Phần mềm cho cửa hàng bán lẻ

TUYẾT ÂN| 08/08/2017 00:43

Khoảng 1,5 triệu cửa hàng bán lẻ có nhu cầu sử dụng phần mềm quản lý đang tạo ra một thị trường rất lớn.

Phần mềm cho cửa hàng bán lẻ

Khoảng 1,5 triệu cửa hàng bán lẻ có nhu cầu sử dụng phần mềm quản lý đang tạo ra một thị trường rất lớn. Các nhà cung cấp phần mềm đang nỗ lực tùy biến giải pháp cho từng ngành hàng riêng lẻ để cạnh tranh, tạo mạng lưới khách hàng rộng lớn cho mình.

Đọc E-paper

Nếu như trước đây những cửa hàng bán lẻ, nhà hàng có quy mô lớn mới chú trọng sử dụng phần mềm để quản lý, thì hiện nay việc này trở nên phổ biến với ngay cả các chủ cửa hàng nhỏ lẻ, hộ cá thể, kinh doanh trực tiếp - trực tuyến hay tích hợp cả hai. Chỉ cần một điện thoại thông minh hay máy tính bảng là có thể dễ dàng quản lý và giám sát các hoạt động buôn bán trong ngày. Các phần mềm cũng được thiết kế đáp ứng linh hoạt yêu cầu của các ngành hàng khác nhau ở nhiều quy mô, từ chuỗi cửa hàng, nhà hàng cao cấp, quán bar, cửa hàng thời trang, mỹ phẩm... cho đến tiệm tạp hóa, hàng quán bình dân vỉa hè...

Phí 3.000 đồng/ngày - bằng giá ly trà đá

Với các giải pháp trên nền tảng đám mây, sử dụng và trả phí theo nhu cầu, các phần mềm đã tiếp cận người dùng dễ dàng với chi phí hợp lý hơn; có thể sử dụng ở bất cứ đâu chứ không phụ thuộc vào một máy tính cố định. Chi phí cho gói phần mềm cơ bản hiện ở quanh mức 100.000 đồng/tháng, tương đương khoảng 3.000 đồng cho mỗi ngày sử dụng... Các nhà cung cấp còn thu hút khách hàng bằng cách cho sử dụng thử miễn phí thời gian đầu để làm quen, không phải trả các khoản phí thiết lập ban đầu hay phí nâng cấp trong quá trình sử dụng.

Vòng quanh thị trường, gói cơ bản cho một năm sử dụng phần mềm ở quanh mức 1,5 triệu đồng và gói nâng cao quanh mức 2,5 triệu đồng. Trọn gói dịch vụ cơ bản gồm phần mềm cùng máy tính, giá đỡ, ngăn kéo đựng tiền được cung cấp quanh mức 6 - 8 triệu đồng cùng một năm sử dụng phần mềm. Tùy theo quy mô và trị giá các phần cứng đi theo mà chi phí này tăng hay giảm, và còn tùy thuộc vào các thiết bị máy tính bảng, máy in hóa đơn, máy đọc mã vạch, máy tính tiền cảm ứng, két thu ngân...

Thị trường với 1,5 triệu cửa hàng nhỏ lẻ tạo ra cơ hội khai thác rất lớn. Bên cạnh thu phí phần mềm, về dài hạn, nhà cung cấp còn có thể bán các ứng dụng trả phí, thu phí giao dịch và nhiều dịch vụ gia tăng khác. Quan trọng nhất là có thể kết nối các cửa hàng vào hệ sinh thái dịch vụ để khai thác và xây dựng hệ thống thẻ VIP, thẻ tích điểm, giảm giá và các chương trình khuyến mãi cho khách hàng.

Cuộc đua giữa các nhà cung cấp hiện sôi động hơn bao giờ hết. Khoảng hai năm qua, nhiều nhà cung cấp đã có được hàng ngàn khách hàng. Tính đến tháng 6/2017, phần mềm Sapo của Công ty DKT có hơn 8.000 cửa hàng sử dụng trả phí. Ông Nguyễn Trọng Tuyến - Tổng giám đốc DKT cho biết, năm 2016 Sapo tăng trưởng 190% so với 2015 và Công ty đặt mục tiêu đạt 100.000 khách hàng vào năm 2020. Trong khi phần mềm KiotViet đang có thị phần lớn nhất, hiện có khoảng 30.000 cửa hàng, cũng tăng trưởng ấn tượng 300% mỗi năm trong ba năm qua và đặt tham vọng duy trì thị phần đứng đầu với mục tiêu 200.000 cửa hàng sử dụng vào năm 2019.

Phần mềm quản lý nhà hàng, quán cà phê Cukcuk của Misa ra mắt hơn một năm được nhà cung cấp cho biết đạt khách hàng thứ 20.000 vào tháng 6 rồi. Misa cũng phát hành ứng dụng trên di động Cukcuk Lite miễn phí cho quán ăn, quán cà phê và trà đá vỉa hè, hỗ trợ các hộ kinh doanh nhỏ lẻ tiếp cận ứng dụng hiện đại hơn. EZ Solution với giải pháp Maybanhang cho biết có 6.000 cửa hàng sử dụng, iPOS.vn có 3.000 cửa hàng, cùng nhiều phần mềm khác như VNPTKiot, Anvietsoft, Softnet, VqSoft, Fpi, LPV...

Kết nối đa kênh và hiểu mô hình

Các nhà cung cấp ước tính toàn thị trường hiện mới có khoảng 25% số cửa hàng đã triển khai phần mềm quản lý và nhu cầu sẽ tăng nhanh trong vài năm tới. Theo bà Vũ Nguyễn Thùy Vân - Giám đốc Marketing KiotViet, dù dẫn đầu thị trường nhưng KiotViet cũng mới chiếm khoảng 12% thị phần theo khảo sát nội bộ. "Theo AC Nielsen, năm 2015 Việt Nam có khoảng 1,3 triệu cửa hàng bán lẻ và tăng thêm khoảng 6 - 8%/năm. Miếng bánh thị trường rất lớn nên con số 30.000 cửa hàng hiện vẫn còn rất nhỏ”, bà Vân cho biết.

Cũng theo bà Vân, việc chỉ tập trung phát triển duy nhất phần mềm quản lý bán hàng đã giúp KiotViet trở thành phần mềm "hiểu" nhà bán lẻ, liên tục nâng cấp để đưa ra các tính năng phù hợp với quy trình quản lý của các cửa hàng, cập nhật kịp thời các yêu cầu mới. Các yếu tố tạo ra lợi thế để các nhà bán lẻ lựa chọn phần mềm là phải đưa ra các báo cáo chính xác về hàng hóa, doanh thu, lãi - lỗ, hàng bán chạy, bán chậm..., giúp người dùng thấy được bức tranh toàn cảnh để có quyết định kinh doanh phù hợp.

Hiện Sapo là phần mềm đầu tiên ứng dụng nền tảng mở, cho phép tích hợp các ứng dụng phát triển bởi bên thứ ba và hỗ trợ quản lý bán hàng đa kênh (omnichannel) trên cả môi trường trực tiếp (offline) và trực tuyến (online). Phần mềm này cũng tích hợp với Bizweb và Wordpress (WooCommerce) - hai nền tảng hỗ trợ thương mại điện tử được phần lớn các website tại Việt Nam sử dụng. Việc quản lý cũng được tích hợp kiểm soát tới khâu giao nhận, có thể lựa chọn đơn vị giao hàng, cập nhật lộ trình. Chủ cửa hàng ngồi tại chỗ vẫn có thể theo dõi người vận chuyển qua ứng dụng Shipper được tích hợp định vị bản đồ để theo dõi tình trạng giao hàng, và cũng có thể dùng điện thoại để kiểm tra mã vạch...

Xu thế bán hàng đa kênh diễn ra mạnh mẽ, ước tính tỷ lệ giao nhau giữa hai mô hình offline và online hiện khoảng 15% và sẽ gia tăng mạnh. Theo ông Tuyến, các giải pháp nhằm hỗ trợ nhà bán hàng kết nối kênh cửa hàng trực tiếp với các kênh website, mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử... để việc quản lý tập trung tại một nơi. Phần mềm quản lý theo đó phải tích hợp nhịp nhàng giữa các khâu, giúp rút ngắn các quy trình và giảm chi phí. "Các nhà cung cấp giải pháp không chỉ thường xuyên cập nhật, theo sát nhu cầu, mà còn phải đón đầu và tạo ra xu hướng tích cực. Các doanh nghiệp hiện đã rất nhạy bén, nếu nhận thấy giá trị giải pháp đem lại, họ sẽ nhanh chóng tiếp nhận", ông Tuyến nói.

Người dùng cần lưu ý, việc chọn giải pháp phù hợp phải chú trọng về tính dễ dàng nâng cấp và thay đổi để đáp ứng việc mở rộng quy mô trong tương lai. Phần mềm phải sử dụng dễ dàng cả trên máy tính lẫn app hoàn thiện trên thiết bị di động để quản lý linh hoạt các hoạt động kinh doanh, đồng thời chú trọng công nghệ bảo mật đảm bảo an toàn cho các giao dịch kinh doanh. 

>>Sản xuất phần mềm - Cơ hội cho startup Việt Nam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phần mềm cho cửa hàng bán lẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO