Thời sự

Để kinh tế Việt Nam về đích, vượt chỉ tiêu tăng trưởng

PGS-TS. Nguyễn Chí Hải (*) 30/09/2024 8:00

Mục tiêu về đích đạt và vượt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024, thể hiện nỗ lực lớn từ Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, các doanh nghiệp và là kỳ vọng của mọi người dân.

Các động lực tăng trưởng được khai thông rõ nét

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt mức 6,42%, đặc biệt quý II đã tăng cao hơn quý trước (quý I đạt 5,87%), quý II đạt 6,93%). Tăng trưởng kinh tế của tháng 7, 8/2024 tiếp tục có những tín hiệu khả quan, điều đó cho thấy, động lực tăng trưởng của nền kinh tế đã được khai thông rõ nét so với năm 2023.

p27_kinhte1.jpg

Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế đều được gia tăng ở cả ba khu vực. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng 3,38%, khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 7,51% và khu vực dịch vụ đạt 6,64%.

Thứ hai, 8 tháng đầu năm 2024, ngành công nghiệp đã có bước phục hồi khá ngoạn mục nhờ nỗ lực từ phía các doanh nghiệp và sự khơi thông của thị trường quốc tế. Tính chung tám tháng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tăng 8,6% so với cùng kỳ 2023 (cùng kỳ năm 2023 giảm 0,2%), trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7%, đóng góp 8,4% vào mức tăng trưởng chung.

Thứ ba, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế. Theo Tổng cục thống kê, đến 31/08/2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 20,52 tỷ USD, tăng 7,0% so với cùng kỳ 2023; vốn giải ngân đạt hơn 14,15 tỷ USD, tăng 8,0% so với cùng kỳ năm trước.

Thứ tư, xuất khẩu hàng hóa tiếp tục là động lực quan trọng của nền kinh tế. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tính chung tám tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước ước đạt 511,11 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 265,09 tỷ USD (tăng 15,8%), kim ngạch nhập khẩu đạt ước 246,02 tỷ USD (tăng 17,7%), xuất siêu 19,07 tỷ USD.

Một số nhóm hàng tăng mạnh như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị dụng cụ và phụ tùng; điện thoại các loại và linh kiện; gỗ và sản phẩm gỗ ...

Điểm nhấn của mặt trận xuất - nhập khẩu là không chỉ gia tăng về giá trị, mà tiếp tục có cải thiện về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, cũng như thị trường.

Thứ năm, ngành du lịch tiếp tục sôi động và trở thành điểm nhấn trong 8 tháng đầu năm 2024. Tính chung 8 tháng, đã có hơn 11,4 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 1,0% so với cùng kỳ năm 2019 (năm chưa xảy ra dịch Covid-19).

Thứ sáu, mặc dù còn gặp khá nhiều khó khăn, song 8 tháng qua, khu vực doanh nghiệp Việt Nam đã có những nỗ lực đáng ghi nhận. Doanh nghiệp là “hạt nhân” của nền kinh tế, doanh nhân là vốn quý của dân tộc, trong 8 tháng, Chính phủ đã có nhiều giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi.

Tính chung, trong tám tháng, cả nước có 168,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay lại hoạt động, bình quân mỗi tháng có hơn 21 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động. Tuy nhiên, cũng thời gian này, có 135,3 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường, bình quân mỗi tháng có hơn 16,9 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Điều này cũng phản ánh những khó khăn và tăng trưởng chưa thật sự bền vững của nền kinh tế.

Thứ bảy, ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư thông qua việc ban hành các bộ luật mới (Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Hợp tác xã… có hiệu lực từ năm 2024) và đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt giao thông liên vùng… là những “đòn bẩy” hết sức quan trọng để kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao và bền vững.

Nhiều “điểm sáng” trong bức tranh tăng trưởng

Có thể nhận định, nền kinh tế Việt Nam có đủ cơ sở đạt mức tăng trưởng cả năm 2024 từ 6,5-7,0%. Để đạt được mức tăng trưởng này, theo chúng tôi, cần có các giải pháp hợp lý và kịp thời để phát huy, khơi thông và kích hoạt các động lực của nền kinh tế.

Thứ nhất, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng tính hấp dẫn của môi trường kinh doanh, vẫn phải là ưu tiên hàng đầu của nền kinh tế trong nước cuối năm 2024 và các năm tiếp theo. Vấn đề cấp thiết hiện nay, là phải gia tăng tính minh bạch của thị trường, tạo cơ hội cho thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán có bước phát triển khởi sắc. Đây cũng là điều kiện để Việt Nam tiếp tục gia tăng thu hút đầu tư nước ngoài, là điểm đến của các doanh nghiệp lớn trên thế giới.

Điều này cũng phù hợp với nhận định của Ông Ketut Ariadi Kusuma - Chuyên gia cao cấp của World Bank khi dự báo về triển vọng của nền kinh tế Việt Nam: “Hàng tỷ USD của các quỹ đầu tư trên toàn cầu sẽ được rót vào các thị trường vốn nếu Việt Nam được nâng cấp thành thị trường mới nổi”.

Thứ hai, cần khai thác và thúc đẩy tăng trưởng từ các động lực của nền kinh tế. Đó là tăng trưởng của khu vực công nghiệp và xây dựng; mở rộng và gia tăng giá trị gia tăng khu vực dịch vụ, đặc biệt là du lịch; phát triển và mở rộng thị trường xuất khẩu; thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ cao, các doanh nghiệp phát triển kinh tế xanh, đổi mới sáng tạo…

Thứ ba, cần có biện pháp đẩy mạnh đầu tư công, phấn đấu đạt 95-100% các chỉ tiêu dự án đầu tư công năm 2024, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng giao thông, thực hiện các dự án xây dựng nhà ở xã hội, các công trình phúc lợi… Đây là điều kiện cần thiết để gia tăng tốc độ tăng trưởng, mở rộng “sản lượng tiềm năng” của nền kinh tế và thực hiện an sinh xã hội.

Thứ tư, có biện pháp sớm phát huy vai trò của các bộ luật mới ban hành, phần lớn có hiệu lực vào nửa cuối năm 2024, đặc biệt là Luật Đất đai. Sự hoàn thiện các khung thể chế về Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Hợp tác xã, Luật Giá, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Khám bệnh, chữa bệnh… sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý cho hoạt động kinh tế - xã hội, khơi thông và sử dụng nguồn lực xã hội có hiệu quả.

Thứ năm, đa phương hóa và thực chất hóa quan hệ đối ngoại, nắm bắt lợi thế, cơ hội, cũng là nhân tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trước hết trong nửa cuối năm 2024. Những động thái tích cực trong quan hệ và hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các nước đối tác chiến lược toàn diện vừa qua đã mở ra tiềm năng, cơ hội mới cho tăng trưởng và phát triển kinh tế của đất nước.

Xuất khẩu được dự báo sẽ tiếp tục là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2024.

(*) Nguyên Trưởng khoa Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế - Luật,
ĐHQG TP.HCM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Để kinh tế Việt Nam về đích, vượt chỉ tiêu tăng trưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO