời bản thân DN vẫn còn những hạn chế như sức cạnh tranh của nhiều DN nội địa còn yếu so với các DN nước ngoài, một số DN chưa có chiến lược phát triển dài hạn rõ ràng và thiếu khả năng quản trị, chưa thích ứng được với những thay đổi của môi trường kinh doanh và biến động kinh tế toàn cầu. Thêm vào đó, mức độ hợp tác giữa các DN trong ngành hoặc cụm ngành cũng còn hạn chế dẫn đến việc không tận dụng được lợi thế của sự liên kết ngành. Một số doanh nghiệp vẫn còn thiếu sự đổi mới và sáng tạo, chưa tận dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên sẵn có.

Lý giải điều này, phần nhiều là vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Dịch bệnh làm gián đoạn chuỗi cung ứng, thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, khiến chi phí sản xuất tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất của DN. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng giảm do người dân thắt chặt chi tiêu khiến doanh thu và lợi nhuận sụt giảm. Nhiều DN buộc phải tái cấu trúc hoặc thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, thậm chí đóng cửa, như số liệu chúng ta đã biết.

Gần đây, do ảnh hưởng của biến động kinh tế chính trị thế giới căng thẳng, chiến tranh thương mại giữa các quốc gia lớn cũng ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của DN, từ đó ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của DN. Biến động giá cả nguyên vật liệu, tỷ giá hối đoái cũng biến động khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều thử thách và rủi ro. Chi phí hoạt động, nhân công, nguyên liệu, vận chuyển… đều cao, gây áp lực lớn lên chi phí hoạt động của DN. Bên cạnh đó, nhiều lĩnh vực tại TP.HCM có dấu hiệu bão hòa với sự hiện diện của nhiều DN trong cùng một ngành, dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt và khó khăn trong việc giành thị phần.

code-tai-sach-pbcf.jpg
Bạn đọc quét mã để tải "Báo cáo Năng lực cạnh tranh doanh nghiệp TP.HCM năm 2023"

(*) Chủ tịch HĐQT Công ty CP Du lịch và Tiếp thị GTVT Việt Nam - Vietravel, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hiểu rõ vị thế để nâng cao năng lực cạnh tranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO