Để xanh hóa, phát triển bền vững trong ngành xây dựng
Việc phát triển bền vững trong ngành xây dựng giúp bảo vệ môi trường, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao, mang lại hiệu quả lớn cho doanh nghiệp và cộng đồng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hướng đến đưa phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.
Doanh nghiệp vẫn loay hoay
Phát triển bền vững đang là xu thế tất yếu của ngành xây dựng trên thế giới cũng như tại Việt Nam vì đây là ngành đang gây ra phát thải khí nhà kính cao nhất trong các ngành công nghiệp.
Tuy nhiên, khó khăn của các doanh nghiệp Việt Nam khi hướng tới xanh hóa, thực hành ESG, phát triển bền vững, đó là không biết bắt đầu từ đâu. Cũng giống như chuyển đổi số, mọi người nghe nói đến nhiều, nhưng khi bắt đầu thì không biết nên bắt đầu từ khía cạnh nào, lĩnh vực nào của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng loay hoay không biết nên áp dụng giải pháp, công nghệ thế nào cho phù hợp. Nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với áp lực tài chính khi thực hiện sang chuyển đổi xanh.
Muốn có các công trình đạt tiêu chuẩn xanh như LEED, EDGE, LOTUS… thì phải có các đơn vị chuyên nghiệp uy tín tham gia từ khâu thiết kế, sử dụng các nguyên vật liệu tiên tiến hay các giải pháp công nghệ cao để có thể đạt được các chứng chỉ đạt chuẩn xanh hóa, từ đó dẫn đến giá thành công trình cao hơn, gây khó khăn cho các đơn vị, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ngoài ra, để các công trình đạt chuẩn xanh hóa, phải sử dụng đến nguồn nhân lực được đào tạo có chứng chỉ chuyên môn phù hợp và trình độ kĩ thuật cao để triển khai và vận hành. Các giải pháp ứng dụng liên quan đến phát triển xanh và bền vững khi áp dụng sẽ thay đổi ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó khi thực hiện thì lại càng cần phải có lực lượng nòng cốt am hiểu để dẫn dắt doanh nghiệp vượt qua các thách thức đổi mới sáng tạo này vững bước trên con đường phát triển bền vững.
Hoạch định xanh ngay từ khi có ý tưởng xây dựng công trình
Để xanh hóa các công trình hướng tới phát triển bền vững, phải xuất phát từ khâu tư vấn thiết kế, chọn nguyên vật liệu, công nghệ hay biện pháp thi công, phương thức quản lý kiểm tra giám sát dự án trong quá trình thi công, đơn vị đo kiểm chứng nhận tiêu chuẩn công trình xanh.
Muốn vậy, các nhà đầu tư, các kiến trúc sư phải hoạch định ngay từ giai đoạn lên ý tưởng xây dựng công trình. Từ đó, xác định công trình cần thiết kế theo phương án - tiêu chuẩn nào để lựa chọn các nhà cung cấp nguyên vật liệu xây dựng, các thiết bị trang bị phù hợp cho công trình.
Ngoài ra, việc lựa chọn các đơn vị thi công phù hợp với các chứng chỉ xanh đã hoạch định. Trong đó, cần cụ thể hoá những giải pháp thiết kế, thi công hay sử dụng nguyên vật liệu xây dựng (thép, gạch, sơn, trang thiết bị điện, điện lạnh, điện mặt trời, chiếu sáng…) phù hợp cho công trình, nhằm giảm phát thải nhiệt, tiết kiệm điện năng.
Việc triển khai những biện pháp này giúp các công trình xanh tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm chi phí vận hành, giảm phát thải khí nhà kính.
Nếu áp dụng đúng các quy trình, doanh nghiệp hoàn toàn có thể nhận được “chứng chỉ Carbon” từ việc giảm phát thải này. Đây sẽ là một loại tài sản mới cho chủ đầu tư để mang về một nguồn thu.
Ông Phạm Lê Minh - Tổng Thư ký, Trưởng Ban Phát triển bền vững SACA
Với các chủ đầu tư, việc quyết định triển khai các công trình có chứng chỉ xanh chính là giải pháp tốt nhất cho việc đầu tư. Chủ đầu tư được khuyến khích tận dụng nguồn tín dụng xanh có nguồn vốn từ các ngân hàng, các tổ chức tín dụng trên thế giới. Khi công trình được xác nhận là được xây dựng theo tiêu chí công trình xanh, chủ đầu tư sẽ được rất nhiều ưu đãi hỗ trợ về vốn và lãi suất từ các ngân hàng và các tổ chức cho thuê tài chính giúp việc triển khai các công trình xanh thuận lợi hơn.
Hiện tại, để đẩy mạnh việc áp dụng xu hướng phát triển bền vững đến các doanh nghiệp hội viên, Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng TP.HCM (SACA) đang phối hợp cùng với các chuyên gia của Ban Nghiên cứu và Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) của Chính phủ để hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên trong việc lên kế hoạch, cũng như từng bước triển khai cho kế hoạch phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp.
Dự kiến, trong năm 2024, SACA sẽ tổ chức khảo sát, đào tạo kiến thức, hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai việc kiểm đếm khí nhà kính cho doanh nghiệp (dù thuộc danh sách bắt buộc hay không bắt buộc theo yêu cầu của chính phủ năm 2024). Thông qua đó, tạo tiền đề cho việc lên kế hoạch triển khai các giải pháp giảm phát thải phù hợp với từng doanh nghiệp trong thời gian tới.
Trong năm 2023, Ban Phát triển Bền vững SACA đã tổ chức nhiều hoạt động tiêu biểu nhằm thúc đẩy xu hướng phát triển xanh và bền vững cho doanh nghiệp hội viên như:
-Tổ chức hội thảo về Phát triển xanh và Bền vững trong khuôn khổ hoạt động Café SACA.
- Tiến hành các bước triển khai các dự án pilot về phát triển bền vững sử dụng nguồn Tài chính xanh.
- Phối hợp với Akzo Nobel, Saint-Gobain và BSI triển khai chủ đề phát triển bền vững, các sản phẩm xanh, tiết kiệm năng lượng, lành mạnh cho sức khỏe, và các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan nhân dịp kỷ niệm 32 năm ngày thành lập SACA .
- Phối hợp cùng Ban sự kiện và Xúc tiến Thương mại SACA tiến hành tổ chức Café SACA với chủ đề “Hướng đến mục tiêu Xanh - Bền vững” cho hơn 150 đại diện doanh nghiệp hội viện SACA và khách mời.
- Tham gia Expo Kiến trúc 2023 với chủ đề “Kiến trúc tạo lập không gian bền vững cho cộng đồng”.
- Tham dự Tọa đàm “Chính sách và giải pháp thúc đẩy phát triển công trình xanh” do Bộ Xây dựng phối hợp với UBND TP.Hà Nội.
(*) Tổng Thư ký, Trưởng Ban Phát triển bền vững SACA
Tâm An (ghi)