DN Việt trong chuỗi cung ứng sản phẩm công nghệ cao

VÂN KHÁNH thực hiện| 22/09/2016 06:26

Thu hút các tập đoàn lớn đa quốc gia, Khu công nghệ cao TP.HCM chú trọng khả năng kết nối doanh nghiệp (DN) Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của họ.

DN Việt trong chuỗi cung ứng sản phẩm công nghệ cao

"Tích cực mời gọi nhưng Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) không lấy số lượng dự án hay giá trị vốn đầu tư làm mục tiêu thu hút đầu tư mà quan trọng hơn là dự án có hàm lượng công nghệ cao trong sản phẩm và khả năng kết nối doanh nghiệp (DN) Việt Nam trong chuỗi cung ứng như thế nào". Đó là ý kiến của bà Lê Bích Loan - Phó trưởng ban Ban Quản lý SHTP. 

Đọc E-paper

* 100% diện tích đất sản xuất giai đoạn 1 (300ha) tại SHTP đã được thuê hết và SHTP đang triển khai giai đoạn 2 với 613ha. Bà có thể cho biết thêm về tiêu chí mời gọi đầu tư của SHTP trong giai đoạn mới?

- Tiêu chí tiên quyết lựa chọn là nhà đầu tư phải có dự án đúng lĩnh vực công nghệ cao. SHTP ưu tiên mời gọi, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực vi điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông, cơ khí chính xác và tự động hóa, công nghệ sinh học áp dụng trong dược phẩm và bảo vệ môi trường, vật liệu mới, năng lượng mới, công nghệ nano.

Các dự án đầu tư trong nước hay nước ngoài vào SHTP đều phải xem xét các yếu tố nghiên cứu và triển khai công nghệ, sản phẩm mới, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao và ươm tạo các DN công nghệ cao.

Nhà đầu tư cũng phải cho thấy họ dành chi phí cho nghiên cứu phát triển, sử dụng nhân lực tri thức cao khi trình bày dự án. Như thế mới phát triển những khu đô thị khoa học trên nền tảng kinh tế tri thức gắn với nguồn nhân lực công nghệ cao theo đúng kế hoạch của TP.HCM. Thu hút các tập đoàn lớn đa quốc gia, chúng tôi chú trọng khả năng kết nối DN Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của họ.

Giá trị lũy kế xuất khẩu của các DN trong SHTP là trên 18 tỷ USD. Tính ra, mỗi năm SHTP đóng góp hơn 94% giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trên địa bàn TP.HCM, 15% trên tổng giá trị xuất khẩu của Thành phố (không tính dầu thô).

Đáng chú ý là phần đóng góp của DN Việt Nam qua chuỗi cung ứng cho các tập đoàn, công ty nước ngoài trong giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao đến nay so với 10 năm trước đã tăng lên 22%, dù vẫn chưa đạt kỳ vọng đặt ra. Chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2020 con số đó phải đạt 40%.

* Làm thế nào để đạt mục tiêu đó, thưa bà?

- Chúng tôi thực hiện chương trình phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản phẩm công nghệ cao, trong đó kêu gọi những DN Việt Nam đã là nhà cung ứng của các tập đoàn công nghệ cao nước ngoài đang đầu tư trong SHTP liên kết hoặc liên doanh, chuyển giao công nghệ cho những DN Việt Nam khác phù hợp để cùng tham gia chuỗi cung ứng đó. SHTP tiếp tục đóng vai trò đầu mối cung cấp thông tin và kết nối giữa các DN FDI và DN Việt Nam.

Chúng tôi phối hợp với Sở Công Thương (là cơ quan được UBND TP.HCM giao nhiệm vụ xúc tiến phát triển công nghiệp hỗ trợ) tìm kiếm, chọn lọc những DN Việt Nam có năng lực sản xuất tham gia vào chuỗi cung ứng cho những DN công nghệ cao.

Đồng thời chúng tôi sẽ lấy danh mục sản phẩm cũng như những yêu cầu về chuỗi cung ứng của các DN công nghệ cao để kết hợp tìm kiếm cho phù hợp. Khi có được thông tin hai phía, chúng tôi sẽ kết nối cho DN Việt Nam gặp gỡ DN trong SHTP để họ lựa chọn sơ khởi.

Sau đó, các DN công nghệ cao cùng Ban quản lý SHTP khảo sát năng lực, công nghệ, kỹ thuật, tài chính hay quản trị để tìm hiểu năng lực những DN ấy. Trên cơ sở đó, chúng tôi cùng Sở Công Thương xây dựng chính sách hỗ trợ cho DN trong nước để làm sao cho họ đáp ứng được yêu cầu của DN nước ngoài.

* Theo bà, những hạn chế của DN Việt Nam thường thấy là gì?

- Hạn chế đầu tiên của DN Việt Nam là công nghệ, máy móc, thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật. Hạn chế này xuất phát từ tài chính có hạn, muốn đầu tư thêm thì phải vay vốn. Mặc dù TP.HCM có chương trình kích cầu đầu tư, trong đó UBND Thành phố sẵn sàng hỗ trợ những DN trong ngành công nghiệp hỗ trợ về lãi suất tiền vay, tuy nhiên DN tiếp cận còn khó khăn.

Hạn chế tiếp theo là tính ổn định, độ đồng đều của sản phẩm, việc giao hàng đôi khi không đúng hẹn làm ảnh hưởng dây chuyền sản xuất của DN nước ngoài. Hạn chế nữa là kỹ năng đàm phán hợp đồng và vẫn gặp phải những chi phí không chính thức.

Vì vậy, Ban quản lý SHTP đưa ra "Chương trình liêm chính DN", kêu gọi các DN hành động tập thể, ký cam kết về đạo đức kinh doanh, ứng xử phù hợp với pháp luật, phòng chống tham nhũng, lại quả, các hình thức lạm dụng quyền lực khác.

Ban quản lý SHTP minh bạch giải quyết các thủ tục đầu tư cho DN, công khai những chủ trương hỗ trợ DN. Nội dung hợp tác giữa các DN trong chuỗi cung ứng và nhà đầu tư công nghệ cao cũng phải minh bạch. Đã có 19 công ty tham gia chương trình này.

* Cám ơn bà!

>Chuyển giao công nghệ: Số lượng còn quá ít

>Việt Nam thừa sức cạnh tranh công nghệ giống

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
DN Việt trong chuỗi cung ứng sản phẩm công nghệ cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO