Ngày 16/4, Đại hội Đảng Cộng sản Cuba lần VI đã khai mạc tại thủ đô La Habana, với những dự thảo kế hoạch đổi mới kinh tế và xã hội được đánh giá sẽ đưa nền kinh tế Cuba bước sang trang mới.
Người dân ở Caimito, tỉnh Mayabeque theo dõi tin tức về Đại hội Đảng - Ảnh: AFP |
Đại hội kéo dài trong ba ngày từ 16 đến 19/4, đúng dịp kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng Giron, được chú ý đặc biệt vì tháng 11 năm ngoái khi thông báo quyết định tiến hành đại hội, Chủ tịch Raul Castro đã tuyên bố: "Hoặc chúng ta sẽ bước lên đỉnh phát triển mới, hoặc chúng ta phải chết chìm".
Lần này, hơn 1.000 đại biểu có mặt để bàn bạc thông qua khoảng 300 giải pháp cải cách do Chủ tịch Raul Castro đề xuất và bầu ra ban lãnh đạo mới. Tạp chí Le Monde Diplomatique số ra ngày 14/4 dẫn lời ông Omar Everleny Pérez - một trong những giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Cuba, nơi đề ra phần lớn các giải pháp cải cách đang tiến hành - khẳng định: "Việt Nam là một đất nước rất giống Cuba và đã chỉ dẫn cho chúng tôi rất nhiều".
Sau khi nhận định Cuba "phải mở cửa kinh tế", ông Pérez nhấn mạnh: "Chúng tôi phải tiến hành thật nhanh: để thực thi được sự thay đổi mạnh mẽ này, chúng tôi chỉ có hai hoặc ba năm".
Thật ra các giải pháp đã được áp dụng từ nhiều tháng qua, kể từ khi Chính phủ Cuba nhìn nhận những khó khăn đang ập đến một đất nước bị cấm vận kinh tế và phải phụ thuộc đến 80% nguồn lương thực nhập từ nước ngoài. Theo Tân Hoa xã, từ tháng 9/2010 Chính phủ Cuba đã lên kế hoạch giảm quy mô của các doanh nghiệp nhà nước và mở rộng khu vực tư nhân, trong khi vẫn duy trì sự điều hành của chính phủ trung ương. Các đề xuất trên cũng tính đến việc cắt giảm 20% lao động trong khối nhà nước. Các biện pháp này đã được đưa vào dự thảo cải cách kinh tế trong kỳ Đại hội Đảng lần này và được đưa ra thử nghiệm phần nào trong tháng 10/2010.
Ngay sau đó một tháng
(11/2010), các cơ quan lãnh đạo Đảng và Liên đoàn Lao động Cuba đã bắt đầu thảo luận và đóng góp ý kiến dự thảo kế hoạch năm năm (2011-2015) về đường lối chính sách kinh tế và xã hội của Cuba. Sau đó, dự thảo này đã được đưa ra trưng cầu ý dân trong hai tháng (từ ngày 1/12/2010 đến 28/2/2011) trước thềm Đại hội Đảng.
Trong các đề xuất cải cách kinh tế, Chủ tịch Raul Castro còn nhấn mạnh việc tạo sức bật kinh tế thông qua việc mở rộng lĩnh vực kinh tế tư nhân, giải thể các doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả, thu hẹp tối đa số lượng doanh nghiệp hoạt động bằng ngân sách nhà nước. Trong dự thảo lần này, Chủ tịch Raul đã mạnh dạn đề cập vấn đề cắt giảm chi tiêu ngân sách nhà nước và trợ cấp ở một số đối tượng.
Trước Đại hội Đảng, Chính phủ Cuba đã quyết định thực hiện siết tối đa trong vấn đề trợ cấp y tế và giáo dục vốn là hai lĩnh vực mà chính phủ nước này bao cấp 100% suốt thời gian dài. Bên cạnh đó, từng bước dỡ bỏ chế độ tem phiếu và mở rộng biên độ tham gia cho tư nhân trong các dự án cơ sở hạ tầng vốn dĩ là độc quyền của các doanh nghiệp nhà nước trước đây.
Để chứng minh tính mở của các quyết định cải cách kinh tế, chính phủ nước này đã cấp khoảng 80.000 giấy phép kinh doanh cho các doanh nghiệp tư nhân trong nhiều ngành nghề. Riêng với đầu tư nước ngoài, theo Money Week, hiện có hơn 250 doanh nghiệp liên doanh, trong đó có những doanh nghiệp về du lịch, chuẩn bị đón du khách Mỹ sang thăm Cuba một khi lệnh cấm thăm viếng được dỡ bỏ.
Cũng theo đánh giá của Money Week, Cuba tin tưởng vào sự phát triển kinh tế của mình vì những tiềm năng cực kỳ lớn: dầu và khí đốt chưa được khai thác đúng mức vì bị cấm vận. Hiện Cuba chỉ sản xuất được 60.000 thùng dầu mỗi ngày trong khi trữ lượng của nước này, theo đánh giá, khoảng 5-20 tỉ thùng dầu và 560 triệu mét khối khí đốt. Chỉ cần nhìn sang trữ lượng của Mỹ hiện chỉ còn hơn 29 tỉ thùng, cũng đủ hiểu nguồn tài nguyên của Cuba khiến nhiều quốc gia khác thèm muốn như thế nào trong thời buổi khan hiếm nhiên liệu hiện nay.
Thậm chí, theo Money Week, hiện đã có những thương thảo về khả năng khai thác dầu tại Cuba của các tập đoàn khổng lồ của Mỹ.