EVFTA - cơ hội để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh

TRẦN TOÀN THẮNG - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (HẢI VÂN ghi)| 15/03/2017 06:24

Việc thực hiện EVFTA tạo ra môi trường cạnh tranh hơn khi buộc doanh nghiệp trong nước phải cải thiện khả năng cạnh tranh.

EVFTA - cơ hội để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh

Môi trường kinh doanh của Việt Nam đang chứng kiến sự thay đổi đáng kể, dù năm 2016 vẫn nằm trong nửa cuối của bảng xếp hạng, từ 98 xuống 99 trên 189 quốc gia.  

Đọc E-paper

Mặc dù có nhiều nỗ lực cải cách thủ tục hải quan, tạo thuận lợi cho thương mại theo Nghị quyết 19 của Chính phủ các năm 2014, 2015 và 2016, nhưng sự hỗ trợ trong thương mại đã không được cải thiện nhiều. Các doanh nghiệp không chỉ phải trả chi phí chính thức mà còn phải trả chi phí không chính thức.

Việt Nam có khá đầy đủ các quy định pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn kỹ thuật để bảo vệ sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn này không cao như EU.

Trong một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực như thủy sản, giày dép, may mặc nói chung đã đáp ứng tiêu chuẩn của Hiệp định Về hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT), Hiệp định Về việc áp dụng các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhưng vẫn có hành vi vi phạm các tiêu chuẩn này nên nhiều lô hàng thực phẩm bị từ chối nhập khẩu vào EU.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm khác, hầu hết các nhà sản xuất ở Việt Nam chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn của Hiệp định SPS và TBT. Đây sẽ là thách thức lớn đối với doanh nghiệp khi muốn khai thác thị trường EU sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực.

Một cuộc khảo sát của nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy, có tới 82% doanh nghiệp biết đến sự tồn tại của hiệp định này, nhưng hầu hết trong số họ không có sự hiểu biết sâu sắc về EVFTA. Cụ thể, trong số các doanh nghiệp biết về EVFTA, có tới 69% nói rằng "có nghe nói", 26% cho rằng "có kiến thức sơ đẳng", 5% khẳng định "có kiến thức chuyên sâu".

Kết quả khảo sát cho thấy một thực tế không gây ngạc nhiên nhưng thật đáng lo ngại: phần lớn doanh nghiệp đã không có bất cứ hành động nào để sẵn sàng cho EVFTA nói riêng và trong các FTA tương lai nói chung, trong khi đã có gần 40% doanh nghiệp đã có giao dịch với EU.

>>EVFTA tác động thế nào đến kinh tế Việt Nam

Những khó khăn chính mà doanh nghiệp gặp phải khi giao dịch với EU là chất lượng hàng hóa, thiết kế và đóng gói, cũng như thiếu thông tin về thị trường. Có thể thấy, hầu hết các vấn đề lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay phải đối mặt trong việc giao dịch với các đối tác EU sẽ không được giải quyết trong EVFTA, chỉ các vấn đề liên quan đến TBT, SPS có thể sẽ được cải thiện phần nào, nhưng cải thiện chủ yếu lại về thủ tục giải quyết khiếu nại, không phải về nội dung của tiêu chuẩn hoặc quyền ban hành các quy định về hàng rào kỹ thuật, kiểm dịch động thực vật. Vì vậy, ký kết EVFTA, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ vẫn phải đối mặt với những vấn đề ấy.

Đánh giá của chính doanh nghiệp về lợi thế cạnh tranh tại thị trường EU là ở mức trung bình về chất lượng dịch vụ, giá cả, khả năng huy động vốn, nhân lực chuyên ngành. Tuy nhiên, có đến 90% các công ty hy vọng khả năng cạnh tranh của họ sẽ được cải thiện sau khi Việt Nam ký EVFTA và khoảng 67% cho rằng môi trường kinh doanh sẽ tốt hơn, đặc biệt là do cải cách thể chế và điều chỉnh chính sách.

Mặc dù có độ lạc quan cao, 78% doanh nghiệp cho rằng cần các biện pháp hỗ trợ cụ thể từ Nhà nước để tận dụng tốt nhất cơ hội và vượt qua thách thức từ EVFTA, 72% cho rằng Nhà nước cần có một cơ quan chịu trách nhiệm hướng dẫn, giải thích, tư vấn cho doanh nghiệp về EVFTA, 63% nhấn mạnh sự cần thiết phải có một cơ quan cung cấp thông tin về EVFTA mà doanh nghiệp cần.

Số lượng doanh nghiệp tuyên bố sẽ tự chuẩn bị và không mong đợi hỗ trợ từ Nhà nước là rất nhỏ, chỉ 5%. Tỷ lệ doanh nghiệp không cần chuẩn bị và cũng không cần Nhà nước hỗ trợ ít hơn 1%.

EVFTA không có chương riêng về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Nhưng việc thực hiện các cam kết trong thúc đẩy thương mại, thủ tục hải quan, thủ tục phi thuế quan, lao động có thể gián tiếp giúp Việt Nam cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, các ngành kinh tế nói chung thông qua 3 nội dung.

Thứ nhất, EVFTA thúc đẩy năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam bằng cách cung cấp nhiều cơ hội để mở rộng thị trường. Thứ hai, EVFTA sẽ giúp thúc đẩy các dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam. Thứ ba, EVFTA buộc Việt Nam cải thiện tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, tiếp nhận nguồn cung đầu vào giá thấp hơn từ EU, do đó chất lượng sản phẩm sẽ được cải thiện.

Việc thực hiện EVFTA cũng tạo ra môi trường cạnh tranh hơn khi buộc doanh nghiệp trong nước phải cải thiện khả năng cạnh tranh. Việc thực hiện EVFTA cũng giúp Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường, giúp doanh nghiệp Việt Nam tránh các thủ tục và chi phí không cần thiết khi liên quan đến các trường hợp chống bán phá giá.

>>Nâng cao năng lực cạnh tranh: Chọn cách tiếp cận nào?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
EVFTA - cơ hội để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO