Start up

Đại học khởi nghiệp nền tảng từ văn hóa khởi nghiệp

PGS-TS. Nguyễn Chí Hải (*) 14/08/2024 - 11:41

Việc xây dựng văn hóa khởi nghiệp là điểm khởi đầu, nền tảng cho sự hình thành và phát triển trường đại học (ĐH) khởi nghiệp, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững nền kinh tế quốc gia.

Văn hóa khởi nghiệp phải xây dựng từ trường đại học

dsc02564-1-.jpg
PGS-TS. Nguyễn Chí Hải

Văn hóa khởi nghiệp được coi là yếu tố quyết định đến tinh thần khởi nghiệp, là động lực giúp doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp chấp nhận rủi ro, mạo hiểm, luôn đổi mới sáng tạo, khát vọng làm giàu cho cá nhân và xã hội. Thành công trong việc xây dựng được văn hóa khởi nghiệp không thể thiếu vai trò tiên quyết của các trường ĐH.

Ví dụ, Trường ĐH Hebrew, Israel được coi là cái nôi của việc xây dựng và phát triển văn hoá khởi nghiệp. Trường đã tạo dựng được môi trường (cả hữu hình lẫn vô hình) giúp sinh viên, giảng viên “đắm mình” trong văn hoá khởi nghiệp. Một số yếu tố có thể kể đến tại ĐH Hebrew như phòng thí nghiệm lớn - nơi sinh viên sử dụng mà không cần đúng ngành đang học, “nông trại” máy điện toán (computing farm) - nơi sinh viên khai thác sức mạnh của hệ thống thông tin điện toán phục vụ nghiên cứu. Trường ĐH Hebrew còn có Trung tâm Đổi mới sáng tạo - nơi sinh viên có thể thảo luận với giáo sư, cùng tranh luận để phát triển kỹ năng làm việc đội nhóm, kỹ năng lãnh đạo… Đặc biệt, Trường có “Con đường sáng tạo” trong khuôn viên nhằm vinh danh các nhà khoa học có thành tích nổi bật, thúc đẩy tinh thần các thế hệ sinh viên dám nghĩ, dám hiện thực hoá ý tưởng.

Sinh viên được đào tạo từ một trường ĐH có văn hóa khởi nghiệp sẽ có nhiều lợi thế khi xây dựng DN sau này.

Trước hết, văn hóa khởi nghiệp giúp sinh viên ươm mầm và nuôi dưỡng đam mê khởi nghiệp, giúp sinh viên gắn lý thuyết với thực tiễn, học đi đôi với hành, luôn có tinh thần đổi mới sáng tạo, thông qua từng môn học ngay từ năm đầu tiên ở bậc ĐH. Sự kết nối của hệ sinh thái khởi nghiệp trong trường ĐH giúp sinh viên có môi trường khởi nghiệp, ý tưởng sáng tạo thông qua đề án khởi nghiệp, tham gia vào DN phù hợp, thậm chí có thể thành lập DN startup.

Điều quan trọng là văn hóa khởi nghiệp ở trường ĐH giúp sinh viên khi ra trường nhanh chóng trở thành nhân tố trẻ của hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia. Có thể trở thành chủ DN lớn khi còn rất trẻ.

Đặc biệt, dù có thành lập DN riêng hay không thì văn hóa khởi nghiệp cũng sẽ giúp sinh viên trở thành những người trẻ tham gia thị trường lao động toàn cầu, có nghề nghiệp vững vàng và thích ứng linh hoạt với thời đại 4.0.

Vẫn còn những rào cản

Nhìn chung, vẫn tồn tại khá nhiều “rào cản” trong quá trình xây dựng và phát triển văn hoá khởi nghiệp.

mot-hoat-dong-thuong-nien-nham-thuc-day-van-hoa-khoi-nghiep-dmst-tai-truong-dai-hoc-kinh-te-luat.jpg
Một hoạt động thường niên nhằm thúc đẩy văn hoá khởi nghiệp, ĐMST tại trường Đại học Kinh tế - Luật

Đầu tiên, rào cản về nhận thức, hiểu biết về vai trò của khởi nghiệp trong trường ĐH và xây dựng văn hóa khởi nghiệp trong nhà trường chưa đồng đều, chưa có tính hệ thống trong nhận thức nên còn khó để triển khai thực hiện.

Thứ hai, rào cản về chương trình đào tạo và nghiên cứu khoa học như các môn học về khởi nghiệp hay văn hoá khởi nghiệp còn ít và chương trình chỉ mới ở dạng lồng ghép trong hoạt động câu lạc bộ, lớp kỹ năng, hội thảo, trung tâm khởi nghiệp. Chương trình đào tạo chưa thành hệ thống, chưa tạo đầu ra rõ ràng cho sinh viên. Còn thiếu tài liệu, sách chuyên khảo giới thiệu về tính pháp lý, quy trình, kỹ năng… Tuy nhiên, vấn đề này sẽ được giải quyết nếu các trường ĐH hướng tới xây dựng mô hình ĐH khởi nghiệp.

Thứ ba, rào cản về thể chế, cơ sở vật chất, như chính sách hỗ trợ khởi nghiệp chưa toàn diện, cơ sở vật chất còn hạn chế. Các trường công lập vẫn còn những vướng mắc trong quá trình sử dụng tài sản công để thực hiện và thương mại hoá sản phẩm nghiên cứu.

Thứ tư, rào cản về môi trường khởi nghiệp, gắn nhà trường với xã hội, nhà trường với hội nhập quốc tế thông qua học hỏi, giao lưu, hợp tác… cũng chưa đồng đều tại các trường ĐH. Những hoạt động này đã sôi nổi hơn trong những năm gần đây nhưng vẫn còn phân tán và cần có hướng dẫn, lộ trình cụ thể hơn.

Xây dựng văn hóa khởi nghiệp tại các trường ĐH là một quá trình. Trước hết các cơ sở đào tạo cần phải thay đổi nhận thức, chuyển từ ĐH truyền thống sang mô hình ĐH khởi nghiệp. Muốn làm được vậy phải có quyết tâm, có chiến lược và lộ trình xây dựng mô hình ĐH khởi nghiệp, xây dựng văn hóa khởi nghiệp.

Cần có các biện pháp cụ thể để thúc đẩy khởi nghiệp, có thể kể đến như đẩy mạnh triển khai chính sách hiện hành, trong quá trình thực hiện thì đề xuất các cơ chế chính sách cần thiết khác. Tăng cường liên kết giữa trường ĐH với các trung tâm nghiên cứu, tạo mối liên kết liên ngành. Kết nối giữa các trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, tạo động lực, truyền cảm hứng. Kết nối địa phương với trường ĐH, phát triển các chương trình khởi nghiệp từ thực tiễn. Kết nối giáo dục khởi nghiệp từ phổ thông lên ĐH và bậc cao hơn. Tập trung xây dựng và phát triển đội ngũ dẫn dắt hoạt động này, đổi mới cách nghĩ, cách làm. Tạo cơ chế khuyến khích giảng viên, sinh viên có tư duy mới, cách nghĩ mới để tạo ra các giá trị mới.

Các trường ĐH cần tích cực, chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế trong khởi nghiệp gắn với trao đổi học thuật, đào tạo.

Đặc biệt, các trường cần có kế hoạch đầu tư trang thiết bị cả phần cứng và phần mềm cho khởi nghiệp, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp phải có cơ chế mở cả bên trong và bên ngoài.

(*) Giảng viên cao cấp, nguyên Trưởng Khoa Kinh tế,
Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM

Khánh Hưng (ghi)

80-85% DN khởi nghiệp, ĐMST tại các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel... xuất phát từ các trường ĐH.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đại học khởi nghiệp nền tảng từ văn hóa khởi nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO