Không ít doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa mới khởi nghiệp đã khá dễ dàng khi đặt tên thương hiệu. Do thiếu tầm nhìn và định hướng dài hạn, chỉ chọn đại cho có, nên trong nhiều trường hợp, cái tên được chọn đã "trói tay" thương hiệu, làm cho nó không thể phát triển rộng hơn về sau.
Đọc E-paper
Chưa kể, có khi chính tên thương hiệu còn gây hiểu lầm, làm cho khách hàng có những nhận định bất lợi về thương hiệu và sản phẩm mang thương hiệu đó. Dưới đây là những ví dụ về tên thương hiệu đã tự "trói" mình một cách "vô thức".
Một quán ăn có tên "Xôi Ngon" khó có thể mở rộng bán thêm bún, phở hay một loại thức ăn nào khác không phải là xôi. Một thương hiệu có chữ "Fashion" (thời trang) khó có thể mở rộng sang bán những thứ mang tính truyền thống, cổ điển. Một thương hiệu có chữ "ô tô” (ví dụ Autocare) sẽ khó mở rộng sang lĩnh vực máy bay hay khách sạn, nhà hàng.
Từng có thương hiệu taxi khi phát triển, muốn mở rộng sang các lĩnh vực khác, thì cái tên taxi và hình ảnh liên tưởng là những chiếc taxi không cho phép thương hiệu này làm gì khác hơn ngoài taxi. Và khi cố mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực khác bằng chính thương hiệu taxi này, doanh nghiệp đã thất bại cay đắng. Thương hiệu taxi đã tự trói mình trong lĩnh vực taxi mà người chủ không hề nhận biết.
>>Tên thương hiệu: Đôi cánh, hay lực cản
Đó là những giới hạn về mặt hàng, ngành hàng do tên thương hiệu mang lại. Nếu cái tên gợi lên một mặt hàng, hay ngành hàng nào đó (ví dụ "Fruit" (trái cây), "Tea" (trà), "Coffee" (cà phê), "Milk" (sữa), "Taxi", "Điện máy"...) thì rất khó mở rộng sang mặt hàng hay ngành hàng khác, nếu không muốn nói là không thể, hoặc không nên làm.
Trong cùng một mặt hàng hay ngành hàng, tên thương hiệu cũng bị giới hạn bởi phân khúc khách hàng. Ví dụ, "Taxi Giá Rẻ” không thể mở rộng sang dòng taxi giá bình thường hay không rẻ; quán "Lẩu Nấm" không thể mở rộng sang các món xào, nướng, chiên, quay...; "Cơm Niêu" không thể bán cơm nấu bằng nồi inox, nồi nhôm hay nồi điện; "Lẩu Cá Kèo" không thể mở rộng sang bán lẩu đuôi bò, cua đồng, hải sản, hay các món ăn không phải là lẩu...
Và logo thương hiệu cũng thế. Cái logo vẽ hình con bò thì sản phẩm chỉ liên quan đến những gì có... mùi bò, không thể là heo, gà, dê, ngỗng. Cái logo có hình trái thanh long thì sản phẩm không thể có cả xoài, mít, sầu riêng, hay... mắm ruốc. Một hình ảnh cổ điển hay mang tính "cội nguồn" thì không thể phù hợp với những gì hiện đại, tân tiến.
Chọn tên và logo cho thương hiệu, đừng tự trói mình (trừ khi doanh nghiệp có chủ đích làm vậy)! Ví dụ, khi một chuỗi quán chọn đặt tên là Phở X, chủ quán đã xác định rõ ràng là sẽ chỉ tập trung vào bán phở, không mở rộng sang bán cơm, gà rán hay bò bít-tết. Một chuỗi quán "Lẩu Cá Kèo" sẽ tập trung xây dựng thế mạnh duy nhất là lẩu cá kèo (nếu ai muốn ăn tôm, cua, hải sản chắc sẽ không ưu tiên chọn quán này).
>>Câu chuyện tên thương hiệu và những "vết xe đổ"
Một thương hiệu Xmilk hẳn sẽ tập trung vào những sản phẩm liên quan đến sữa. Ngược lại, nếu doanh nghiệp muốn sản xuất, kinh doanh các loại nước chấm và thực phẩm chế biến mà lại chọn cái tên Phú Quốc hay Phan Thiết (những địa danh gắn liền với nước mắm) thì đã tự trói mình trong lĩnh vực nước mắm.
Về sau, muốn mở rộng sang tương ớt, nước tương, mì gói..., doanh nghiệp buộc phải xây dựng thương hiệu khác từ đầu. Một doanh nghiệp mở dịch vụ bán vé tàu trực tuyến và lấy tên là "banvetau" (bán vé tàu), đến khi muốn phát triển sang bán cả vé ô tô, máy bay, đặt phòng khách sạn và tour du lịch... thì không thể vì đã bị cái tên "banvetau" trói lại rồi!
Những chủ đích được xác định khi chọn tên thương hiệu phải là những chủ đích có cơ sở và phải được phân tích dựa trên "customer insight" (thấu hiểu khách hàng), tức thấu hiểu nhu cầu đích thực của khách hàng, chứ không nên là một chủ đích tùy tiện. Nếu không phải là một chủ đích (có cơ sở) mà doanh nghiệp chọn một cái tên hoặc logo quá đặc thù, quá "chật chội" cho sản phẩm, dịch vụ của mình thì doanh nghiệp sẽ tự trói mình để rồi về sau có thể phải hối tiếc!