Công nghiệp phần mềm VN: Hướng tới mốc 1 tỷ USD

Thư Anh| 27/10/2008 01:22

Ngành công nghiệp phần mềm VN đang hướng tới mốc 1 tỷ USD. Mặc dù có nhiều tín hiệu khả quan nhưng con số này vẫn thực sự là một thách thức nếu không nghĩ khác và làm khác hơn hiện nay.

Công nghiệp phần mềm VN: Hướng tới mốc 1 tỷ USD

Ngành công nghiệp phần mềm VN đang hướng tới mốc 1 tỷ USD. Mặc dù có nhiều tín hiệu khả quan nhưng con số này vẫn thực sự là một thách thức nếu không nghĩ khác và làm khác hơn hiện nay.

Dự báo năm 2008, tốc độ tăng trưởng phần mềm tại thị trường trong nước sẽ là 40 - 50%.

Ông Marc Voss, Giám đốc điều hành hãng phần mềm của Anh Harvey Nash, lạc quan cho rằng: khủng hoảng tài chính thế giới đang là cơ hội cho công nghiệp phần mềm VN.

Theo ông, các công ty trên thế giới đang tìm cách cắt giảm chi phí trong khi vẫn phải duy trì các hoạt động bình thường. Vì vậy họ phải hướng tới các dịch vụ giá rẻ, trong khi đó, VN đang nổi lên là trung tâm outsourcing có chi phí và dịch vụ tốt nhất hiện nay. Xu hướng này đã củng cố quyết tâm của Harvey Nash đầu tư chiến lược cho thị trường VN.

Theo đó, trong sáu tháng tới, Công ty sẽ nâng số lập trình viên tại VN lên 800 người chứ không chỉ 600 người như hiện nay. Ông Marc Voss còn cho biết, một trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) cũng sẽ được xây dựng để đáp ứng nhu cầu mở rộng của Harvey Nash.

Đây là một thông tin đặc biệt vì Harvey Nash đã không chọn Trung Quốc hay Ấn Độ để thiết lập trung tâm R&D tốn kém và đòi hỏi nguồn nhân lực cao cấp.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm VN (Vinasa), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, vừa có chuyến đi từ Nhật Bản về, cũng cung cấp một thông tin tương tự. Ông cho rằng thế giới khủng hoảng nhưng các công ty vẫn duy trì các phần mềm trung tâm với giá thành thấp.

Các cuộc gặp gỡ của FPT với các doanh nghiệp phần mềm ở Osaka và Tokyo đều cho thấy VN là mối quan tâm trong các hợp đồng outsourcing cho doanh nghiệp Nhật.

Năm 2007, VN đã vượt qua Trung Quốc và Ấn Độ trở thành lựa chọn số 1 của các doanh nghiệp Nhật trong việc tìm đối tác đặt gia công phần mềm, và là 1 trong 20 thị trường gia công phần mềm hấp dẫn nhất thế giới. Hiện có gần 50 doanh nghiệp công nghệ thông tin của VN đang hợp tác kinh doanh với Nhật Bản, trong đó có nhiều DN đạt 100% doanh số từ thị trường Nhật với tốc độ tăng trưởng 170-200%/năm.

Hướng tới cái mốc 1 tỷ USD, ông Bình so sánh với 1,2 tỷ USD của ngành phần mềm Philippines, cho rằng: “Phải nghĩ rộng hơn cho công nghiệp phần mềm, không chỉ outsourcing mà còn mở rộng ra các thị trường gia công quy trình doanh nghiệp BPO, ERP, đồng thời mở rộng thị trường mạnh hơn nữa”.

Thực tế, công ty phần mềm lớn nhất VN FPT Software mới thành lập Công ty TNHH Phần mềm FPT châu Âu (FPT Software Europe) tại Paris, Pháp với số vốn ban đầu là 300.000USD. Ngày 13/10, FPT mở tiếp 2 công ty FPT USA và FPT Australia với tổng doanh thu năm 2009 dự kiến đạt 13 triệu USD.

Theo ông Phạm Tấn Công, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vinasa thì thị trường châu Âu rất giàu tiềm năng vì năm 2008 Vinasa tiếp nhận dự án với Đan Mạch. Bên cạnh đó còn nhiều thị trường tiềm năng khác như Úc, Singapore...

Không cho rằng khủng hoảng tài chính ảnh hưởng đến mục tiêu của ngành phần mềm VN nhưng ông Phí Anh Tuấn, Giám đốc CMCSoft tại TP.HCM cho rằng: “Phần mềm VN nếu không đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách hàng sẽ bỏ lỡ mất cơ hội”.

Ông Tuấn cho biết, khoảng 2 năm trước, mỗi năm VN đón 40-50 đoàn doanh nghiệp phần mềm Nhật sang tìm hiểu, còn hiện nay rất ít. Chi phí, nguồn nhân lực của VN không hấp dẫn họ.

Bên cạnh đó, mức tăng lương trong lĩnh vực phần mềm VN thực sự là một điều cần cảnh báo. “Ba năm trước tôi thuê một lập trình viên chỉ khoảng 3,5 triệu đồng. Cũng lập trình viên này, sau khi thay đổi vài công ty, quay lại đòi mức lương 1.000USD mà vẫn có nhiều công ty muốn thuê”, ông Tuấn than phiền.

Mức lương cho nhân lực có hợp đồng lao động lên từ 2.000-4.000 USD/người/tháng. Thậm chí, trả theo giờ là 20 USD/giờ. Theo ông Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch TMA Solutions, lạm phát cùng sức ép tăng lương đang gây khó khăn nhiều cho doanh nghiệp phần mềm. Nhưng sức ép tăng lương chứng tỏ nhân lực phần mềm VN đang thiếu trầm trọng.

Theo Vinasa, VN thiếu khoảng 1,5 triệu lao động trong lĩnh vực phần mềm, dự đoán đến năm 2010 sẽ thiếu 3 triệu lao động. Với quy mô trung bình cỡ 700 lập trình viên, gần như các doanh nghiệp phần mềm VN không thực hiện được các đơn hàng lớn hoặc chuyên sâu.

Thực tế này được ông Lã Mạnh Cường, Giám đốc điều hành Luxoft xác nhận qua dự án với hãng Boeing. Qua bốn tháng tìm kiếm mà Công ty vẫn không tuyển dụng đủ người đủ trình độ cho dự án này mặc dù tiếp nhận cả ngàn đơn xin việc.

Thiếu nhân lực có chất lượng làm nảy sinh tình trạng chèo kéo nhân lực giữa các đơn vị trong ngành, tăng lương “vô tội vạ”... Tất cả đang là cản ngại lớn cho sự phát triển của nhiều doanh nghiệp phần mềm VN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Công nghiệp phần mềm VN: Hướng tới mốc 1 tỷ USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO