Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, ngay từ khi triển khai Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương bố trí nguồn lực tài chính cho việc này.
Theo đó, nguồn lực cải cách tiền lương chủ yếu đến từ việc tăng thu ngân sách và tiết kiệm trong các hoạt động chi ngân sách Nhà nước. Cụ thể, từ khi Nghị quyết 27 được triển khai, đến hết năm 2021, nguồn lực ngân sách địa phương đạt trên 290.000 tỷ đồng và ngân sách Trung ương là 43.000 tỷ đồng.
Bộ Tài chính tính toán, tổng nhu cầu kinh phí phát sinh bao gồm cả lương hưu, đối tượng do ngân sách bảo đảm, người có công, các chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở… sẽ cần khoảng 60.000 tỷ đồng cho chính sách này khi Quốc hội phê duyệt.
Việc điều chỉnh lương cơ sở vốn được thực hiện hằng năm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc này bị hoãn 3 năm và lần điều chỉnh gần nhất là 1/7/2019.
Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh tăng lương cơ sở từ mức 1,49 triệu đồng/tháng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, tăng khoảng 20,8% lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan Nhà nước, dự kiến thực hiện từ 1/7/2023. Riêng đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở, phụ cấp ưu đãi nghề sẽ được điều chỉnh tăng từ 1/1/2023.
Nhiều đại biểu cho rằng cần thực hiện tăng lương cơ sở ngay từ ngày 1/1/2023 thay vì đợi đến giữa năm. Bởi, trong tình hình vật giá leo thang, việc tăng lương sớm có thể góp phần giảm bớt khó khăn, bảo đảm đời sống cho người dân, đặc biệt là cán bộ, công chức thuộc ngành giáo dục, y tế, vốn có tỷ lệ bỏ việc cao vì mức lương chưa phù hợp.
Tuy vậy, Bộ Tài chính cho biết, vào giai đoạn đầu năm, nhu cầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ chuẩn bị cho ngày Tết của người dân và doanh nghiệp tăng mạnh. Do vậy, nếu thực hiện cải cách tiền lương ngay từ 1/1 sẽ gây thêm sức ép lên điều hành giá cả, do tâm lý tăng lương đi kèm với tăng giá, gây khó khăn cho việc kiểm soát lạm phát.