Công ty chứng khoán trên đường tìm vốn ngoại

Khánh Phương| 29/11/2021 08:00

Không chỉ tăng cường sự hiện diện của cổ đông nước ngoài, các công ty chứng khoán (CTCK) trong nước thời gian qua đã tích cực vay ngoại tệ từ các định chế tài chính quốc tế. Nguồn ngoại tệ này được chuyển sang VND để cho vay ký quỹ với lãi suất phổ biến từ 10-12%/năm, có thể thấy biên lãi suất của các CTCK nhận được là rất lớn.

Công ty chứng khoán trên đường tìm vốn ngoại

Lại ồ ạt tăng vốn

Công ty CP Chứng khoán Trí Việt (TVB) đã đưa ra kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 2.000 tỷ đồng thông qua việc phát hành cho cổ đông hiện hữu. TVB cũng thông qua kế hoạch chào bán cho nhà đầu tư chiến lược với giá dự kiến không thấp hơn 30.000 đồng/cổ phiếu và tỷ lệ sở hữu tối đa là 30% cổ phần.

Mới đây, Công ty Chứng khoán Apec (APS) đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn điều lệ lên gấp đôi, từ mức 830 tỷ đồng lên 1.660 tỷ đồng. Đáng lưu ý là trong năm 2022, APS đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ lên 3.200 tỷ đồng, nằm trong top 5 CTCK có vốn điều lệ và vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Không chỉ các CTCK nhỏ, mà ngay cả các CTCK lớn cũng có kế hoạch tăng vốn ồ ạt trong giai đoạn gần đây. Cụ thể, ngày 17/11/2021, Công ty CP Chứng khoán SSI (SSI) ban hành nghị quyết tăng vốn điều lệ lên xấp xỉ 15.000 tỷ đồng thông qua chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, với tỷ lệ thực hiện quyền 2:1, giá chào bán 15.000 đồng/cổ phiếu.

Trước đó, vào tháng 9/2021, SSI đã phát hành gần 218,3 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu và chào bán hơn 109,55 triệu cổ phiếu thực hiện quyền mua cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, qua đó vốn điều lệ của SSI tăng lên xấp xỉ 9.848 tỷ đồng - hiện là CTCK có vốn điều lệ lớn nhất trên thị trường.

CTCK VNDirect dự kiến chào bán gần 435 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu với tỷ lệ thực hiện quyền là 1:1, có nghĩa cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ có quyền mua 1 cổ phiếu mới phát hành. Nếu được thông qua và hoàn tất phát hành toàn bộ số cổ phiếu trên, vốn điều lệ của VNDirect sẽ tăng gấp đôi, từ 4.349 tỷ đồng lên gần 8.698 tỷ đồng. Trong tháng 6 và tháng 7, VNDirect đã hoàn tất đợt phát hành 214,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, qua đó tăng vốn điều lệ gấp đôi, lên mức 4.349 tỷ đồng như hiện nay.

Và huy động vốn ngoại

Đáng lưu ý là ngoài việc phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu, nhiều CTCK cũng tích cực tìm kiếm nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài để nâng cao năng lực tài chính. Như VNDirect mới đây đã điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tối đa của mã chứng khoán VND từ 49% lên 100% -  một dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp này đang lên kế hoạch thu hút thêm vốn ngoại. Hiện tại, cơ cấu cổ đông của VNDirect có hai tổ chức sở hữu gần 31% vốn điều lệ, gồm Công ty CP Tập đoàn Đầu tư I.P.A với hơn 56 triệu cổ phiếu thuộc sở hữu (26,19% vốn) và Pyn Elite Fund (Non-Ucits) nắm giữ gần 9 triệu cổ phiếu (4,71% vốn).

Không chỉ tăng cường sự hiện diện của cổ đông nước ngoài, các CTCK trong nước thời gian qua cũng tích cực vay ngoại tệ từ các định chế tài chính quốc tế, như VNDirect nhận khoản vay hợp vốn kỳ hạn 1 năm từ nhóm các ngân hàng nước ngoài với tổng giá trị 100 triệu USD, CTCK Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank Securities) đã ký hợp đồng vay hợp vốn trị giá 90 triệu USD.

Một CTCK khác là SSI đã thực hiện thành công việc vay vốn ngoại trong tháng 7/2021 với hạn mức 100 triệu USD. Trước đó, cuối năm 2020, SSI đã huy động được 85 triệu USD tín chấp từ nhóm các ngân hàng nước ngoài, đứng đầu là Union Bank of Taiwan. Hay như Công ty CP Chứng khoán TP.HCM hồi tháng 5 đã ký hợp đồng vay hợp vốn tín chấp trị giá 44 triệu USD.

Với nguồn vốn ngoại tệ này chuyển sang VND để cho vay ký quỹ với lãi suất phổ biến từ 10-12%/năm, có thể thấy biên lãi suất của các CTCK nhận được là rất lớn, vì vậy dễ hiểu vì sao lợi nhuận của nhiều CTCK tăng vọt trong thời gian qua.Trong khi đó, với thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh trong hơn một năm rưỡi qua, nhu cầu vay ký quỹ của các nhà đầu tư là rất lớn. Đây cũng là dòng tiền đáng kể đã góp phần thúc đẩy thị trường đi lên, vì vậy các CTCK đã phải nỗ lực liên tục tăng vốn và gọi vốn từ các ngân hàng quốc tế để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Công ty chứng khoán trên đường tìm vốn ngoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO